Xây dựng tiêu chí về lòng tự trọng của người cán bộ

Tự trọng là coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình. Người có lòng tự trọng là người có đạo đức, lối sống lành mạnh, giản dị, sống có trách nhiệm, khiêm tốn, tôn trọng những người chung quanh; biết hành động đúng với chuẩn mực xã hội, cái gì không phải của mình thì tuyệt nhiên không được lấy về mình, không ngại khó, ngại khổ, luôn nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Cán bộ Bộ phận một cửa UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh | Đức Anh
Cán bộ Bộ phận một cửa UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh | Đức Anh

Ngược lại, người không có lòng tự trọng thường trốn tránh trách nhiệm, phát ngôn thiếu chuẩn mực, ưa nịnh, tự nhận thành quả và công lao về mình; tự cao, tự đại, sống thiếu lành mạnh, xa hoa, lãng phí, xem thường dư luận, thường “nói không đi đôi với làm”, làm việc hời hợt, quan liêu, cửa quyền, ích kỷ, không lắng nghe ý kiến của người khác, hay kêu ca, đổ lỗi cho khách quan khi đối mặt với khó khăn, thử thách, đổ lỗi cho người khác khi mắc khuyết điểm, sai phạm; khi được giao trách nhiệm, quyền uy thì cao ngạo, chèn ép cấp dưới, xu nịnh cấp trên, gây khó dễ cho những người phụ thuộc nhằm trục lợi...

Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành T.Ư Khóa XII thẳng thắn nêu rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm”.

Thực tế, không ít cán bộ thiếu tự trọng, thu vén cá nhân, trục lợi bất chính ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước. Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC tham ô tài sản của Nhà nước, chạy chức, chạy quyền, khi bị phát hiện thì bỏ trốn ra nước ngoài, khi ra hầu tòa thì khóc lóc, van xin không còn một chút tự trọng và liêm sỉ nào. Một số cán bộ ngành công an phòng, chống tội phạm nhưng đã tha hóa, dung túng, bao che, bảo kê cho đường dây đánh bạc online hàng nghìn tỷ đồng của Công ty CNC do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cầm đầu. Hành vi của một số cán bộ lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để can thiệp, sửa điểm cho các thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua tại Hà Giang, Sơn La làm chấn động dư luận, gây nhiều hệ lụy tiêu cực. Không hiếm trường hợp cán bộ lãnh đạo bổ nhiệm người nhà, người thân, bổ nhiệm thần tốc, đề bạt hàng loạt đệ tử thân tín trong “chuyến tàu vét” trước khi nghỉ hưu hay cố chạy chọt để “giữ ghế” khi mà năng lực không có, uy tín không còn. Rồi một số cán bộ được nhân dân bầu ra, hưởng lương từ tiền thuế của người dân nhưng khi nắm trong tay quyền lực thì xa dân, sống vô cảm, tìm mọi cách vơ vét, tư túi cá nhân, xây biệt thự hàng chục tỷ đồng, xây biệt phủ hàng nghìn m2 trong lúc những người dân chung quanh đang sống vô cùng khó khăn, vất vả. Đó là sự vô liêm sỉ, thiếu lòng tự trọng của một con người bình thường chứ chưa nói đến là cán bộ, đảng viên.

Bản thân lòng tự trọng đều có trong mỗi người, nhưng để trau dồi và rèn giũa thì phải nỗ lực rèn luyện không ngừng nghỉ. Bên cạnh đó, cần xây dựng các tiêu chí cụ thể về lòng tự trọng để mỗi cán bộ tự học tập, luyện rèn hướng theo các tiêu chí đó, đồng thời là căn cứ để tổ chức đảng, cơ quan nơi cán bộ công tác nhìn nhận, đánh giá, động viên kịp thời những cán bộ có lòng tự trọng, phẩm chất tốt cũng như phát hiện những người không có lòng tự trọng, uy tín thấp để có những biện pháp xử lý phù hợp trong công tác cán bộ. Theo chúng tôi, lòng tự trọng của cán bộ có thể được xem xét dưới một số tiêu chí sau:

