PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

Tư tưởng đổi mới sáng tạo của Bác có ý nghĩa to lớn

Nhân dịp đầu xuân, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc (ảnh bên), nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, trao đổi về tư duy đổi mới sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người không ngừng sáng tạo. PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ:

Tư tưởng đổi mới sáng tạo của Bác có ý nghĩa to lớn

Tư tưởng sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ngay khi Người lựa chọn đúng đắn con đường cứu nước. Bác sang phương Tây chứ không chọn phương Đông như những nhà yêu nước trước Bác. Người đến phương Tây để tiếp cận với bản chất chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành trước khi ra đi tìm đường cứu nước đã chia sẻ với bạn thân: “Tôi muốn đi ra ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.

Tư tưởng đổi mới sáng tạo của Bác có ý nghĩa to lớn ảnh 1

Bác Hồ về thăm xã Nam Cường (Tiền Hải, Thái Bình) ngày 26-3-1962. Ảnh | Tư liệu

Một điểm sáng tạo nổi bật khác: Bác không dừng lại ở quy luật thông thường về sự ra đời của một Đảng Cộng sản: kết hợp hai yếu tố: lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và phong trào công nhân. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam được Bác chuẩn bị kỹ càng với ba yếu tố hội tụ: Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Bởi vậy ngay từ lúc thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là Đảng của giai cấp công nhân mà còn là Đảng của dân tộc. Điều này rất phù hợp với quan điểm của Mác - Ăng-ghen trong tuyên ngôn Đảng Cộng sản: những người cộng sản phải tự mình trở thành dân tộc, phải là đại biểu chân chính cho lợi ích dân tộc.

Ngay những ngày đầu của Đảng, Bác đã nêu cao ngọn cờ dân tộc. Tại Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Quan điểm này đã quy tụ được khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là một sáng tạo lớn mà không có nó chắc chắn không có Cách mạng Tháng Tám.

Ông có thể cho biết những sáng tạo nổi bật tiếp nối của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay sau Cách mạng Tháng Tám?

Trước hết, Bác đã lựa chọn hình thức Nhà nước thích hợp - thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là Nhà nước của toàn dân chứ không chỉ riêng một giai cấp nào. Mô hình này phù hợp với đặc điểm nước ta khi đó, vốn là một nước phong kiến quân chủ, thuộc địa, không có dân chủ. Nhà nước mới theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nhà nước để phục vụ nhân dân, chứ không phải là để cai trị dân. Các cơ quan từ Chính phủ đến các làng xã là công bộc của dân, để gánh việc chung, chứ không phải để đè đầu dân. Việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm, việc gì hại đến dân, phải hết sức tránh.

Quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền của Bác có từ rất sớm, năm 1919, Bác đã viết: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Hiến pháp năm 1946 thể hiện rõ tư tưởng pháp quyền của Bác. Đến Đổi mới, Đảng đã thống nhất quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Đến nay, lý luận Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân đã vững vàng thể hiện trong Hiến pháp 2013.

Về Chủ nghĩa xã hội (CNXH), Bác cũng có những sáng tạo, không giáo điều, rập khuôn. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc năm 1947, Bác viết: “Nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”. Chữ “xét hoàn cảnh nước mình” tức là luôn phải tư duy trên mảnh đất của mình. Cho nên khi miền bắc được giải phóng, Bác đề ra phương châm: Tiến dần từng bước lên CNXH. Lúc đó, chúng ta biết Trung Quốc đang thực hiện Đại nhảy vọt, Liên Xô thực hiện kế hoạch bảy năm tiến lên CNCS. Nhưng Bác xác định ta không thể làm giống Liên Xô, Liên Xô có đặc điểm lịch sử văn hóa - địa lý riêng.

Bác chỉ ra nhận thức về CNXH nhẹ nhàng, không nặng về lý luận. Bác nói CNXH là mọi người được tự do, được học hành, được hạnh phúc, có nhà ở, người được chăm sóc, trẻ con được nuôi dưỡng.

Một sáng tạo quan trọng khác, đó là năm 1954, sau khi miền bắc được giải phóng, tiến lên xây dựng CNXH, Bác Hồ có tư tưởng rất cởi mở: Phát triển kinh tế nhiều thành phần nhằm giải phóng sức sản xuất, khơi dậy tiềm năng của đất nước; xây dựng và cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Trước đó, trong tác phẩm Thường thức chính trị năm 1953, Người cho rằng, trong chế độ dân chủ mới, có năm loại kinh tế khác nhau là: Kinh tế quốc doanh; các hợp tác xã; kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ; tư bản của tư nhân và cuối cùng là tư bản của Nhà nước. Bên cạnh việc nhấn mạnh vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh, Bác còn đề cao kinh tế tư bản của tư nhân. Bác khẳng định thành phần kinh tế của giai cấp tư sản dân tộc, vốn là thành phần kinh tế có nhiều kinh nghiệm sản xuất, sử dụng vốn, khoa học kỹ thuật, “là lực lượng cần thiết cho xây dựng kinh tế nước nhà”. Muốn xây dựng CNXH thì phải phát huy toàn bộ lực lượng của dân tộc, trong đó phát triển kinh tế nhiều thành phần và lấy kinh tế tư nhân làm động lực phát triển đất nước.

Thưa ông, vậy những tư tưởng về đổi mới sáng tạo và di sản về sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa như thế nào đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay?

Những tư tưởng về đổi mới sáng tạo và di sản về sáng tạo của Bác có ý nghĩa to lớn với công cuộc xây dựng đất nước hôm nay. Chúng ta cần ghi nhớ phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Bác, giữa chiến lược và sách lược làm sao hài hòa, giữ vững nguyên tắc nhưng hình thức, bước đi phải rất uyển chuyển, tránh giáo điều, duy ý chí, nóng vội. Quan trọng là vận dụng sáng tạo và phát triển, không rập khuôn hay trung thành một cách cứng nhắc. Bác dặn học tập Mác - Lê-nin là học phương pháp vận dụng, chứ không phải là học câu chữ. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới cần học hỏi di sản sáng tạo của Bác.

Tôi cho rằng, tư duy đổi mới sáng tạo về kinh tế, chính trị, chính sách đối nội, đối ngoại... của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, có ý nghĩa vượt thời gian. Thế giới hiện nay là thế giới của tri thức sáng tạo, học tập phong cách tư duy Hồ Chí Minh là học tập tinh thần sáng tạo để hành động cho phù hợp với mục tiêu đã đề ra. Phong cách tư duy Hồ Chí Minh là không giáo điều, rập khuôn, hết sức tránh lối cũ, đường mòn, tự mình tìm tòi, suy nghĩ, truy đến tận cùng bản chất của sự vật, hiện tượng để tìm ra chân lý, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn. Đặc biệt, tư tưởng sáng tạo của Bác về công tác cán bộ, về đạo đức cách mạng, về nền kinh tế nhiều thành phần, về quan hệ quốc tế có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn ông!