Phía sau những đám cháy

Có lẽ phải đến khi vụ cháy chung cư cao cấp Carina Plaza ở TP Hồ Chí Minh ngày 23-3 xảy ra khiến 13 người thiệt mạng, nhiều người bị thương nhập viện cùng nhiều ô-tô, xe máy bị thiêu rụi thì mọi người mới bàng hoàng nhận diện ra sự cực kỳ nguy hiểm của giặc hỏa, đặc biệt là đối với những khu nhà cao tầng. Cả xã hội rúng động, hàng triệu người sững sờ, thương cảm cho những người xấu số và lo lắng cho chính bản thân họ. Hiển nhiên tất cả chúng ta phải làm điều gì đó để thay đổi ý thức, phòng cháy, chữa cháy (PCCC) sao cho hiệu quả, để không tái diễn những bi kịch đau đớn tương tự.

Chăm sóc y tế cho nạn nhân vụ cháy chung cư Carina Plaza. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Chăm sóc y tế cho nạn nhân vụ cháy chung cư Carina Plaza. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Thủy, hỏa, đạo, tặc là bốn mối đại họa đe dọa cuộc sống con người. Trong đó hỏa đứng hàng thứ hai sau lụt lội, sóng thần. Nhất thủy, nhì hỏa... nếu như thủy với tác hại vô cùng thảm khốc nhưng nguyên nhân lại phần lớn do thiên tai gây ra còn hỏa thì ngược lại, chủ yếu do yếu tố con người. Như một quy luật luôn phải sống chung cùng thủy và hỏa, thế nhưng nếu con người chủ động thì mọi thiên tai cũng như tác nhân gây họa đều có thể khắc chế và giảm thiểu hậu quả. Lược lại lịch sử trước mốc cháy Carina có không ít vụ cháy kinh hoàng gây tổn thất vô cùng to lớn. Chúng ta chưa quên, không thể quên vụ cháy Trung tâm thương mại Quốc tế (ITC) ở TP Hồ Chí Minh ngày 29-10-2002 cướp đi sinh mạng 60 người, 70 nạn nhân bị thương vì bỏng, ngạt, chấn thương do nhảy từ trên cao xuống với hy vọng thoát thân cùng thiệt hại vật chất nhiều tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định khi sửa chữa vũ trường ở tầng 3, vảy hàn lúc hàn bu lông định vị trên trần đã bắn vào lớp xốp cách âm gây cháy. Điều đáng nói đám cháy lan rất nhanh gây cháy lớn nhưng tốp thợ hàn vì không kiểm soát được đã đóng cửa phòng để mặc cho cháy lan rộng, khi ngọn lửa bốc cao cũng là lúc thảm họa bắt đầu. Hàng trăm người hoảng loạn cố đào thoát khỏi tòa nhà. Nhiều người chết cháy, chết ngạt nằm đè lên nhau. Có không ít người trong cơn cùng tận phải liều nhảy từ trên cao xuống. Một phiên tòa đã được tiến hành xét xử những kẻ phải chịu trách nhiệm về đám cháy với 13 bị cáo, trong đó có 3 thợ hàn trực tiếp gây ra cháy.

Thật lòng tôi không muốn kể chi tiết lại thảm họa ITC bởi nó gây ám ảnh rất lớn cho không chỉ người viết nhưng vẫn bắt buộc phải làm. Tại sao thế? Đơn giản thôi có vẻ như chúng ta đã không rút ra được những gì thiết cốt trong vụ cháy này. Bài học nhỡn tiền từ ITC không ngăn được những đám cháy tiếp tục tàn phá tài sản, cướp đi sinh mạng bao nhiêu người dân lành xấu số. Ngay cả phiên tòa mang tính răn đe những kẻ vô trách nhiệm gây ra thảm họa cũng không đủ cảnh tỉnh mọi người. Cần nhớ ITC bấy giờ chỉ mới cao có sáu tầng với diện tích sàn 6.500 m2. Đã gần 20 năm sau thảm họa ITC, những tòa nhà chung cư, cao ốc mọc lên như nấm khắp đất nước với độ cao gấp nhiều lần ITC rất cần những bài học thiết thực để tránh khỏi những thảm họa tương tự. Nhưng chúng ta đã làm được những gì?

Tôi rất không thích những con số liệt kê. Nó vô cảm. Nhưng liệu còn có cách nào khác. Điểm mặt những vụ cháy vài năm gần đây thôi đã đủ giật mình. Vụ cháy quán karaoke ở 68 Trần Thái Tông, Hà Nội ngày 1-11-2016 khiến 13 người tử vong cũng do vảy hàn bắt vào vật liệu dễ cháy trong quá trình sửa chữa. Điều đáng nói căn nguyên sâu xa là sự khinh nhờn luật pháp của chủ quán karaoke này.Quán chưa được cấp phép hoạt động vì chưa được nghiệm thu hệ thống PCCC. Vụ cháy sẽ không xảy ra nếu những người chủ của nó có ý thức chấp hành pháp luật. Và giá đắt phải trả là ba bị cáo phải lãnh án 23 năm tù.

