Xin về hưu sớm

Cái tin năm vị tướng ở Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp (Tổng cục VIII) Bộ Công an, xin về hưu sớm được mọi người xôn xao bàn luận. Là bởi khi không còn cấp tổng cục, các ông vẫn đang còn tuổi công tác từ một đến hai năm nữa. Chẳng xin về thì cấp trên cũng sẽ sắp xếp cho một chức vụ, một công việc phù hợp. Nhưng không, họ đồng lòng xin nghỉ để đỡ “làm phiền” tổ chức.

Huyện ủy Ba Chẽ( Quảng Ninh) tổ chức Lễ công bố Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về việc hợp nhất Ban Tổ chức Huyện ủy và Phòng Nội vụ huyện.
Huyện ủy Ba Chẽ( Quảng Ninh) tổ chức Lễ công bố Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về việc hợp nhất Ban Tổ chức Huyện ủy và Phòng Nội vụ huyện.

Bàn luận việc này, có người nói, ở thế cờ như thế các ông ấy xử sự như vậy là khôn (!). Khôn vì vẫn giữ được cái chức nguyên Phó Tổng cục trưởng. Còn nếu nán lại thêm một đến hai năm nữa, khi “hạ cánh” sẽ nguyên là... Phó cục trưởng. Có lý! Nhưng đấy cũng chỉ là nói ở chỗ trà dư tửu hậu, chứ chả thấy tiếng nói nào cất lên giữa chốn ba quân.

Cuộc “cách mạng” lớn về sắp xếp bộ máy ở Bộ Công an là một việc làm không thể nói khác là thật sự vì dân. Bộ máy tinh gọn, chi trả lương và các chi phí khác giảm đi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, mà an ninh, trật tự xã hội vẫn bảo đảm, thật đáng quý. Chuyện cán bộ xin về hưu sớm thật ra cũng không phải chuyện lạ. Trước mỗi kỳ đại hội Đảng, bầu cử Hội đồng nhân dân có không ít người quỹ thời gian còn 12 đến 20 tháng, thậm chí 30 tháng nhưng đã dứt khoát viết đơn xin nghỉ để tạo điều kiện cơ cấu các đồng chí trẻ. Trường hợp đồng chí Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam) từng xôn xao dư luận một thời vì ông nhất quyết xin về hưu sớm, với tuyên bố nhẹ tênh: chức vụ không phải tài sản của riêng ai. Ông còn nói một cách hình tượng: “Tôi không muốn làm kẻ tư duy lá chuối. Cây nào đến mùa cũng thay lá non, duy nhất chỉ có cây chuối là tàu lá nó chết còn bám trên cây, người ta phải cắt đi”.

Nói thì nhẹ thế mà thực tế với nhiều người có chức, có quyền thì không hề nhẹ! Người ta bông phèng vào lúc rảnh rỗi, cậu đã sắp hạ cánh chưa? Người kia trả lời, đang hạ độ cao, cài bàn ăn, dựng thẳng lưng ghế và mở tấm che cửa sổ... Cái giọng hài hài có gì như chua chát, tiếc nuối. Dễ gì hạ cánh khi có ông sếp “mỗi ngày đến công sở là một ngày vui”, phong bì nhận đều đều, gấp mấy lần lương tháng. Mươi năm trước ở địa phương nọ có chuyện một ông lãnh đạo tỉnh về hưu cả tuần rồi mà cứ “quên”, sáng nào cũng tóc chải mượt, quần áo là li thẳng tắp, xách cặp ra đứng đầu ngõ, chờ xe đến... đón. Người dân bảo rằng “Ông ấy quá yêu nước mình”. Còn một ông khác thì chạm tuổi sáu mươi nhăm nhe thò chân vào một hội đồng, nhưng không thấy “Tổ chức gọi tên mình”, đâm ra phát ốm, đồng nghiệp cứ chạm mặt ở cổng Bệnh viện Hữu Nghị hoài hoài. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có lần nói: Rất nhiều thứ trưởng trở lên cứ chuẩn bị về hưu là trình đơn xin thành lập hội và xin nhận chức... chủ tịch.

Quần chúng dị nghị, sao mà lắm “hội trốn hưu, hội đồng trốn hưu” đến thế! Có ông ở một hội nọ nhận quyết định về hưu ở tuổi thất thập mà vẫn bảo “mình sốc quá” (!).

Cuộc đời này chả ai cho không ai cái gì. Có anh chạy chọt xin kéo dài thời gian giữ chức vụ thêm một thời gian, thật đen đủi cho anh, đúng vào thời gian kéo dài thì “dính nạn”. Anh đành ngậm bồ hòn làm ngọt, biết thế, biết thế...

Người xưa dặn, người chính danh, quân tử biết mình, biết người, biết dừng, biết đủ và biết biến. Xin nghỉ sớm một chút, hoặc là nghỉ đúng thời hạn, âu cũng là biết đủ, biết biến. Cũng tương tự như vậy, có đồng chí khi được tổ chức giới thiệu lên một chức vụ nào đó cao hơn đã cảm ơn và từ chối vì thấy rằng sức vóc mình không kham nổi. Nhìn vào chính mình là cái nhìn ít người chú ý, nhất là khi quyền lực và danh vọng cồn lên. Cái còn lại sau cùng là sự từng trải. Cái tình, cái nghĩa, tiếng thơm để lại mới là của cải đáng quý nhất.