Chính sách cuộc sống

Thành tựu chống dịch & Quyền lực mềm

Quyền lực mềm là khái niệm được giáo sư Joseph Nye Jr. Đại học Harvard đưa ra. Ông gọi quyền lực mềm là năng lực giành được những thứ mà một quốc gia mong muốn bằng việc gây ảnh hưởng. Loại năng lực này giúp quốc gia đó đạt được mục đích thông qua sức hấp dẫn chứ không phải thông qua sự đe dọa hoặc ép buộc.

Sản xuất dung dịch rửa tay sát khuẩn ở Công ty CP Traphaco. Ảnh: Quốc Tuấn
Sản xuất dung dịch rửa tay sát khuẩn ở Công ty CP Traphaco. Ảnh: Quốc Tuấn

Đối lập với quyền lực mềm là quyền lực cứng. Và đe dọa, ép buộc chính là cách thức chủ thể của quyền lực cứng sử dụng để đạt được mục đích của mình. Quyền lực cứng có được là nhờ vào sức mạnh quân sự và kinh tế. Quyền lực mềm có được là nhờ vào sức hấp dẫn của hình ảnh công chúng, của hệ thống giá trị, của văn hóa và cách cư xử. Tóm lại, với quyền lực cứng người ta bị ép buộc làm vì sợ hãi; với quyền lực mềm người ta được thôi thúc làm vì mến mộ. Sử dụng quyền lực cứng nhiều khả năng là chỉ tạo ra được chư hầu; sử dụng quyền lực mềm mới tạo ra được bạn hữu. Rõ ràng, sử dụng quyền lực mềm mới là thượng sách.

Vấn đề đặt ra là đất nước Việt Nam ta có quyền lực mềm hay không?

Câu trả lời là chắc chắn có! Chúng ta có quyền lực mềm nhờ hệ thống giá trị nhân văn của người Việt, nhờ thái độ có trách nhiệm với những vấn đề chung của toàn nhân loại, nhờ sự thủy chung đối với bạn bè...

Quyền lực mềm của đất nước đặc biệt được củng cố và tăng cường rất đáng kể sau cuộc chiến thành công chống đại dịch Covid-19.

Trước hết, thành tựu chống dịch đã làm cho đất nước ta trở nên rất nổi tiếng. Giống như thương hiệu, danh tiếng của đất nước là một tài sản. Đất nước càng được mến mộ bao nhiêu, thì khả năng thu hút nguồn lực của thế giới càng lớn hơn bấy nhiêu, và cơ hội mở ra cho những người dân cũng càng nhiều hơn bấy nhiêu. Đầu tư cho danh tiếng vì vậy cũng chính là đầu tư cho quyền lực mềm của đất nước. Cho dù không phải là mục đích ban đầu, thì sức người, sức của mà Chính phủ và nhân dân ta bỏ ra để chống đại dịch Covid-19 đang là một khoản đầu tư cho danh tiếng của đất nước hiệu quả chưa từng có. Có lẽ, sau chiến tranh, thì chưa bao giờ tên tuổi của Việt Nam lại được nhắc đến với một sự khâm phục nhiều đến như vậy.

Sự sẻ chia nguồn lực ít ỏi về trang thiết bị y tế chống dịch với nhiều nước trên thế giới cũng đã làm cho Việt Nam càng được mến mộ hơn. Nhân đây, ý kiến cho rằng không nên tặng trang thiết bị chống dịch cho các nước khi nước ta còn nghèo hơn họ là hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, nói như vậy là chưa thấy hết lợi ích to lớn của việc làm này. Đây rõ ràng là cách đầu tư hết sức hiệu quả cho quyền lực mềm của đất nước. Chúng ta hoàn toàn có thể phát huy quyền lực mềm này để thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch quốc tế. Nhờ quyền lực mềm này (đặc biệt là nhờ sự mến mộ), khách nước ngoài cũng sẽ lựa chọn hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam nhiều hơn. Chưa nói đến lợi ích chính trị, thì lợi ích kinh tế mà chúng ta có được sẽ lớn hơn rất nhiều lần so với những gì đã bỏ ra.

Khống chế thành công đại dịch, Việt Nam cũng trở thành một đất nước nổi tiếng về sự an toàn. Sự nổi tiếng này sẽ giúp chúng ta thu hút dễ dàng hơn các nguồn lực của thế giới đặc biệt là thu hút đầu tư, các sự kiện và khách du lịch quốc tế. Đây cũng là cơ hội rất lớn để phát triển kinh tế.

Cuối cùng, quyền lực mềm là thứ quyền lực rất khó xây dựng, nhưng lại rất dễ bị tiêu hao. Càng nổi tiếng thì càng được chú ý. Càng được chú ý, thì những sơ suất càng dễ bị phát hiện. Những sơ suất như vậy không sớm thì muộn sẽ làm suy giảm quyền lực mềm của đất nước. Đề cao tinh thần trách nhiệm và phấn đấu từng ngày, từng giờ để bảo tồn và phát triển quyền lực mềm của đất nước vì vậy phải là mối quan tâm thường xuyên của cả hệ thống và của mỗi người dân.