"Thời của thánh thần"

Ngẫu nhiên khi viết bài này, tôi chợt nhớ tới cái tựa tiểu thuyết của nhà văn Hoàng Minh Tường: “Thời của thánh thần”. Không bàn đến nội dung tiểu thuyết, nội chỉ cái tên đã thấy không thể đúng hơn. Chưa có thời nào mà bàn dân thiên hạ lại mê mẩn tin vào thánh, vào thần như bây giờ. Niềm tin tâm linh suy cho cùng là điều tốt cho một đời sống hiện đại nhưng tin đến mức không còn tỉnh táo lý trí để dẫn đến bao hệ lụy làm tổn hại đến đời sống của không chỉ một cá nhân, một gia đình, một cộng đồng thì điều đó đồng nghĩa với sự mông muội cần phải tỉnh thức và cải biến.

Người dân cầu khấn ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Ảnh | Thanh Giang
Người dân cầu khấn ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Ảnh | Thanh Giang

Trong tháng giêng, hai, ai có dịp đi rộng dài đất nước, dù vô tình cũng nhận thấy trên mọi vùng miền ở những đền chùa, miếu mạo, xóm thôn, làng mạc... đều nhộn nhịp người, xe với những lễ hội tấp nập. Đi lễ là một tục lệ truyền thống và những lễ hội cũng vậy đều có những nét đẹp văn hóa đã trở thành tín ngưỡng truyền lại từ xa xưa. Song cần phải dũng cảm để thừa nhận, cùng với thời gian và niềm tin tâm linh thái quá đã làm biến tướng không ít nội dung từ lễ hội đến mê tín cá nhân dẫn đến những bất cập không phù hợp nhu cầu đời sống hiện đại. Có thể dẫn chứng ở một vài lễ hội có những màn tàn sát động vật man rợ cần phải điều chỉnh. Còn nhiều điều khác nữa.

Đi lễ có lẽ là một câu chuyện dài. Nó không chỉ là tục lệ mà còn là niềm tin cá nhân vào thế giới siêu hình với những ước vọng cụ thể. Nhưng lấy đó làm chỗ dựa, thậm chí bấu víu tinh thần để vượt thoát hiện tại lại là điều đáng ngẫm ngợi. Không ít năm tôi xuất hành vào lúc giao thừa. Đây là thời khắc giao hoan của trời đất và cũng là lúc thiêng liêng, thanh tịnh nhất của một năm. Thường thì tôi đi chùa với mục đích chỉ là để cho tâm hồn mình tĩnh lại, thư thái cho một năm mới bắt đầu. Cũng gói muối, đùm gạo, bao diêm lấy lộc may mắn nhưng tôi hiểu rằng cửa chùa không phải là nơi mang đến những khao khát là nhu cầu của mình. Một vấn nạn đang lan tràn hiện nay là việc hành lễ thái quá. Không lạ lẫm khi ta thấy các ban thờ thậm chí các bộ phận trên thân thể tượng Phật, mình thánh, ngai thần tràn ngập tiền thật. Tiền lẻ người đi lễ rải ra với hy vọng được thánh thần phù trợ mang lại những đồng tiền lớn gấp nhiều lần. Thật phản cảm khi bắt gặp ngay cả trong chùa chứ chẳng riêng đền phủ những mâm lễ mặn thịnh soạn đủ đầy với những xấp tiền mệnh giá lớn. Tôi hiểu đó là khát vọng muốn có một cuộc sống sung túc đủ đầy, nhưng mượn chốn cúng bái để thể hiện thô thiển hy vọng đổi đời, rõ ràng chỉ là điều không tưởng.

Nếu ai cứ bỏ nhiều tiền hơn thì được nhiều phúc lộc hơn, cũng cầu được ước thấy thì có lẽ may mắn, tài lộc đã dồn vào hết họ còn đâu nữa để dành cho bàn dân thiên hạ.

Lại nữa việc dâng sao giải hạn ở các đền, thậm chí ở các chùa do chính các sư trụ trì đảm nhiệm. Mong muốn những vận hạn ra đi là điều chính đáng nhưng lắm khi cách rách và cực kỳ tốn kém cả thời gian lẫn tiền bạc. Cũng phải thành thật bản thân tôi đã tham gia vài lần chuyện giải hạn này sau thì thôi nhưng cũng không ngăn cản người thân. Bởi mặc nhiên những việc này là do quan niệm của từng người, tuy nhiên cách làm cũng còn nhiều điều đáng bàn.