Về tư tưởng, chính trị, trước hết là bản lĩnh chính trị vững vàng, nghiêm chỉnh chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không hoang mang, dao động trước mọi tình huống, không ngại khó, ngại khổ, không đùn đẩy trách nhiệm trong công việc. Đây cũng chính là lời hứa, lời cam kết trong đơn xin vào Đảng của mỗi cán bộ mà bản thân phải có trách nhiệm thực hiện tốt. Ngoài ra, có ý thức chủ động tự phê bình và phê bình, khi có khuyết điểm thì thành khẩn nhận trách nhiệm, nghiêm túc sửa chữa, góp ý cho đồng chí, đồng đội thẳng thắn, không né tránh, nói đúng sự thật, không vu khống, bôi nhọ, chỉ trích người khác thiếu căn cứ; nói ít, làm nhiều, không huênh hoang, ba hoa, có trách nhiệm với lời nói và lời hứa của mình.

Về đạo đức, lối sống, phải gương mẫu, sống lành mạnh, giản dị, không phô trương, xa hoa, lãng phí, không tự cao, tự đại, đồng cảm với cuộc sống của người dân, luôn tự rèn nhằm vươn tới giá trị chân, thiện, mỹ. Một cán bộ có lòng tự trọng không thể tham gia đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan hoặc sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội. Làm việc nghiêm túc, hiệu quả, hết lòng vì nhiệm vụ được giao. Đoàn kết, gắn bó, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau trong cơ quan, đơn vị, không ích kỷ, cơ hội, thực dụng, không ganh ghét, đố kỵ, không xu nịnh, tâng bốc.

Về năng lực, trình độ, mỗi cán bộ ở vị trí công việc nào, chức vụ nào cần bảo đảm đáp ứng đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy phải có năng lực tổ chức, chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ công tác chuyên môn; có đủ uy tín và có khả năng truyền cảm hứng cho cấp dưới, được cấp trên tin tưởng, tín nhiệm. Luôn gương mẫu đi đầu, nỗ lực học tập, rèn luyện, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác. Bản thân cán bộ nếu được bố trí vào những vị trí công việc thuận lợi nhưng không phù hợp chuyên môn, năng lực, sở trường của mình, không bảo đảm uy tín đối với đồng chí đồng đội và quần chúng nhân dân thì cần tự trọng rút lui.

Về tài sản, quyền lực: Một cán bộ có lòng tự trọng sẽ không thể hiện quyền lực, không lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi cá nhân. Trái lại, luôn bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác; không kèn cựa địa vị, độc đoán, chuyên quyền; không quan liêu, xa rời quần chúng; không dung túng, bao che cho sai phạm, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; dũng cảm chịu trách nhiệm về những tồn tại, thiếu sót thuộc phạm vi, lĩnh vực, thẩm quyền của mình chỉ đạo, thực hiện; không hành động tùy tiện, vô nguyên tắc, gây lãng phí, thất thoát cho tài sản, nguồn lực của Nhà nước và nhân dân. Đồng thời, không sở hữu nhà ở, tài sản quá mức so với thu nhập và tích lũy chính đáng của mình; ngay cả khi gia đình có điều kiện kinh tế từ các nguồn khác, cán bộ lãnh đạo cũng cần có “nhãn quan chính trị” để nhận thức được rằng mình không nên công khai sở hữu những nhà ở, tài sản quá mức so với cuộc sống đang rất khó khăn của quần chúng nhân dân trên địa bàn mình đang lãnh đạo, quản lý.


Như vậy, để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ thì trước hết cần phải lựa chọn và rèn giũa được những người cán bộ có lòng tự trọng. Đó là những người biết xây dựng cho mình những phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng; biết học tập để nâng cao trình độ, năng lực bản thân, biết giữ mình, biết tôn trọng người khác, biết lắng nghe, chịu trách nhiệm với lời nói, hành động của mình trước tập thể và trước nhân dân. Đây chính là nền tảng vững chắc của cán bộ và công tác cán bộ, là cốt lõi của xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trong điều kiện hiện nay.

PGS, TS Nguyễn Trung Kiên

Học viện An ninh nhân dân