Chỉ tính riêng ba tháng đầu năm 2018, cả nước đã có khoảng một nghìn vụ cháy nổ, làm 33 người chết, cá biệt có một ngày, Hà Nội xảy liên tiếp bốn vụ cháy lớn. Năm 2017, nhiều vụ cháy gây ra những cái chết thương tâm, riêng tháng 7 xảy ra hai vụ cháy thương tâm tại một nhà 4 tầng ở Xuân Đỉnh khiến bốn người trong gia đình tử vong và tại xưởng bánh kẹo ở Hoài Đức khiến tám người thiệt mạng. Nếu như cháy nhà riêng nguyên nhân nhiều nhất là chập điện, do bất cẩn thì ở những vụ cháy nhà xưởng, chung cư, địa điểm công cộng đều do không chấp hành những quy tắc PCCC. Gần đây nhất là vụ cháy xảy ra ở kho xưởng Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Texhong Ngân Long trong KCN Hải Yên, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh). Vụ cháy dữ dội phải huy động tới 800 người cùng nhiều xe chữa cháy trong đó có cả những xe chữa cháy của lực lượng chữa cháy hai thành phố Đông Hưng và Phòng Thành của Trung Quốc hỗ trợ. May mắn không chết người nhưng rõ ràng vụ cháy này ở mức độ nghiêm trọng về hỏa tai.

Phía sau những đám cháy ảnh 1

Diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại một chung cư ở quận Hoàng Mai (Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Hiện cả nước có ba nghìn chung cư cao tầng và 100 nghìn căn hộ chung cư cũ xây dựng trước năm 1991. Chung cư là đối tượng số một về PCCC nhưng chúng ta đã làm được những gì cho việc này? Khẳng định rằng, với các chung cư cũ hoàn toàn không đủ điều kiện PCCC. Với những chung cư cao tầng mới thì sao? Lại là những con số cho thấy thực tế đáng giật mình. Hà Nội với gần 800 công trình chung cư cao tầng thì đã có đến 79 công trình vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng. Nghĩa là ngay từ ban đầu các chủ đầu tư các công trình này đã phớt lờ những quy định cụ thể về PCCC trong các nghị định hướng dẫn thậm chí là Luật PCCC. Điều đáng nói ở đây là tất cả các công trình chung cư đều phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC và những vi phạm hiển nhiên phải xử lý, đình chỉ thi công. Nhưng thực tế không hẳn là như vậy. Chế tài xử phạt chưa đủ răn đe. Nhiều quyết định xử lý đình chỉ thi công ở tất cả các cấp không được thực thi. Sự nhờn luật diễn ra ở nhiều nơi. Nhiều chủ đầu tư nhởn nhơ vẫn xây dựng, vẫn mở bán căn hộ bất chấp những vi phạm nhỡn tiền. Không quá khi nói hầu hết chung cư đều thiếu những dụng cụ PCCC. Hệ thống báo cháy, cửa thoát hiểm, các họng nước chữa cháy không có, hỏng hóc hoặc có cũng như không cho thấy công tác kiểm tra PCCC chưa phải lúc nào và ở đâu cũng được làm nghiêm túc. Có hay không sự chiếu lệ qua loa, thỏa hiệp với các chủ đầu tư của những người có trách nhiệm kiểm tra PCCC? Chỉ bằng những gì phơi bày trong vụ cháy chung cư Carina mà người dân phản ánh và thực tế hiện trường cũng đủ tìm ra đáp án cho câu trả lời.

Thảm họa chung cư Carina không chỉ là những thiệt hại tính được về người và của cải mà còn đó những gì bất cập, chủ quan, những bài học kinh nghiệm xương máu từ cơ quan quản lý PCCC, cơ quan quản lý xây dựng, chủ đầu tư và cả những công dân các chung cư. Một điều đáng lên án là thái độ ứng xử của chủ đầu tư trước công trình của mình trước thiệt hại của cháy nổ. Không chỉ riêng mình tôi bất bình, căm phẫn trước sự né tránh trách nhiệm, sự vô cảm trước mất mát đồng bào của chủ đầu tư chung cư Carina. Cơ quan công an đã khởi tố điều tra vụ cháy. Tôi nghĩ phải coi đây là vụ án điểm cần xử lý rốt ráo những người vi phạm trong đó có chủ đầu tư, kể cả những cán bộ có trách nhiệm trực tiếp việc kiểm tra PCCC định kỳ.

Gọi thảm họa Carina là cái mốc của lịch sử hỏa hoạn cháy nổ không hề quá. Bởi ngay sau cái mốc này chúng ta có rất nhiều việc phải làm. Mấu chốt vấn đề là siết chặt và nghiêm túc thực hiện Luật PCCC. Có chế tài thích hợp với các chủ đầu tư kể cả vấn đề đạo đức. Người dân đang trong tâm lý lo lắng sợ hãi sẽ cân nhắc việc mua chung cư, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các công trình xây dựng nhà cao tầng đang mở bán. Không thừa khi quy cả trách nhiệm đối với những người dân sống trong chung cư khi họ chủ quan, thiếu hiểu biết về PCCC, thiếu kinh nghiệm cứu nạn và tự cứu mình. Cần đưa vào quy định bắt buộc những cuộc diễn tập phòng cháy và cứu nạn ở tất cả các chung cư. Làm được thế hy vọng sẽ không còn những thảm kịch tương tự Carina.