Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng "Búa liềm vàng"

Ðảng bộ tỉnh Hòa Bình với hai khâu đột phá

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ðảng bộ tỉnh Hòa Bình xác định lấy phát triển nhanh và bền vững làm mục tiêu; trong đó phát triển công nghiệp làm nền tảng, phát triển du lịch là mũi nhọn, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bảo đảm cơ cấu kinh tế hợp lý; phát triển vùng động lực là nhiệm vụ trọng tâm tạo sự lan tỏa đối với tất cả các vùng trong tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng dự án cải tạo hồ chứa nước Cảnh Tạng tại huyện Lạc Sơn. Ảnh: Lê Chung
Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng dự án cải tạo hồ chứa nước Cảnh Tạng tại huyện Lạc Sơn. Ảnh: Lê Chung

Tập trung nguồn lực cho các nhiệm vụ trọng tâm

Những ngày cuối tháng 3,không khí lao động khẩn trương diễn ra hầu khắp các địa phương của tỉnh Hòa Bình. Nhiều công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được đẩy nhanh tiến độ. Ðây là kết quả bước đầu sau khi các cấp ủy đảng trong tỉnh quyết liệt chỉ đạo việc triển khai, đưa nghị quyết vào cuộc sống. Ðồng chí Bùi Ðức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, ba đột phá chiến lược trong Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, mục tiêu tổng quát Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020 - 2025, khẩn trương cụ thể hóa thành các nghị quyết, đề án nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của tỉnh để tổ chức thực hiện. Phân công rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị, tổ chức triển khai với lộ trình thời gian hoàn thành cụ thể. Quá trình tổ chức thực hiện phải gắn với các nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo của Trung ương; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát; bổ sung, cập nhật những chủ trương, nhiệm vụ mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đề cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, gắn trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu để mọi nhiệm vụ thực hiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao nhất.

Quán triệt tinh thần này, các cấp ủy đảng nhanh chóng xây dựng chương trình, kế hoạch học tập, triển khai gắn với đặc điểm, tình hình từng đơn vị, cơ quan. Là huyện cửa ngõ tỉnh Hòa Bình, nhằm triển khai mục tiêu phấn đấu cơ bản đạt tiêu chí cấp thị xã vào năm 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy Lương Sơn đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đô thị do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban, xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng tháng, từng quý để thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, Huyện ủy tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình hành động nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch; thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; xây dựng đề án trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các nghị quyết về: Huy động nguồn lực để nâng cấp xã Thanh Cao đạt tiêu chí đô thị loại V, sớm trở thành thị trấn (tháng 4-2021); nâng cao tiêu chí đô thị loại IV huyện Lương Sơn, trở thành đô thị trung tâm của thị xã Lương Sơn trong tương lai (tháng 12-2021). Trên cơ sở các khu đô thị và điểm dân cư đã được phê duyệt, huyện phấn đấu đến năm 2025, thành lập được sáu phường trong tổng số 11 đơn vị hành chính, cơ bản đạt các tiêu chí đơn vị hành chính cấp thị xã. Tập trung khai thác các nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển các xã trong khu vực mở rộng đô thị loại IV đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tiến tới có cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ lao động, hạ tầng kinh tế - xã hội đạt tiêu chuẩn, trình độ phát triển cấp phường thuộc thị xã… Bí thư Huyện ủy Bùi Quang Toàn chia sẻ: Ðối với công tác xây dựng Ðảng, Huyện ủy xác định phải tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng nâng cao vai trò của các cấp ủy đảng; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu.

Kiểm điểm lại công việc đã triển khai, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình Chu Văn Thắng cho biết, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh thu hút được 56 dự án đầu tư; trong đó có 12 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và 44 dự án đầu tư trong nước; nâng tổng số dự án đầu tư vào các khu công nghiệp trong tỉnh lên 99 dự án. Các dự án đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và giải quyết việc làm cho gần 6.500 lao động (đạt tỷ lệ bình quân 1.298 người/năm). Phát huy kết quả đạt được, Ban Quản lý đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp; tạo hạ tầng sạch để thu hút các nhà đầu tư đủ năng lực; hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án và sản xuất, kinh doanh.

Nâng cao năng lực cạnh tranh và chức trách công vụ

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tỉnh ủy Hòa Bình cũng thẳng thắn đánh giá còn nhiều hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu đề ra; nổi cộm là những vướng mắc, tồn tại trong công tác thu hút đầu tư, huy động nguồn lực xã hội. Theo lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, không chỉ trong lĩnh vực phát triển công nghiệp mà ở nhiều lĩnh vực khác, số lượng các dự án chưa nhiều, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn, một số dự án chậm tiến độ. Nguyên nhân khách quan là chính sách đất đai thiếu đồng bộ dẫn đến khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chủ quan là do chất lượng công tác quy hoạch thấp; quy trình, thủ tục hành chính rườm rà; tinh thần trách nhiệm của cán bộ chưa cao. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, có không ít cán bộ, công chức trong tỉnh vi phạm đến mức phải kỷ luật liên quan đến công tác quản lý đất đai; trong đó có cả cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Vì vậy, Tỉnh ủy Hòa Bình xác định hai khâu đột phá, nhằm giải quyết vướng mắc, tồn tại, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới chính là cải cách hành chính và nâng cao chức trách công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Với cải cách hành chính, Tỉnh ủy Hòa Bình sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số quản trị và hành chính công. Một thời gian dài tỉnh Hòa Bình luôn có chỉ số năng lực cạnh tranh ở mức trung bình khá (đứng thứ 48 vào năm 2019), đã ảnh hưởng lớn đến mục tiêu thu hút đầu tư. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy đặt mục tiêu mỗi năm phấn đấu cải thiện tối thiểu ba bậc để lọt vào tốp 30. Ðể triển khai, Tỉnh ủy quán triệt tinh thần cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, là nhiệm vụ xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị. Tỉnh ủy kiên quyết chỉ đạo việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính. Tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động thực hiện chủ trương chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp. Xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ðể nâng cao chức trách công vụ, Tỉnh ủy cũng triển khai các giải pháp tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ; tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, địa phương trong tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Tập trung kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, kiểm tra, thanh tra đột xuất những nội dung được dư luận quan tâm. Từng là đơn vị để xảy ra vi phạm trong công tác quản lý đất đai, Thành ủy Hòa Bình tăng cường quản lý thực thi công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính chức trách công vụ. Các đơn vị thường xuyên tiến hành kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Năm 2020, qua kiểm tra đã kiến nghị xem xét kiểm điểm hai tập thể và ba cá nhân vi phạm; kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá xếp loại ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở xuống đối với 19 trường hợp, tạo chuyển biến tích cực trong cải cách hành chính, thu hút đầu tư và ý thức chấp hành công vụ của cán bộ, đảng viên. Từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố tiếp nhận gần 52 nghìn hồ sơ, đã giải quyết trước hạn, đúng hạn 99,65%. Việc rút ngắn giải quyết thủ tục hành chính góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án. Thành phố vừa hoàn thành 95% công tác giải phóng mặt bằng của 77 dự án, trong đó có nhiều công trình, dự án lớn, trọng điểm như: Xây dựng cầu Hòa Bình 2; Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng… được các ban, ngành trong tỉnh đánh giá cao.