Tinh giản bộ máy, biên chế tại Quảng Ninh

Sáp nhập không đơn thuần là phép cộng

Là địa phương đi đầu cả nước thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nhiều năm trước khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, Quảng Ninh đã xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”, triển khai trong toàn hệ thống chính trị. Bên cạnh kết quả nổi bật đã đạt được và nỗ lực chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của tỉnh cũng cần hỗ trợ về cơ chế, chính sách từ Trung ương để thực hiện thuận lợi hơn.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng chúc mừng các lãnh đạo Chi cục Thuế khu vực được bổ nhiệm.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng chúc mừng các lãnh đạo Chi cục Thuế khu vực được bổ nhiệm.

Tinh gọn nhưng hiệu quả

Trên nguyên tắc “một đơn vị thực hiện nhiều chức năng, một người làm nhiều nhiệm vụ; một chức năng, trên cùng một địa bàn, với cùng một nhóm chức năng, nhiệm vụ chỉ có một đơn vị thực hiện và chịu trách nhiệm; với những chức năng nhiệm vụ có thể tích hợp cùng thực hiện thì đổi mới tổ chức, nếu nhân dân có thể và làm tốt thì cơ quan nhà nước xây dựng cơ chế thu hút, công bố công khai, tạo môi trường để nhân dân, doanh nghiệp thực hiện”, sắp xếp, kiện toàn, tinh giản tổ chức bộ máy tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2018. Trước đây Chi cục Thuế chịu sự chỉ đạo chuyên môn của Cục Thuế, công tác đảng của Đảng bộ huyện, từ khi hợp nhất bảy Chi cục Thuế thành ba Chi cục Thuế khu vực, thành lập Đảng bộ Cục Thuế trực thuộc Đảng bộ tỉnh, Cục Thuế chỉ đạo thống nhất cả chuyên môn và công tác đảng, tuy nhiên nhiệm vụ thu ngân sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện không bị ảnh hưởng. Cục trưởng Cao Ngọc Tuấn hồ hởi chia sẻ, kiên trì quán triệt, đả thông tư tưởng cả thời gian dài trước khi sáp nhập, tính toán phương án sắp xếp nhân sự hợp lý như giữ nguyên số cấp phó, công khai các tiêu chí xét duyệt cấp trưởng để lựa chọn (công tác ở địa bàn không quá hai nhiệm kỳ, ba năm gần nhất hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên...), nếu chưa chọn được xét thêm tiêu cả chí phụ và bỏ phiếu nên đáng mừng là mối quan hệ giữa cấp trưởng, phó không có độ vênh, công việc cơ bản không xáo trộn. Mặc dù có khó khăn phát sinh như nhiều cán bộ sau sáp nhập phải đi làm xa; trụ sở trước kia dành cho một chi cục khi trở thành trụ sở chính của ba chi cục nhập lại thì chật chội nhưng tập thể đồng lòng khắc phục, yên tâm công tác.

Bộ máy gọn, tiết kiệm được ngân sách và cơ sở vật chất, tạo sức mạnh tổng hợp thống nhất triển khai nhiệm vụ chung, tránh chồng chéo, cán bộ, công chức có môi trường cọ sát, rèn luyện và phát huy năng lực, sở trường là chuyển biến rõ nét sau khi thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội huyện Hoành Bồ. Với chín nhiệm vụ chung và 15 nhiệm vụ riêng của khối, khi thực hiện nhiệm vụ của một đoàn thể vẫn có thể huy động đoàn thể, lực lượng khác tham gia; cơ quan chủ trì chủ động xây dựng kế hoạch, tích cực phối hợp thực hiện nên công việc giải quyết nhanh, không còn tình trạng cơ quan nào cũng tưởng không phải việc của mình. Từ khi hợp nhất thành cơ quan Tổ chức - Nội vụ, Thanh tra - Kiểm tra đã giảm bớt một số bước khi tham mưu, đỡ tốn nhiều thời gian báo cáo và tránh một việc có hai đoàn cùng xuống thanh, kiểm tra.

Cán bộ, nhân viên phấn khởi vì thu nhập tăng, đời sống khấm khá hơn kể từ khi sáp nhập, thành lập Ban Quản lý Dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp của tỉnh. Theo Chánh Văn phòng Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Nguyễn Bá Đoàn, ngay sau khi có quyết định sáp nhập, đơn vị đã nhanh chóng kiện toàn đội ngũ lãnh đạo và các phòng, phân công nhiệm vụ cụ thể. Được tỉnh “đặt hàng” nhiều công trình, số vốn quản lý và khối lượng công việc tăng lên là điều kiện rất thuận lợi đối với đơn vị tự chủ nhưng cũng tạo áp lực đòi hỏi tập thể phải gắng sức hết mình mới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phó Bí thư Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Phạm Phi Long phấn chấn bộc bạch, mấy năm trước phải nghỉ việc luân phiên, kỹ sư đi bảo vệ công trường nay khối lượng công việc tăng gấp đôi, lương cao, cán bộ say mê sáng tạo, cống hiến.

Vượt qua rào cản

Ai cũng biết bộ máy cồng kềnh, cần tinh gọn, giảm biên, nhưng không ít người khi động chạm đến quyền lợi bản thân và đơn vị mình lại viện đủ lý do có chức năng quan trọng, nhiều việc, không thể bỏ, sáp nhập. Tuy nhiên khi rà soát các vị trí việc làm, lượng hóa công việc thực tế bộc lộ rõ chồng chéo, bất cập. Chỉ một thí dụ nhỏ trạm y tế một tháng có hai người đến khám chữa bệnh, trong khi gần đó là bệnh viện đa khoa cũng đủ thấy lãng phí. Chưa kể tâm lý cán bộ vốn thích ổn định, phải dày công tuyên truyền, giải thích tư tưởng mới thông.

