Truyền thông chống dịch

Thành tựu của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 rất ấn tượng và được cả thế giới ghi nhận. Mặc dù ở gần ngay bên cạnh Trung Quốc và có số lượng các giao lưu rất lớn với cả Trung Quốc lẫn Hàn Quốc - các nước đang là trung tâm của dịch, nhưng Việt Nam vẫn là một nơi tương đối an toàn. Ở Việt Nam đến nay chưa ai phải chết vì dịch Covid-19!

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) phát khẩu trang, tuyên truyền phòng, chống Covid-19 cho người dân đến làm thẻ căn cước công dân.
Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) phát khẩu trang, tuyên truyền phòng, chống Covid-19 cho người dân đến làm thẻ căn cước công dân.

Có được thành tựu trên trước hết là nhờ vào những phản ứng chính sách kịp thời, mạch lạc và mạnh mẽ của Chính phủ; sự vào cuộc chuyên nghiệp và tận tụy của ngành y; khả năng triển khai chính sách nhanh chóng, hiệu quả của các cơ quan và các cấp chính quyền... Góp phần không nhỏ vào thành công chung là cả truyền thông.

Truyền thông chính sách ngay từ đầu được coi là một bộ phận cấu thành của cuộc chiến chống lại dịch bệnh.

Trước hết, định hướng cho toàn bộ chiến dịch là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Chống dịch như chống giặc”. Đây là thông điệp vừa mang tính hiệu triệu, nhưng vừa xác định nguyên tắc và tinh thần, thái độ đối với cuộc chiến chống lại dịch Covid-19. Sự tập trung cao độ lực lượng, sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cấp, các ngành và đông đảo quần chúng, nhân dân đạt được chính là nhờ theo định hướng của thông điệp nói trên.

Thứ hai, truyền thông được đặt mục tiêu là bảo đảm sự minh bạch. Chính quyền khó có thể chống dịch thành công nếu thiếu sự tham gia của người dân. Để người dân tham gia chống dịch tự giác và có hiệu quả thì thông tin phải được cung cấp cho dân đầy đủ, kịp thời và chính xác. Mọi sự bóp méo thông tin sẽ gây hậu quả khôn lường. Che giấu thông tin sẽ làm cho công chúng chủ quan hoặc không kịp đề phòng, và lây nhiễm có thể bùng phát. Thổi phồng thông tin có thể làm cho công chúng hoảng loạn. Chính sự minh bạnh thông tin đã làm cho người dân ứng xử ngày càng hợp lý hơn, hiểu biết hơn. Từ chuyện cách ly, đến chuyện hạn chế tụ tập đông người... không có chuyện gì chính quyền phải áp dụng các biện pháp mạnh để cưỡng chế.

Thứ ba, truyền thông hướng tới việc trang bị kiến thức, kỹ năng chống dịch cho dân. Để dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng, thì cộng đồng phải biết tự bảo vệ và muốn vậy phải có hiểu biết và kỹ năng làm điều này. Các kỹ năng thiết thực như cần đeo và tháo gỡ khẩu trang như thế nào, cần rửa tay xà-phòng ra sao... đã được truyền thông khá hiệu quả đến mọi người dân.

Thứ tư, phương thức truyền thông chống dịch rất đa dạng và trong nhiều trường hợp là rất hấp dẫn. Ngoài các chương trình truyền thông trên VTV, VOV và các báo đài khác, hàng triệu tin nhắn hướng dẫn cách thức phòng chống dịch của Bộ Y tế đã được gửi đến tất cả thuê bao của Vinaphone, Viettel và Mobiphone. Vũ điệu rửa tay xà-phòng để chống dịch “Ghen cô Vy”, sản phẩm truyền thông hợp tác giữa Bộ Y tế với nhạc sĩ Khắc Hưng và các ca sĩ Min và Erik rất vui nhộn và lôi cuốn. Vũ điệu này đã lên sóng của cả truyền hình Mỹ và đang được cả thế giới biết đến. Trong thời đại của sự quá tải về thông tin, thì những video clip truyền thông như thế này là rất hiệu quả.

Thứ năm, chống tin giả là một phần của chiến dịch truyền thông. Tin giả không chỉ gây hoang mang, làm cho công chúng hành xử sai, mà còn gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực khác cho xã hội như nạn đầu cơ, sự hoảng loạn, sự kỳ thị vô lối... khiến khống chế dịch bệnh trở nên khó khăn. Hàng loạt những người đưa tin giả về dịch bệnh trên các mạng xã hội bị triệu tập, bị cảnh cáo và phạt tiền. Kết quả là nạn tin giả đã được giảm thiểu rất đáng kể.

Cuối cùng, thành công của chúng ta trong chiến dịch chống Covid-19 là rất ngoạn mục. Tuy nhiên, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 khẳng định, đây chỉ mới là thắng trận đầu, chứ chưa phải là thắng cuộc chiến. Những ca nhiễm mới cho thấy tình hình vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Chúng ta gắn kết với thế giới, thế giới đang lan tràn dịch bệnh, thì rủi ro bị ảnh hưởng tiêu cực là khó tránh khỏi. Cùng với các giải pháp khác, truyền thông chống dịch vẫn cần tiếp tục được đẩy mạnh.