Kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng trong phòng, chống tham nhũng

Phát hiện sớm, chủ động ngăn chặn, phòng ngừa

Công tác kiểm tra, giám sát (KTGS), thi hành kỷ luật đảng có vị trí, vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng (PCTN), “lợi ích nhóm”; bởi đó là một trong những phương thức, công cụ vừa phát hiện sớm các dấu hiệu tham nhũng, làm rõ những kẽ hở, bất cập của cơ chế chính sách, vừa chủ động dự báo, phòng ngừa hiệu quả.

Kỳ họp thứ 29 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: HIỀN HÒA
Kỳ họp thứ 29 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: HIỀN HÒA

Xử lý nghiêm, không có vùng cấm

Có thể thấy rõ đột phá trong công tác KTGS, thi hành kỷ luật đảng, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp, đặc biệt là Bộ Chính trị, Ban Bí thư với quyết tâm chính trị cao đã lãnh đạo, chỉ đạo UBKT Trung ương kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với một số tập thể và cá nhân như Ban Thường vụ Đảng ủy: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng cục Hậu cần (Bộ Công an)...; Ban cán sự đảng các Bộ Công thương; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông...; Ban Thường vụ: Thành ủy Đà Nẵng, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc... Đáng chú ý, nhiều vi phạm, sai phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng đã được “điểm mặt, chỉ tên”, nổi cộm như cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ giai đoạn 2011 - 2016 buông lỏng lãnh đạo, quản lý, để văn phòng, bộ phận nghiệp vụ tài chính, kế toán cơ quan vi phạm các quy định về quản lý tài chính để ngoài sổ sách kế toán nguồn kinh phí vận động tài trợ hơn 100 tỷ đồng; giai đoạn 2005 - 2015, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và một số công ty trực thuộc không bảo toàn được vốn chủ sở hữu; hoạt động sản xuất, kinh doanh thua lỗ nghiêm trọng; giai đoạn 2009 - 2015 PVN góp vốn vào Ngân hàng Cổ phần Đại Dương mất 800 tỷ đồng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho Tập đoàn... Những tập thể và cá nhân đương chức hoặc nghỉ hưu (trong đó có cả cán bộ cao cấp) đều bị xử lý nghiêm minh, kể cả bị điều tra, truy tố, xử lý bằng pháp luật, được đảng viên, nhân dân đồng thuận. Dấu ấn bước chuyển mạnh mẽ này nhờ sự tích cực, chủ động, quyết liệt KTGS, lựa chọn đúng và trúng đối tượng, lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, phức tạp dễ phát sinh tham nhũng. Nhiều vụ việc công tác giám sát còn chủ động đi trước, phát hiện dấu hiệu tham nhũng từ khi còn manh nha.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn không ít bất cập, hạn chế như tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản do tham nhũng có tăng nhưng còn thấp, phát hiện và xử lý ở nhiều bộ ngành, địa phương chưa thật sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nể nang, né tránh, ngại va chạm; rất ít vụ việc tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra, thanh tra nội bộ... Căn nguyên do nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng (TCĐ), đảng viên là đối tượng kiểm tra chưa đúng, chưa đầy đủ, còn né tránh trách nhiệm, lúng túng trong quá trình thực hiện; cấp ủy, TCĐ ở những nơi xảy ra vi phạm có biểu hiện buông lỏng vai trò lãnh đạo, quản lý, thiếu chỉ đạo KTGS; tình trạng thiếu dân chủ dẫn đến người đứng đầu lạm quyền, lộng quyền, chi phối, thao túng, làm trái hoặc lợi dụng cơ chế tập thể hợp lý hóa ý đồ cá nhân nhằm trục lợi, nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, triệt để, dẫn đến những vi phạm kéo dài và rất nghiêm trọng…

Chủ động đi trước

Trước thực trạng tham nhũng còn nghiêm trọng, phòng chống bền bỉ, lâu dài, công tác KTGS càng phải “chủ động đi trước”; tập trung vào những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận quan tâm, các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng như quản lý đất đai, tài sản công, khai thác khoáng sản, xây dựng cơ bản, thuế, cấp phép đầu tư… Các cấp ủy, TCĐ phải đổi mới cách thức KTGS; tăng cường quản lý, giáo dục, giám sát cán bộ, đảng viên để kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu sai phạm không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; thực hiện nghiêm việc điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ có biểu hiện tham nhũng; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.

