Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Sức lan tỏa từ những tấm gương làm theo Bác

Xác định rõ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII; Tỉnh ủy Hà Nam quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện, tập trung ba nội dung: Học tập và đăng ký làm theo Bác theo chuyên đề năm 2017; triển khai mô hình điểm về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và phát động Cuộc thi viết “Những tấm gương làm theo Bác”. Phát hiện những tấm gương điển hình, tuyên truyền, biểu dương kịp thời và lan tỏa, tạo khí thế thi đua sôi nổi học tập và làm theo Bác là cách làm mang lại nhiều chuyển biến tích cực.

Đảng viên chi bộ thôn An Mông 1, xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên đăng ký học và làm theo Bác.
Đảng viên chi bộ thôn An Mông 1, xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên đăng ký học và làm theo Bác.

Phát hiện, tôn vinh

Hơn 52 nghìn bài dự thi là con số ấn tượng sau một năm phát động cuộc thi viết “Những tấm gương làm theo Bác”. Để cuộc thi thật sự đạt chất lượng, tránh hình thức, chạy theo “phong trào” luôn là nỗi trăn trở bởi nếu không chỉ đạo thống nhất, có cách thức phù hợp thu hút người tham gia và quá chú trọng số lượng, khó tránh khỏi tình trạng bài dự thi nhạt nhẽo, kém chất lượng. Vì thế, Ban tổ chức cuộc thi do Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy làm Trưởng ban, Ban Tuyên giáo là cơ quan thường trực thường xuyên theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện. Theo đó, cấp ủy các cấp, các cơ quan, đơn vị tổ chức phát động cuộc thi với quyết tâm cao, cùng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho người viết phấn chấn, tự tin tham gia như: chủ động giới thiệu gương người tốt, việc tốt, hướng dẫn, gợi ý xây dựng đề cương và phương pháp viết bài. Thông qua hoạt động biểu dương, khen thưởng các điển hình, giao lưu, tọa đàm, sân khấu hóa về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh” do đảng bộ huyện Kim Bảng, công an tỉnh tổ chức, các tác giả được giới thiệu và có dịp gặp gỡ, trao đổi với những tấm gương “người thật, việc thật” để khai thác thông tin, tìm kiếm tư liệu. Nhiều bài viết được đánh giá cao bởi có nhân tố điển hình thuyết phục cùng cách thể hiện sâu sắc, hình ảnh minh họa phong phú kèm theo nhận xét của đồng nghiệp về tấm gương phản ánh nhằm khẳng định rõ nét tính chân thực và tác động của hành động học và làm theo Bác trong thực tiễn.

Những tấm gương dung dị trong các bài viết có thể bắt gặp đâu đó trong đời sống hằng ngày. Việc tốt của họ không chỉ khiến người viết cảm phục, học tập thể hiện qua ngòi bút và thái độ trân trọng nêu gương mà còn trở nên đẹp hơn từ sức lan tỏa, nhân lên những điều thiện, việc làm có ích trong cộng đồng. Tác giả Vũ Thị Thanh Thủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lý Nhân chia sẻ, môi trường công tác giúp tôi có điều kiện tiếp xúc với nhiều tấm gương người tốt việc tốt, gương sáng thiếu tá, bác sĩ quân đội nghỉ hưu Nguyễn Hữu Bẩm ở xã Công Lý suốt 25 năm miệt mài, tận tâm chữa bệnh giúp người nghèo gây ấn tượng mạnh và thôi thúc tôi tìm hiểu, viết bài dự thi. Từng trải qua những ngày tháng chiến đấu gian khổ cận kề giữa sự sống và cái chết, chứng kiến đồng đội anh dũng hy sinh, thấm thía lời Bác dạy “lương y như từ mẫu”, ông Bẩm luôn tâm niệm còn sức khỏe còn phục vụ nhân dân. Tâm tư, suy nghĩ, việc làm của ông được tái hiện trên những trang viết chân thực, đầy cảm xúc đã thuyết phục ban giám khảo trao giải nhất. “Tấm gương của ông Bẩm đã bồi đắp tinh thần trách nhiệm cho tôi trong công việc. Tôi luôn tự nhủ hãy học Bác từ những điều đơn giản nhất và mong muốn sau cuộc thi sẽ có thêm nhiều gương sáng học tập và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực cống hiến cho quê hương”, chị Thủy bộc bạch.

