Tiếng đồn

Tiếng đồn", hay "đồn thổi", "đồn đoán" được xem là những thông tin không chính thức, sự việc chưa được kiểm chứng. Tiếng đồn thường loang ra từ nhận xét chủ quan, phiến diện của một người, một nhóm người nào đó. Người tung kẻ hứng. Họ vỗ vai nhau một cách rất tình cờ, đầy vẻ cẩn trọng: "Này tớ chỉ nói riêng với cậu thôi nhá"; "Chuyện đâu bỏ đó, lộ ra là lãnh đòn đủ nghe chưa?"...

Tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội gây hệ lụy xấu. Ảnh: ĐỨC ANH
Tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội gây hệ lụy xấu. Ảnh: ĐỨC ANH

Nội dung những lời đồn thổi thì muôn hình vạn trạng. Nhưng phổ biến nhất là những câu chuyện làm quà cốt tỏ ra mình "không phải dạng vừa", mình nom thế thôi nhưng quan hệ rất rộng, quan hệ sâu với "Nhà đỏ", "Nhà trắng". Trước mỗi kỳ sắp xếp tổ chức, chuẩn bị nhân sự, họ bịa ra đủ thứ: chuyện sắp tới ông nọ bà kia "vào sâu hơn". Chuyện chú Y, cô Z "dính" vụ ABC bị bắt đến nơi rồi, thử xem lần này còn lấy giấy báo bọc lửa được không? Để tăng độ tin cậy họ thường dẫn ra ông Bộ trưởng Bộ..., ông trùm an ninh Tổng cục... "nói riêng với tớ" (!).

Mới rồi mạng xã hội lan truyền chóng mặt những dòng tin nhắn và những tấm hình "bốc lửa" của một hot girl ở Thanh Hóa. Chủ facebook cho hay đó là tin nhắn của một ông quan với bồ nhí. Tin này nhanh chóng được chia sẻ, với cả rừng bình luận. Sau đó cơ quan điều tra vào cuộc và kết luận hình ảnh, nội dung tin nhắn do đối tượng tự tạo và chụp lại, ghép với hình ảnh của một cô gái, nhằm bôi nhọ lãnh đạo.

Tin đồn thời trước thường chỉ dừng lại sau lũy tre làng, trong bếp ăn tập thể cơ quan. Nhưng thời nay thì lan nhanh lắm, vòng phủ sóng cũng lớn lắm. Và cái gọi là "bằng chứng" cũng khiến người ta dễ tin hơn trước, bởi những tấm ảnh được cắt ghép, bởi sự thêu dệt tinh vi thật giả xen lẫn. Có anh chuyên làm "chân gỗ" thuộc vanh vách ngày sinh tháng đẻ của một cán bộ cấp cao và cả vợ ông nữa. Lại đọc cả số điện thoại, mở tin nhắn ra làm chứng. Đấy bạn thấy chưa, "Cụ" nhắn lại cho tôi đấy. Bữa trước tôi vừa tổ chức sinh nhật cho Cụ ở Lotte, ảnh đây. Bạn tin chưa nào? Cụ bảo, sắp tới, sắp tới...

Không phải tất cả tin đồn đều xấu. Bởi có những tin đồn vô hại, cốt mua vui, giết thời gian. Người nói cũng không cần "dẫn nguồn" mà chỉ là nghe nói thế, thực hư không dám bảo đảm. Có những tin đồn cũng để thăm dò, để "rung chà cá nhảy".

Tuy nhiên, quá nhiều tin đồn xuất hiện với ý đồ xấu. Có người phải kêu lên rằng: "Tiếng đồn làm khổ người ta/Bao nhiêu nước mắt chảy qua tiếng đồn". Không ít trường hợp để hạ uy tín một ai đó, để đè bẹp đối thủ cạnh tranh với mình mà người ta tung ra những thông tin xấu, trắng trợn vu cáo, xuyên tạc.

Phật dạy muốn trở thành người hiền thì phải tu sửa mình, trong đó phải tu tâm, tu ý, tu lời. Tu lời tức là nói ra lời nào phải chính đính, xác thực. Nói lời sai, lời xấu khác nào bỏ thuốc độc vào chén rượu vậy. Đấy là chuyện Đạo. Còn chuyện Đời thì thế này chăng: mỗi người hãy tỉnh táo, nghe bằng hai tai, vạch mặt những kẻ chuyên đưa chuyện, chuyên "đơm đó ngọn cây"? Một cơ quan văn hóa không chấp nhận những người rỉ tai nhau những thông tin thất thiệt. Họ đích thị là người đang "tự chuyển hóa".