Xử lý nghiêm minh, không có “vùng cấm”

Cử tri cả nước hoan nghênh, đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Đảng, Nhà nước ta đối với một số vụ án, vụ việc tiêu cực, tham nhũng phức tạp thời gian qua nhưng cũng lo ngại, trăn trở bởi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chưa được ngăn chặn; sai phạm, yếu kém trong công tác cán bộ chậm khắc phục đòi hỏi làm quyết liệt đến nơi, đến chốn, không có “vùng cấm”. Cử tri cũng mong các cơ quan chức năng sớm làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan những sai phạm của nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh. Nhân Dân hằng tháng đã ghi lại những ý kiến tâm huyết góp phần tích cực đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo đảm sự trong sạch của Đảng, bộ

Xử lý nghiêm minh, không có “vùng cấm”

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng: Yêu cầu tất cả những người có liên quan phải giải trình, kết luận công tâm, không võ đoán.

Thực tiễn càng chứng minh công tác kiểm tra rất quan trọng- “muốn lãnh đạo phải có kiểm tra, không có kiểm tra thì không có lãnh đạo”. Bên cạnh thành tích, công tác kiểm tra còn bộc lộ một số hạn chế, chưa đạt yêu cầu. Nhiều vụ việc diễn ra thanh thiên bạch nhật mà cấp ủy và cơ quan chức năng không biết, sau mới biết hoặc phanh phui nửa vời, để lâu chìm xuồng. Những người lãnh đạo, cấp ủy khi đã “dính chàm”, làm sai nên không muốn, không dám phát hiện, chẳng khác nào “há miệng mắc quai”.

Thực tế, nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực phức tạp nhưng nếu có quyết tâm chính trị cao vẫn có thể làm đến cùng. Chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với vụ ông Trịnh Xuân Thanh thể hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Vấn đề đặt ra là làm đến cùng như thế nào? Có xử lý triệt để tất cả cá nhân, tổ chức có liên quan?

Qua vụ ông Trịnh Xuân Thanh, phải xem lại chế độ trách nhiệm rồi đến quy chế, quy trình bởi đã bộc lộ một số lỗ hổng trong tổ chức cán bộ, quản lý kinh tế, khen thưởng, lợi ích nhóm. Từ những vấn đề trên nghiêm túc tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm. Đơn cử, tại sao tỉnh Hậu Giang có ba công văn gửi Chính phủ và Bộ Nội vụ mà không thấy trả lời, chế độ hành chính gì? Văn bản thứ nhất gửi Trưởng ban Tổ chức T.Ư, văn bản sau không gửi nữa? Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc chưa bàn bạc kỹ trong tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi có văn bản tiếp nhận ông Trịnh Xuân Thanh bộc lộ việc chấp hành nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng không nghiêm, tùy tiện. Luân chuyển là chủ trương đúng đắn để rèn luyện, thử thách, đào tạo cán bộ, nhưng luân chuyển ai phải tính toán kỹ lưỡng, hợp lý, chứ không phải để tráng men hoặc lẩn tránh trách nhiệm. Lợi ích nhóm manh nha từ lâu (móc ngoặc có từ trước đổi mới), giờ trong cơ chế thị trường càng có điều kiện phát sinh.

Lỗ hổng quan trọng nhất là về trình độ và tư cách cán bộ. Cán bộ tư cách xấu dễ vụ lợi và khi vụ lợi thì bất chấp, lại không chịu khó học hành, không được đào tạo đến nơi đến chốn thì nguy hại là cấp số nhân. Do đó phải rà soát bộ máy tổ chức từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài để loại trừ kịp thời những đối tượng “sâu mọt”, quy định rõ hơn chế độ trách nhiệm, chỉnh đốn để mỗi cán bộ, công chức luôn chấp hành nghiêm các quy định và pháp luật.

Do đó, công tác kiểm tra muốn hiệu quả không cần “đao to búa lớn”, áp đặt, không vội vàng chụp mũ. Nên yêu cầu tất cả những người có liên quan phải giải trình, đồng thời lắng nghe nhân dân. Khi kết luận công tâm, không võ đoán, hàm hồ “yêu nên tốt, ghét nên xấu” và chịu trách nhiệm với nội dung kết luận. Tình hình hiện nay phức tạp hơn, đòi hỏi người làm công tác kiểm tra phải đổi mới, có dũng khí, trình độ, sáng suốt để nhìn nhận vấn đề “thấu lý, đạt tình”, phán xét đúng, sai khách quan, chính xác. Làm đến nơi đến chốn để góp phần chứng minh Đảng ta xử lý nghiêm minh, là thể hiện tình thương đối với cán bộ, kỷ luật không phải để vùi dập mà kịp thời ngăn chặn cán bộ, đảng viên không tiếp tục mắc sai lầm, có cơ hội sửa chữa.

Phải tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên để kịp thời phát hiện, phòng ngừa. Những người đứng đầu (Bí thư cấp ủy) trực tiếp chỉ đạo công tác kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra các cấp phải có chí khí, tâm huyết, trong sáng. Phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết T.Ư 4. Cần công khai, minh bạch kết luận sau khi đã làm rõ các vụ việc và cách xử lý, trong đó báo chí là một kênh quan trọng. Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy sức mạnh tổng hợp, làm quyết liệt, vụ việc khó khăn đến đâu cũng giải quyết được.

Nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương: Không nên đổ cho quy trình.