Nhiều đảng bộ đã quan tâm, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia viết bài nên sức lan tỏa của cuộc thi ngày càng mạnh mẽ. Có đảng viên cao tuổi, học sinh nhỏ tuổi cũng tích cực dự thi. Với kết quả thu được 20.089 bài dự thi (cao nhất tỉnh), Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lý Nhân Trần Thị Vui phấn khởi cho biết, Ban đã tham mưu tích cực và được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp ủy, tổ chức đảng, khích lệ cán bộ đảng viên và nhân dân hưởng ứng tham gia dự thi. Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Đức Thuần khẳng định, cuộc thi trở thành đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa thiết thực và thông qua việc tìm hiểu, viết gương điển hình khơi gợi tình cảm, ý thức trách nhiệm của người dự thi và giúp nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nỗ lực phấn đấu, tích cực làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể.

Thêm nhiều điểm sáng

Dấu ấn lan tỏa rõ nét của cuộc thi thể hiện qua nhiều chuyển biến tích cực trong thực tiễn đời sống và xuất hiện ngày càng nhiều nhân tố mới, mô hình mới trong phong trào học và làm theo Bác. Năm 2017, chi bộ thôn Chằm (Liêm Thuận, Thanh Liêm) là một trong 60 tập thể, cá nhân tiêu biểu vinh dự được Tỉnh ủy tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phần thưởng này là niềm vinh dự, tự hào đồng thời là động lực quan trọng khích lệ chi bộ nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hằng năm, 100% số cán bộ đảng viên trong chi bộ nghiêm túc đăng ký làm theo Bác với các nội dung: phát huy tinh thần gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, gắn bó với nhân dân... Trong các buổi sinh hoạt định kỳ chi bộ đều rà soát, chỉ rõ những việc chưa làm được từ đó đề ra biện pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời. Triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu thực hiện nghiêm Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII), khen chê đúng mực, cầu thị lắng nghe nên chi bộ tập hợp được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, các nghị quyết ban hành sát hợp với quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Còn biết bao tấm gương không ngừng học và làm theo Bác, thầm lặng cống hiến trong cuộc sống thường ngày được phát hiện, tôn vinh, đặc biệt là tinh thần gần dân, vì dân; không suy thoái đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phòng, chống tham nhũng, lãng phí... theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII). Đó là những việc làm, nghĩa cử bình dị mà cao đẹp làm lay động lòng người trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vượt khó, học giỏi, làm kinh tế giỏi, sáng tạo trong lao động sản xuất; trong công tác thiện nguyện, vì cộng đồng... như cụ Nguyễn Văn Liệu ở phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý đã 86 tuổi đời, 65 tuổi đảng vẫn say mê trồng cây góp phần làm xanh, sạch đẹp môi trường, đem lại bóng mát cho bà con hay cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắng ở xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm tình nguyện ngày bốn lượt đứng tại ngã tư để đưa học sinh qua đường...

Đáng trân trọng là mỗi điển hình được biểu dương đã tạo động lực thôi thúc mọi người tiếp tục phấn đấu noi gương Bác làm thêm nhiều việc tốt. Người thương binh giàu nghị lực Nguyễn Tiến Chức vượt qua nỗi đau bệnh tật, vươn lên trở thành Tổng giám đốc Công ty TNHH Đồng Tiến tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ người nghèo. Xuất phát từ tấm lòng nhân ái, anh Hoàng Văn Nhãn, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng đã nhận nuôi cháu bé bị bỏ rơi dù gia cảnh còn nhiều khó khăn. Khiêm tốn chia sẻ rằng đó là việc thiện nên làm, anh Nhãn mong rằng mọi người hãy dành nhiều tình yêu thương cho nhau để giúp đỡ nhau nhiều hơn trong cuộc sống.

“Cuộc sống xã hội hiện tại đã làm cho nhiều điều vốn là chuẩn mực một thời bị thay đổi. Những tấm gương người tốt, việc tốt chưa bao giờ lại có giá trị giáo dục tốt đến vậy. Mỗi tấm gương được lan tỏa là một điều tốt được nảy mầm, trỗi dậy, vươn xa. Và cuộc sống này cần có nhiều tấm gương làm theo Bác như thế”. Những lời chia sẻ tâm huyết của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trường THPT chuyên Biên Hòa trong bài dự thi của mình càng minh chứng rõ thêm về kết quả tích cực từ cuộc thi thiết thực này.