Thực hành tiết kiệm & chống lãng phí

Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2019 vừa được ban hành, trong đó trọng tâm là siết chặt kỷ luật tài khóa - ngân sách nhà nước và tạm dừng các công trình hiệu quả đầu tư thấp. Đây quả thực là những nội dung cần tập trung xử lý.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên có tổng mức đầu tư 8.100 tỷ đồng được xây dựng từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn “đắp chiếu”. ẢNH | NAM TRẦN
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên có tổng mức đầu tư 8.100 tỷ đồng được xây dựng từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn “đắp chiếu”. ẢNH | NAM TRẦN

Lãng phí xảy ra do nhiều nguyên nhân. Trong đó có những nguyên nhân nằm ở tầng văn hóa. Thí dụ, thói quen “nước đến chân mới nhảy”, “mất bò mới lo làm chuồng”, v.v. thường gây tổn thất và mất mát rất lớn. Tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy”, đã đãi khách thì phải thật đàng hoàng... cũng gây ra nhiều tốn kém. Những thứ như trên thường được “di truyền” qua văn hóa và lối sống. Giải pháp quan trọng nhất là giáo dục và truyền thông, phải tiến hành liên tục và mất rất nhiều thời gian.

Về những nguyên nhân nằm ở khâu thiết kế hệ thống, ở nước ta, nền tảng bầu cử (hay nền tảng quyền lực) là của địa phương. Tất cả ĐBQH đều phải ứng cử ở các tỉnh và trở thành đại biểu của các tỉnh. Hay trong tổng số 1.510 đại biểu dự Đại hội XII của Đảng, số đại biểu là của các tỉnh, thành phố chiếm tỷ lệ lớn. Với một nền tảng quyền lực như vậy, thì việc phân bổ các nguồn lực phân tán cho 63 tỉnh thành rất khó tránh khỏi, đặc biệt là trong trường hợp quyền lực bầu cử nằm trong tay các địa phương, nhưng quyền lực tài chính chủ yếu lại nằm trong tay Trung ương. Tỉnh nào rồi cũng sẽ có sân bay, cảng biển, trường đại học, quảng trường hoành tráng... Mà như vậy thì lãng phí vô cùng lớn. Nguyên nhân này sẽ khó được khắc phục nếu một nền tảng bầu cử nhằm tạo ra cơ chế đại diện mạnh mẽ cho quốc gia (cho Trung ương) không sớm được hình thành. Cơ chế này có thể được thiết kế bằng nhiều cách, nhưng dù cách nào thì Trung ương phải có nhiều phiếu hơn cho việc bầu các cơ quan của quốc gia (của Trung ương). Đồng thời, phân chia quyền lực tài chính cho các tỉnh cũng rất quan trọng. Hãy để các ưu tiên của địa phương cho các địa phương quyết định! Hiến pháp năm 2013 đã tạo nền tảng hết sức cơ bản cho việc phân quyền như vậy. Rất tiếc, Luật Tổ chức chính quyền địa phương có vẻ đã không theo kịp Hiến pháp.

Sự trùng lắp và chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các thiết chế trong thể chế cũng gây ra những lãng phí không hề nhỏ, đặc biệt là về thời gian, nhân lực và cơ hội. Phân định rạch ròi chức năng, nhiệm vụ giữa Đảng với Nhà nước, giữa Trung ương với địa phương, giữa Đảng, Nhà nước với các tổ chức quần chúng, nhân dân là cải cách cần phải nhanh chóng tiến hành, càng trì hoãn thì lãng phí càng xảy ra nghiêm trọng hơn.

Sự hạn chế về khả năng vận hành cơ chế trách nhiệm đối với các hành vi ở tầm xác lập ưu tiên và hoạch định chính sách cũng là một căn nguyên. Bởi vì nếu chúng ta chỉ áp đặt được chế độ trách nhiệm cho những người xây dựng các nhà máy đường, mà lại lúng túng trong áp đặt chế độ trách nhiệm cho những người đề ra chương trình một triệu tấn đường, thì những lãng phí khủng khiếp vẫn còn đó. Chế độ trách nhiệm đối với việc xác lập ưu tiên và hoạch định chính sách là chế độ trách nhiệm chính trị. Cần có những cải cách thể chế để chế độ trách nhiệm này được xác lập thông qua hoạt động của Quốc hội và HĐND. Quan trọng nhất ở đây là cải tiến quy trình, thủ tục để việc bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể được tiến hành một cách thuận lợi theo ý chí của các vị đại biểu dân cử.

Chủ nghĩa hình thức cũng gây lãng phí rất lớn. Các phong trào không dựa trên động lực thật của cuộc sống, các khóa học giảng giải những điều ít thiết thực cho công việc hằng ngày, những cuộc hội họp có cũng được, mà không có cũng chẳng sao... là muôn vàn biểu hiện của chủ nghĩa hình thức. Nếu không có các hoạt động như vậy mà đời sống, công việc vẫn diễn ra bình thường, thì nên bỏ bớt.

Cuối cùng, ở tầm khái niệm, để chống lãng phí, xác lập cho đúng ưu tiên là quan trọng nhất. Ưu tiên của quốc gia phải do Trung ương xác lập; ưu tiên của địa phương phải do địa phương xác lập. Ngân sách và các nguồn lực khác của đất nước phải được phân bổ nghiêm ngặt theo thứ tự của các ưu tiên thì chúng ta mới chống được lãng phí.