Xử lý nghiêm minh, không có “vùng cấm” ảnh 1

Trước đây, nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng đã được xử lý triệt để như vụ Minh Phụng, Thủy cung Thăng Long, Lã Thị Kim Oanh, Năm Cam...; có vụ Phó Thủ tướng mất chức, Bộ trưởng từ chức. Vụ ông Trịnh Xuân Thanh điển hình về câu chuyện đúng hay không đúng quy trình. Các quy trình giờ so với trước chặt chẽ hơn, Đảng, Nhà nước và pháp luật có nhiều văn bản quy định, tuy nhiên đã xuất hiện tình trạng “lách”. Không nên đổ cho quy trình. Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh là thực hiện quy trình điều động cán bộ. Điều động là bình thường: từ địa phương lên trung ương hoặc trung ương điều xuống để tăng cường. Quy trình đúng, có nơi xin cán bộ (Tỉnh ủy Hậu Giang), nơi cho (Bộ Công thương) và có hai kiểu xin: xin tăng cường và xin đích danh. Vấn đề đặt ra là tại sao lại xin đích danh ông Trịnh Xuân Thanh mà không xin người khác? Nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trực tiếp quản lý cán bộ cấp dưới để thất thoát hơn ba nghìn tỷ, đồng ý cho về Hậu Giang làm Phó Chủ tịch là không bình thường (nếu không biết thất thoát là có lỗi, nếu biết mà vẫn đồng ý thì khuyết điểm lớn hơn). Cách làm không trong sáng, các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm.

Cần phát huy cơ chế thi tuyển lãnh đạo để chọn nhân tài, qua đó các ứng cử viên cạnh tranh nhau, thể hiện năng lực, chọn người nổi trội nhất, sau để quá trình công tác đánh giá. Cần công khai, cụ thể hóa tiêu chuẩn đức, tài, tránh chung chung. Tiêu chí trước hết phải xem xét cán bộ làm có phải vì đất nước, nhân dân hay vì bản thân? Trong bối cảnh hiện nay chọn cán bộ lãnh đạo khó hơn. Nhóm lợi ích tác động làm cho công tác cán bộ không chuẩn xác, lãnh đạo không là tấm gương sẽ tìm người không đạt tiêu chuẩn. Mà vụ ông Trịnh Xuân Thanh là điển hình.

Theo tôi, cần lập một Hội đồng về công tác cán bộ ở tất cả các cấp, không thể chỉ để một cơ quan phụ trách “độc quyền” công tác cán bộ mà phải có cơ quan kiểm soát, giám sát. Ông Trịnh Xuân Thanh không trong diện T.Ư luân chuyển mà vẫn được điều động về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nếu có cơ quan giám sát sẽ “tuýt còi” ngay từ đầu. Đặc biệt, phải giao quyền và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, truy trách nhiệm đến cùng, nếu không làm được thì sẵn sàng từ chức, nếu phạm sai lầm thì kỷ luật, tránh đùn đẩy cho nhau.

Xử lý thành công vụ ông Trịnh Xuân Thanh có tác dụng cảnh báo, răn đe và cần làm quyết liệt nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực khác nữa. Có như vậy mới lấy được niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy sức mạnh tổng hợp, làm quyết liệt, vụ việc khó khăn đến đâu cũng giải quyết được.

Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra Đinh Văn Minh: Công khai, minh bạch hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.

Xử lý nghiêm minh, không có “vùng cấm” ảnh 2

Xét về mặt nguyên tắc, không có chuyện cán bộ, công chức nhất là người đứng đầu để xảy ra thất thoát, tham nhũng lại luân chuyển đi chỗ khác mà chưa bị xử lý và không thể về hưu để “hạ cánh an toàn”. Mọi hành vi vi phạm đều phải xử lý.

Vừa qua, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp. Tuy nhiên, quan điểm chung của chúng ta là cần kết hợp cả phòng và chống, trong đó đề cao về cơ chế, công khai minh bạch, coi đó là biện pháp căn bản để ngăn ngừa vi phạm. Vụ ông Trịnh Xuân Thanh có nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không nói đến hệ quả thực hiện quy trình cán bộ có phần thiếu minh bạch (sau khi sự việc bị phanh phui, mọi người mới biết được lộ trình thăng tiến của ông Thanh).

Luật Phòng, chống tham nhũng cũng quan tâm việc đề ra các biện pháp chống tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp nhà nước đang quản lý và sử dụng những khối tài sản rất lớn của Nhà nước, trong đó đang xem xét sửa đổi theo hướng nhấn mạnh công khai, minh bạch hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước bằng cách buộc công khai hóa để kiểm soát nguồn vốn tài sản của Nhà nước cũng như các hoạt động kinh doanh (Nhà nước cấp bao nhiêu vốn, để công ty mẹ bao nhiêu, để công ty con bao nhiêu, quỹ phúc lợi thế nào, doanh thu, lương thưởng và các khoản thu nhập của các lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp...). Trên cơ sở công khai kết quả, hiệu quả sản xuất, kinh doanh định kỳ, hằng năm, qua đó so sánh, đánh giá về năng lực điều hành doanh nghiệp của người đứng đầu trong từng thời kỳ. Ngoài ra, có cơ chế kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp từ nhiều phía: xã hội, Nhà nước, người dân; các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra bảo đảm doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật, cạnh tranh lành mạnh đồng thời sớm phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hối lộ, trốn thuế, gian lận thương mại. Cần tăng thêm thẩm quyền, luật hóa để phát huy vai trò của các Ủy ban kiểm tra của Đảng, Ban Nội chính các cấp trong việc phát hiện và xử lý nghiêm trách nhiệm của cán bộ, đảng viên liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, nhất là những người đứng đầu cơ quan, tổ chức.