Chính sách - cuộc sống

Trách nhiệm giải trình

Tại sao lại phải xây dựng đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông? Đường sắt trên cao này có giải quyết được tình trạng ách tắc giao thông của tuyến đường từ Hà Đông vào nội thành Hà Nội hay không? Nếu giải quyết được tình trạng ách tắc giao thông, thì mức chi phí bỏ ra có hợp lý hay không? Có giải pháp nào khác hợp lý và hiệu quả hơn không?

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh | NGUYỄN NAM
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh | NGUYỄN NAM

Trên đây là những câu hỏi mà bất cứ một quan chức có thẩm quyền nào cũng phải trả lời khi quyết định đầu tư xây dựng một công trình như tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Trách nhiệm phải trả lời những câu hỏi như vậy được gọi là trách nhiệm giải trình. Và bảo đảm trách nhiệm giải trình là một đòi hỏi bắt buộc của nền quản trị quốc gia hiện đại.

Trách nhiệm giải trình là thuật ngữ được dịch ra tiếng Việt từ khái niệm “accountability” trong tiếng Anh. Tuy nhiên, thuật ngữ trách nhiệm giải trình trong tiếng Việt không phản ánh hết ngữ nghĩa của “accountability” trong tiếng Anh. Vì vậy, cần bổ sung nội hàm cho khái niệm trách nhiệm giải trình ở đây. Trách nhiệm giải trình gồm ba phần cấu thành:

Phần thứ nhất là ban hành quyết định thì phải báo cáo công khai và phải giải trình được mục đích, cũng như các căn cứ cho việc ban hành quyết định. Những người ban hành quyết định sẽ phải làm rõ được vấn đề đang phát sinh là vấn đề gì? Tại sao xử lý vấn đề đó lại rất quan trọng, nghĩa là việc giải quyết vấn đề phải nằm trong ưu tiên của đất nước/của thành phố. Ngoài ra, những người ban hành quyết định cũng sẽ phải làm rõ được nguyên nhân của vấn đề là gì. Và chứng minh được rằng giải pháp chính sách được đề ra sẽ loại bỏ được nguyên nhân và xử lý được vấn đề. Cuối cùng, nhưng không phải là ít quan trọng nhất, những người ban hành quyết định còn phải chứng minh được chi phí dự kiến bỏ ra là hợp lý, giải pháp đề ra là hiệu quả.

Phần thứ hai là không giải trình được chính sách đã ban hành thì phải chịu trách nhiệm. Chịu trách nhiệm ở đây có nghĩa là phải bị bãi nhiệm. Thông thường các quan chức chính trị sẽ phải giải trình trước các vị dân biểu. Không giải trình được thì sẽ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm và bị mất chức. Nói đến trách nhiệm giải trình không thể không nói tới cơ chế để áp đặt trách nhiệm khi không giải trình được. Một quan chức tuyên bố chịu trách nhiệm về một sai lầm nào đó trước Quốc hội, thì điều đó được hiểu là quan chức này sẽ từ chức để nhận trách nhiệm. Tuyên bố “Tôi xin nhận trách nhiệm” của một quan chức sẽ chẳng có ý nghĩa gì, khi tuyên bố xong thì quan chức đó vẫn ung dung tại vị.

Phần thứ ba là ban hành chính sách thì phải chịu trách nhiệm về hậu quả của chính sách đó. Một chính sách được ban hành mà không giải quyết được vấn đề đang được đặt ra, ngược lại còn làm phát sinh rất nhiều hệ quả tiêu cực, thì người ban hành chính sách sẽ phải chịu trách nhiệm, hoặc phải từ chức hoặc bị bỏ phiếu bất tín nhiệm và mất chức.

Ứng vào chính sách xây dựng đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, chúng ta thấy có vẻ như hai phần đầu của trách nhiệm giải trình chưa được thực hiện thật sự có hiệu quả. Phần thứ ba sẽ cần có thêm thời gian, mặc dù mọi chuyện có vẻ cũng đã khá rõ.