Những ngày này, trên các diễn đàn cũng đang nóng lên chuyện đốt vàng mã. Mọi người bàn luận có nên cấm đốt vàng mã hay không? Những người phản đối đốt vàng mã đưa ra nhiều luận điểm như tốn kém, mê tín, vô bổ và ô nhiễm môi trường. Rất đúng nhưng những người bảo vệ thì lại cho rằng đây là một tập tục cần giữ. Cũng chẳng sai. Với quan niệm “trần sao âm vậy” nên ngoài tiền vàng thì hiện có cả một “ngành” sản xuất những vật dụng dành cho âm phủ. Thôi thì đủ hết từ ô-tô, nhà lầu đến đủ thứ đồ đạc đắt tiền khác. Thậm chí có hình nộm người giúp việc cũng được đốt để phục vụ gia đình dưới âm. Tôi đã chứng kiến ở những nơi tổ chức hầu đồng, đồ mã bày chật sân. Đủ hết các chủng loại. Có lần tôi thấy có cả tàu chiến, máy bay hỏi ra thì vỡ nhẽ người đứng giá hầu đồng ấy liên quan đến công việc có những thứ kia nên đặt sản xuất riêng để hóa. Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn đề nghị các phật tử bỏ tục đốt vàng mã trong khuôn viên chùa. Thật ra việc này đã có những nghị định của Chính phủ cấm đốt vàng mã nơi công cộng hoặc cấm đốt vàng mã sai nơi quy định... nhưng việc thực hiện không mấy triệt để. Riêng quan điểm của tôi, đây là một tập tục có từ lâu đời chỉ nên vận động, tuyên truyền để chừng mực việc đốt vàng mã ở gia đình nhưng nên cấm ở nơi công cộng như đền chùa, đường phố. Việc cấm này phải có chế tài rõ ràng.

Cầu ước vật chất chỉ là một nhẽ, không ít người còn tìm đến đền phủ, chùa chiền cầu mong tước lộc. Một lá sớ, một ấn tín, một lễ cầu hoành tráng mong cho con đường hoạn lộ, cho chiếc ghế đang ngồi, cho vị trí sắp đến. Chao ôi là hoang đường.

Xưa nay xã hội vẫn luôn sử dụng cụm từ “mê tín dị đoan” để nói trường hợp này. Rất đúng, càng ngày sự mê tín thậm chí là cuồng tín càng phát triển, nảy nở và mang đến nhiều di hại.

Thời gian gần đây câu chuyện cá thần ở Hiến Sơn, Đô Lương, Nghệ An đã gây xôn xao dư luận. Chỉ là một con cá kiểu như vật đẻ nổi lên, chìm xuống ban đầu có người kích điện, dùng dụng cụ đánh bắt nhưng không được đã thành “cá thần” khiến cho hàng nghìn người dân hiếu kỳ đến cúng bái. Cùng thời điểm là việc cúng rắn thần ở thôn La Hà Tây, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình. Cũng chỉ có hai con rắn nước trú ngụ ở một ngôi mộ hoang đã được đồn thổi thành “rắn thần”. Ngay lập tức nhiều người dân trong vùng kéo nhau đến dựng rạp cúng bái. Điều đáng nói là chính quyền thôn này tổ chức thu tiền giữ xe đến hàng trăm triệu đồng. Sau khi một con rắn chết, con còn lại được kiểm lâm Ba Đồn xác định chỉ là rắn nước không thuộc danh mục bảo vệ nên đã thả về tự nhiên thì chuyện “rắn thần” mới kết thúc. Nhưng dư âm của nó thì vẫn còn và cả chuyện khó xử về giải quyết số tiền mà thôn kia đã thu của những người đến hành lễ.

Mê tín không chỉ dừng lại ở đó, trong một số trường hợp nó dẫn đến cả tội ác. Gần đây là trường hợp bà nội giết cháu vì tin lời thầy bói phán đứa cháu gái là nghiệp chướng của gia đình. Thật kinh sợ khi chỉ vì mông muội, ngu dốt mà người bà nhận thức sai lệch xuống tay bóp chết cháu. Có thể kể một số vụ điển hình vì mê tín mà mẹ sát hại con, em sát hại anh trai, bạn giết bạn. Lại có việc một cặp đôi yêu nhau nhưng do tin lời thầy bói phán mệnh không hợp nếu vẫn cưới khi có con thì người chồng sẽ chết nên một chàng trai đã giết bạn gái rồi tự sát. Quá mê tín nghe thầy bói dẫn đến kết cục bi thảm cho một đôi tình nhân.

Những cái giá phải trả cho chuyện mê tín còn rất nhiều. Nhưng tôi tin rằng chữ “tâm” thánh thiện luôn có trong mỗi người chúng ta. Nhà Phật có câu “Phật tại tâm”. Đừng để sự mê tín làm méo mó, làm hỏng niềm tin tốt đẹp đó.