Ðộng lực của quy trình lập pháp

Kiến nghị chuyển công việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo văn bản về cho cơ quan soạn thảo là một trong những chính sách lập pháp được đề ra trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được Chính phủ trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ tám vừa qua).

Các ÐBQH bấm nút thông qua dự án luật tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV. Ảnh | Duy Linh
Các ÐBQH bấm nút thông qua dự án luật tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV. Ảnh | Duy Linh

Mới nhìn qua, đây chỉ là một sửa đổi nho nhỏ. Tuy nhiên, phân tích kỹ chúng ta sẽ thấy nó là rất quan trọng cho việc nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp ở nước ta.

Trước hết, sửa đổi này sẽ phục hồi lại động lực cho việc hoạch định chính sách lập pháp. Ở đâu cũng vậy, ở nước nào cũng vậy, bộ trưởng là người vận động và thúc đẩy chính sách trong lĩnh vực của mình. Chính vì vậy, bộ trưởng phải có quyền và phải được tạo điều kiện để bảo vệ chính sách của mình trong suốt quy trình lập pháp. Một quy trình lập pháp với động lực như vậy đã từng tồn tại ở nước ta trước năm 2008. Rất tiếc, quy trình đó đã bị sửa đổi.

Hiện nay, sau khi dự luật được trình ra Quốc hội, thì thẩm quyền tiếp thu, chỉnh lý văn bản lại thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Quy định này có thể xuất phát từ quan điểm cho rằng lập pháp là quyền của Quốc hội, nên việc sửa đổi, hoàn thiện văn bản, điều chỉnh chính sách như thế nào cũng là quyền của Quốc hội. Quan điểm này thực ra chỉ phản ánh một thứ lô-gíc hình thức. Tuy nhiên, nó lại không phản ánh đúng động lực thật của quy trình lập pháp, cũng như vai trò của quyền hành pháp trong quá trình này. Điều dễ nhận thấy là nếu giao trách nhiệm tiếp thu, chỉnh lý dự luật cho UBTVQH, thì UBTVQH phải đứng ra giải trình chính sách với Quốc hội. Thế nhưng giải trình chính sách với Quốc hội lại thuộc về chức năng hành pháp của Chính phủ (thẩm định chính sách mới thuộc về chức năng lập pháp). Sự đổi vai như thế có lẽ cũng không đáng quan ngại lắm, nếu như các chính sách mới hoặc những sửa đổi, bổ sung làm thay đổi bản chất của chính sách không được đưa vào trong dự luật. Bởi vì rằng, nếu điều nói trên xảy ra, thì việc triển khai thực hiện dự luật trong cuộc sống sẽ hết sức khó khăn. Lý do là vì, các chính sách mới còn chưa được nghiên cứu, phân tích và đánh giá tác động. Hơn thế nữa, vấn đề mà Chính phủ cố gắng đề ra chính sách lập pháp để xử lý thì lại bị bỏ ngỏ. Đây có thể cũng là một trong những nguyên nhân sâu xa làm cho việc ban hành nghị định để triển khai thi hành luật, pháp lệnh thường bị chậm trễ, kéo dài.

Một hệ lụy khác của việc đổi ngôi là động lực để nâng cao chất lượng soạn thảo văn bản của các bộ bị suy giảm nghiêm trọng. Tâm lý chung là đằng nào thì Quốc hội cũng sẽ sửa gần hết, thì việc gì phải lao tâm khổ tứ. Quả thực, theo ý kiến của các chuyên viên của Văn phòng Quốc hội, thì các dự luật thường bị sửa đổi lên đến trên dưới 70% sau khi trình sang Quốc hội. Nhiều người coi đây là một thành tích của Quốc hội. Thế nhưng, không ít chuyên gia lại hết sức băn khoăn về cách hiểu và cách làm như vậy. Vấn đề đặt ra là Quốc hội có quyền thay thế một chính sách lập pháp do Chính phủ đề ra bằng một chính sách khác hay không? Xét từ góc độ kỹ trị, câu trả lời là không. Quốc hội có thể phê chuẩn chính sách lập pháp do Chính phủ đề ra hoặc không phê chuẩn chính sách đó. Chứ nếu Quốc hội lại đề ra một chính sách mới cho Chính phủ thực hiện, thì Quốc hội đang lấn sân sang quyền hoạch định chính sách của hành pháp. Chưa kể, các chính sách mà Quốc hội đề ra lại hoàn toàn không được thẩm định.

Quả thực, chuyển công việc tiếp thu, chỉnh lý văn bản về cho các cơ quan soạn thảo không phải là không có những rủi ro nhất định. Rủi ro dễ nhận thấy nhất ở đây là việc cài cắm các quyền năng bất hợp lý của các bộ, ngành vào trong dự luật. Tuy nhiên, các Ủy ban của Quốc hội và Quốc hội nói chung được sinh ra là để thẩm định và loại bỏ điều này. Nếu việc cài cắm các quyền năng bất hợp lý vẫn còn xảy ra, thì có lẽ năng lực thẩm định của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội vẫn còn hạn chế. Mà như vậy lại càng phải tập trung mọi nguồn lực để nâng cao năng lực thẩm định, hơn là phân tán chúng cho những việc thuộc chức năng của Chính phủ và các bộ, ngành.