Rồi hàng loạt nút thắt cũng dần được tháo gỡ trên tinh thần có lộ trình, không để cán bộ thiệt thòi, không “đẩy ai ra đường”. Theo Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hoàng Bá Hướng, nhiều giải pháp hữu hiệu được thực thi như bố trí được cán bộ cấp trưởng mới sáp nhập, giữ nguyên số lượng cấp phó, tạm dừng bổ nhiệm cấp phó để điều từ nơi thừa về nơi thiếu, cấp trưởng xuống phó vẫn được hưởng phụ cấp cấp trưởng đến hết thời hạn bổ nhiệm, bảo đảm chế độ phụ cấp tăng thêm cho cán bộ khối chính quyền chuyển sang khối đảng...

Với thủ trưởng các đơn vị mới sáp nhập, đây cũng là dịp để thử thách, rèn luyện bởi quân số đông, khối lượng và cường độ công việc tăng gấp đôi. Những đồng chí tận tụy, trách nhiệm cao, có năng lực, nắm bắt, giải quyết được công việc cả hai bên được lựa chọn bổ nhiệm. “Vạn sự khởi đầu nan”, nhiều vướng mắc phát sinh từng bước được tháo gỡ như sắp xếp lịch họp giữa Ủy ban hoặc Huyện ủy tránh trùng nhau để có thể dự họp cả hai bên, xây dựng quy chế hoạt động, xác định rõ thẩm quyền, phân công công việc rõ ràng để vận hành trơn tru. Đảm nhiệm cương vị Thủ trưởng cơ quan Thanh tra - Kiểm tra huyện Hoành Bồ, anh Nguyễn Hoàng Quý không tránh khỏi lo lắng. Mượn hình ảnh hai củ khoai đặt cạnh nhau, có cơ hội là mỗi củ lại lăn ra một hướng, anh Quý bộc bạch, ban đầu thấy có biểu hiện cát cứ, cán bộ kiểm tra cho rằng mình oai hơn thanh tra, tập thể lãnh đạo sớm giải tỏa, phân công nhiệm vụ lồng ghép, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ bổ khuyết cho nhau để cán bộ thanh tra hiểu thêm việc của kiểm tra và ngược lại. Bản thân anh cũng giành nhiều thời gian nghiên cứu, tự học, bàn bạc, thống nhất, dân chủ trong tập thể lãnh đạo, đề cao yếu tố chủ động, trách nhiệm của từng cá nhân nhằm tạo bầu không khí nhiệt huyết trong bối cảnh cơ quan mới hợp nhất.

Sở dĩ quá trình sáp nhập, tinh giản thuận lợi bởi đề án được bàn thảo kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá trên nhiều góc độ để thấy rõ ưu - khuyết, tiến hành thận trọng từng bước, kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc cho phù hợp thực tiễn đồng thời có quyết tâm chính trị, đồng thuận về tư tưởng và chỉ đạo sát sao từ cấp tỉnh đến cơ sở với mục tiêu đạt hiệu quả cao hơn trước. Đặc biệt, hiệu quả nhiều cách làm mới, chủ trương “dám nghĩ, dám làm” được khẳng định trong thực tiễn như giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng nâng dần mức tự chủ chi thường xuyên theo lộ trình, tăng thêm số đơn vị tự chủ, cơ quan Nhà nước tăng cường “đặt hàng” theo đầu việc, qua đó khắc phục tình trạng thụ động, trông chờ ngân sách. Thực hiện chủ trương chuyển đổi một số dịch vụ công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm, nhiều cơ quan thay vì bố trí biên chế riêng cho tạp vụ, lái xe, bảo vệ... thì đi thuê dịch vụ, chi phí giảm mà chất lượng lại tăng. Mục tiêu đặt ra theo lộ trình, toàn tỉnh đến năm 2021 giảm tối thiểu bình quân 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015; đến năm 2030 chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu.

Trong năm 2019, tỉnh Quảng Ninh rà soát, đánh giá các mô hình thí điểm sáp nhập để bổ sung, điều chỉnh phù hợp và tiếp tục đẩy mạnh tinh giản biên chế, sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Bên cạnh nỗ lực của địa phương không thể thiếu sự chỉ đạo hỗ trợ tháo gỡ về cơ chế, chính sách của trung ương, nhất là đối với một số mô hình tổ chức bộ máy mới triển khai thí điểm chưa có tiền lệ. Đó là quy định về tiêu chí đào tạo, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa của các tổ chức thuộc hệ thống tổ chức của chính quyền địa phương; bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng về tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ để thực hiện hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và của chính quyền bảo đảm đúng quy định của pháp luật và Điều lệ Đảng; bổ sung quy định của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách tham gia, giúp việc Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện và một số quy định trong Luật và Điều lệ các tổ chức MTTQ, công đoàn, hội phụ nữ… để triển khai mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, bảo đảm phối hợp và thống nhất hành động của các tổ chức theo quy định tại khoản 2, Điều 9 Hiến pháp năm 2013; sửa quy định về thẩm quyền quản lý công chức của Luật Cán bộ, công chức để tạo sự thống nhất, liên thông trong bố trí, điều động công chức từ khối đảng sang khối chính quyền, từ cấp xã về cấp huyện...