Tuyên truyền, giáo dục góp phần nâng cao nhận thức, tạo “làn sóng” trong toàn xã hội lên án, bài trừ tham nhũng, mỗi cán bộ, đảng viên trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng và tích cực phòng ngừa. Thời gian qua, việc chủ động thông tin công khai các kết luận về kiểm tra, xử lý các TCĐ, cán bộ, đảng viên vi phạm góp phần củng cố niềm tin cho nhân dân tích cực chung tay PCTN. Yếu tố dẫn đến thành công trước hết đòi hỏi sự chủ động, tự giác của mỗi cấp ủy, TCĐ, cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là người đứng đầu phải thực sự gương mẫu và kiên quyết đấu tranh, PCTN; nâng cao tinh thần tự phê bình, phê bình; tăng cường giám sát của TCĐ từ trên xuống, giám sát từ dưới lên, phát huy vai trò giám sát lẫn nhau trong cùng cấp... UBKT các cấp khẳng định tốt vai trò là một trong những “thanh bảo kiếm” sắc bén, có dũng khí đấu tranh ngăn chặn PCTN, cán bộ kiểm tra phải thật sự liêm chính, trong sạch. Cần có biện pháp thiết thực hơn để ngăn ngừa, chặt đứt điều kiện, cơ hội tham nhũng, bảo đảm cán bộ, đảng viên “không cần, không muốn, không thể và không dám tham nhũng” như kiểm soát quyền lực người đứng đầu, việc kê khai tài sản, thu nhập; quy định chặt chẽ việc thu hồi đầy đủ tài sản tham nhũng, tỷ lệ phạt về giá trị vật chất cao hơn giá trị do tham nhũng mà có, kể cả người đó đã nghỉ hưu hoặc đã chết (nếu chết thì tịch thu của những người đang thụ hưởng tài sản của người tham nhũng); xây dựng cơ chế giám sát của nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội trong phát hiện tài sản do tham nhũng mà có…

Một giải pháp không thể thiếu là hoàn thiện các quy định của Đảng, ban hành, bổ sung, sửa đổi chính sách, pháp luật của Nhà nước phục vụ KTGS trong PCTN theo hướng tăng nặng hình thức kỷ luật với chế tài xử lý nghiêm khắc, đồng bộ và triệt để hơn. Quy định số 01-QĐ/TW của Bộ Chính trị tăng thêm một số thẩm quyền và trách nhiệm của UBKT, trong đó được yêu cầu đảng viên giữ nguyên hiện trạng tài sản; khi cần thiết, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng hoặc có biểu hiện che giấu, tẩu tán tài sản; có quyền yêu cầu đảng viên không được xuất cảnh; khi cần thiết đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng hoặc có biểu hiện bỏ trốn cùng với việc UBKT có thể chỉ đạo, KTGS, thi hành kỷ luật đảng xuống đến cả đảng bộ cấp huyện và cơ sở khi cần thiết, chính là những cơ sở, điều kiện thuận lợi để công tác KTGS triệt để, hiệu lực, hiệu quả hơn.

Thực tế minh chứng, qua giám sát phát hiện có dấu hiệu vi phạm tham nhũng tiến hành kiểm tra, kết luận và xử lý kịp thời, nghiêm minh về kỷ luật đảng; nếu vi phạm pháp luật thì chuyển cơ quan pháp luật điều tra, truy tố, xét xử theo pháp luật, kiên quyết không để lại xử lý nội bộ có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe hữu hiệu. Cán bộ, đảng viên ở “ngôi vị” càng cao, càng phải xử nặng; làm kiên quyết, nghiêm khắc từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, không sợ “đụng chạm”, không sợ “liên lụy”. Nơi nào tự kiểm tra không phát hiện, hoặc phát hiện nhưng xử lý vi phạm nương nhẹ thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý đúng mức, không “rút kinh nghiệm” chung chung. Tuy nhiên, mục đích kỷ luật là để “trị bệnh cứu người”, cũng cần mở rộng sự khoan hồng cho người vi phạm hối cải, chủ động khai báo thành khẩn và khắc phục hậu quả để tạo điều kiện chuộc lỗi.

Năm 2017, UBKT Trung ương kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 12 tổ chức và 16 đảng viên, trong đó có ba đồng chí là Ủy viên T.Ư Đảng nhiệm kỳ XI, XII; đã thi hành kỷ luật theo thẩm quyền 18 đảng viên; đề nghị Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật ba TCĐ bằng hình thức cảnh cáo và 10 đảng viên từ cảnh cáo đến cách chức; đề nghị TCĐ cấp dưới thi hành kỷ luật hai TCĐ. UBKT các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 3.601 TCĐ và 10.379 đảng viên (trong đó có 5.495 cấp ủy viên các cấp, chiếm 52,9%); thi hành kỷ luật 173 TCĐ và 3.761 đảng viên (trong đó có hơn 28% đảng viên liên quan đến tham nhũng).

CAO VĂN THỐNG

Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương