“Vạch đỏ” của quyền tự chủ

Khi một bác sĩ từng là giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phải vào tù vì liên quan đến vụ mua thiết bị y tế với giá quá cao, chúng tôi rất buồn. Bởi bác sĩ này được đào tạo bài bản, là nhà khoa học, Anh hùng lao động.

Điều trị cho bệnh nhân tại khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh | Đức Anh
Điều trị cho bệnh nhân tại khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh | Đức Anh

Vì sao ông ta lại trượt ngã nhanh đến vậy? Có người bảo khi giao quyền tự chủ cho bệnh viện thì người đứng đầu tha hồ tự tung tự tác, muốn làm gì chẳng được. Bởi cơ chế tự chủ bệnh viện công đã được triển khai thực hiện trong lĩnh vực y tế từ đầu những năm 2000. Tính đến năm 2018, đã có 100% bệnh viện công thực hiện cơ chế tự chủ ở các mức khác nhau. Vụ nâng khống giá mua hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh ở Bệnh viện Bạch Mai xảy ra khi bệnh viện được tự chủ mua sắm trang thiết bị y tế. Cụ thể, hệ thống robot này được nhập khẩu giá 7,4 tỷ đồng cả thuế, nhưng các đối tượng đã câu kết với nhau nâng khống giá lên tới 39 tỷ đồng.

Đổ lỗi cho chủ trương tự chủ chả khác nào đổ cho hạn hán, lũ lụt là tại... trời. Bởi, tự chủ là một cơ chế động và mở, giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp chủ động hơn về nhân lực, tổ chức, bộ máy, tài chính, vật tư. Không riêng Bạch Mai, không riêng ngành y tế, đầu tiên là các doanh nghiệp, đến các trường học, các cơ quan báo chí, nhiều nơi đã được giao quyền tự chủ. Như một người đang học bơi được ném xuống nước. Cứ vẫy vùng, khắc sẽ biết bơi. Tuy nhiên, người ở trên bờ vẫn phải để mắt đến, ném cái phao ra khi người đang học bơi có nguy cơ sắp chìm.

Câu hỏi đặt ra là: Tự chủ, "vạch đỏ" ở đâu? Anh bơi đến đâu thì phải quay lại? Chừng nào thì phải lên bờ? Câu hỏi tưởng như dễ mà thật khó. Những ai "an phận thủ thường", luôn bằng lòng với sự tĩnh tại, ngại gian khổ, ngại va chạm thì thường né tránh, không muốn ôm việc vào người. Không chỉ có cán bộ lãnh đạo mà ngay cả cán bộ, nhân viên ở các doanh nghiệp, đơn vị cũng có tư tưởng ngại ngần khi lên tiếng đấu tranh với những sai phạm của cấp trên. Bây giờ tự chủ rồi, mình khác nào kẻ làm thuê, nói ra những điều sai trái, khuất tất chẳng những không được quan tâm, cất nhắc, có khi còn mất việc. Vì "thủ thường" mà ở không ít nơi người ta bất chấp nguyên tắc, bỏ qua rất nhiều quy định. Khi đấu thầu, mua sắm, xây dựng, mặc dù được thành lập đủ các hội đồng, ban quản lý dự án, ban giám sát, với đầy đủ đại diện các tổ chức quần chúng. Nhưng nhiều khi đó chỉ là cái vỏ hình thức. Qua vụ việc của Bệnh viện Bạch Mai thấy rằng, khi mua sắm trang thiết bị y tế, đơn vị này đã không tham khảo giá thị trường, bỏ qua việc trực tiếp thực hiện giao dịch với đơn vị nhập khẩu, mà qua khâu trung gian, khiến cho giá đội lên nhiều lần. Chính cái khâu trung gian này là kẽ hở để con voi chui lọt lỗ kim, nhất là trong điều kiện dịch bệnh, thiên tai, cần phải mua sắm khẩn cấp.

Có người nói, "vạch đỏ" của tự chủ chính là lương tâm, là trách nhiệm của người quản lý, người đứng đầu đơn vị. Người khác bảo phải có cơ chế cụ thể, công khai, minh bạch, thường xuyên kiểm tra, giám sát. Điều đó đúng. Nhưng ở nhiều đơn vị xảy ra sai phạm, trước đó đều được đánh giá là nội bộ đoàn kết, thống nhất. Vậy mà khi xảy ra tham nhũng, tiêu cực, giậu đổ bìm leo, vỡ lở biết bao nhiêu chuyện. Như vậy, nguyên nhân chính vẫn là do bệnh dân chủ hình thức mà ra. Mặc dù có cơ chế đấu thầu, cơ chế kiểm tra, giám sát, phối hợp, nhưng khi thực hiện nhiệm vụ về nhân sự, tài chính, đầu tư công... rất dễ bị "lợi ích nhóm" chi phối. Khi đó các cánh tay giơ lên cũng chỉ cốt hợp thức hóa ý đồ cấp trên mà thôi. Người xưa nói: Nghe thiên lệch thì thành họa, chuyên quyền, độc đoán thì thành loạn. Vì vậy, phải có dân chủ thật sự, gắn chặt trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo với sự ràng buộc của pháp luật và những quy định cụ thể? Cùng với đó là tinh thần tự giác, tự trọng rất cao. Có nhiều việc không chỉ đặt câu hỏi được hay không được làm, mà còn là nên hay không nên nữa. Nên nghiêng về phía đạo đức, lương tâm nghề nghiệp và cả sự nhạy cảm của người cầm cân nảy mực. Điều này Đảng ta đã có quy định rất cụ thể về sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nêu gương là câu chuyện không bao giờ cũ, không bao giờ có giới hạn.