Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Những năm tháng không quên

Trước khi trở thành nhà văn (bút danh Văn Phan), ông Phan Văn Thẩm, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Công an nhân dân và vợ là bà Chu Thị Kim Quý từng công tác tại Cục Cảnh vệ (Bộ Công an). Ký ức những năm tháng vinh dự tham gia bảo vệ Bác Hồ vẫn không phai mờ trong tâm trí vợ chồng ông...

Ngoài 80 tuổi, nhà văn Văn Phan vẫn miệt mài bên trang viết.
Ngoài 80 tuổi, nhà văn Văn Phan vẫn miệt mài bên trang viết.

Vinh hạnh lớn lao

Sinh ra ở miền đất gió Lào cát trắng Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh), ngay từ nhỏ cậu bé Phan Văn Thẩm ham học và sớm bộc lộ tố chất yêu thích văn chương. Cha sớm tham gia cách mạng, ở nhà chỉ còn người mẹ vất vả lo toan nhưng luôn tạo điều kiện cho con cái được ăn học chu đáo. Ra Hà Nội học cấp ba, ông tranh thủ đi làm gia sư để có tiền trang trải, nuôi sống bản thân. Tốt nghiệp lớp 10, ông Thẩm đi thanh niên xung phong Tây Bắc, đầu năm 1960 về công tác tại Cục Cảnh vệ, dạy văn hóa cho đồng đội, phần lớn là chiến sĩ từng chiến đấu ngoan cường ở chiến trường nhưng trình độ văn hóa còn hạn chế. Hồi đó, ai được tuyển về Cục rất vinh dự và phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về sức khỏe, lý lịch và đạo đức.

Ngoài thời gian dạy học và công tác tại văn phòng, ông Thẩm vinh dự nhiều dịp phục vụ Bác Hồ đi công tác. Ông nhớ mãi lần Bác tới thăm ba nhà máy ở khu Cao Xà Lá (Hà Nội). Trông thấy Bác, mọi người reo hò vui mừng. Sau khi thăm khu sản xuất, Người trò chuyện thân tình với công nhân, ân cần dặn dò lãnh đạo nhà máy. Chứng kiến giây phút ấy, ông thêm thấu cảm tấm lòng nhân ái bao la, sự giản dị mà vĩ đại của bậc vĩ nhân. Tính ông chỉn chu, hay chú ý từng chi tiết nhỏ nên học được rất nhiều từ tác phong, cách tiếp xúc, ứng xử rất tinh tế của Người. Có lần tin báo khí tượng từ hôm trước là sáng mai thời tiết đẹp nhưng trời lại bất ngờ đổ mưa, anh em cảnh vệ lo Bác phật ý, nhưng câu nói hóm hỉnh của Bác “không phải đài khí tượng sai mà trời sai” đã xua tan bầu không khí ngại ngùng. Mỗi dịp vào làm việc tại Phủ Chủ tịch, được Bác hỏi thăm, ông rất xúc động với sự ấm áp, ân cần của Người. Những lần đi làm thông tin liên lạc để phục vụ cảnh sát giao thông dẹp đường, bảo đảm an toàn cho chuyến đi các đoàn khách quốc tế lưu thông thông suốt, nhanh chóng, ông luôn cố gắng hoàn thành tốt. Ông và đồng đội hòa vào đám đông để đón đoàn từ xa, mọi người luôn nhạy bén quan sát, ứng biến linh hoạt, bình tĩnh trong mọi tình huống.

Thời gian công tác ở Cục Cảnh vệ đã chắp nối duyên vợ chồng giữa ông và nữ cảnh vệ Chu Thị Kim Quý. Năm 1961, bà Quý được tuyển vào Cục Cảnh vệ sau khi theo học tại trường đào tạo của ngành công an ở Hà Đông (Hà Nội). Vinh dự công tác trong môi trường đặc biệt, nữ cán bộ chăm chỉ học tập, tu dưỡng bản lĩnh trung thành, sắt son với Đảng, với ngành. Đã có lần bà Quý được phục vụ chuyến đi của Bác khi Người về thăm quê Nghệ An. Sau này chuyển sang làm kiểm nghiệm, bà luôn cẩn trọng, chu đáo tuyệt đối để không phụ sự tin tưởng “chọn mặt gửi vàng” của cấp trên giao phó nhiệm vụ quan trọng.

Những năm tháng may mắn sống và làm việc bên Bác cùng với các chiến sĩ cảnh vệ, vợ chồng ông học hỏi rất nhiều từ phong cách, lối sống của Người. Bác như người ông, người cha vô vàn kính yêu, luôn quan tâm dạy bảo, nhắc nhở, uốn nắn các chiến sĩ cảnh vệ như con, cháu trong nhà. “Bác hiền từ, nhân hậu, bình dị mà gần gũi. Anh em cảm phục trước nhân tâm của vị Cha già dân tộc, luôn nhắc đến bậc vĩ nhân với sự tôn kính, trân trọng, tự hào và mãi khắc ghi lời Bác dạy”, ông Thẩm tâm sự. Bác đã đi xa nhưng hình ảnh của Người vẫn nguyên vẹn trong tâm trí. Kể về những ngày tháng cuối đời của Bác, ánh mắt ông rưng rưng, bồi hồi xúc động. Những ngày cuối tháng 8-1969, không thấy Bác xem phim tối thứ bảy hàng tuần, nghe tin Bác mệt, ông Thẩm và đồng đội lo lắng, không khí đơn vị như chùng xuống. Khi Cục trưởng Hoàng Hữu Kháng mắt đỏ hoe thông báo tin Bác mất, ai nấy đều bàng hoàng, lặng người, nước mắt tuôn rơi.

Những năm tháng không quên ảnh 1

Ông Phan Văn Thẩm (thứ ba, từ trái sang) cùng đồng đội tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân.

Hạnh phúc bên những trang viết

Tố chất văn học của ông Thẩm được phát lộ ngay khi cuốn truyện ký đầu tay Lớn lên với Điện Biên ra đời năm 1964, được nhiều bài viết phê bình ngợi khen và tái bản nhiều lần, lượng in đến hàng vạn bản. Lấy nguyên mẫu từ anh trai mình là Phan Văn Nghi cùng những hồi ức, kỷ niệm tươi đẹp để xây dựng nhân vật Phan Văn Tùng có mặt trong chiến dịch Điện Biên từ trận đánh đầu tiên đến trận cuối cùng, với văn phong giản dị, chân thành đã chiếm được cảm tình của độc giả ngay từ lần xuất bản đầu tiên. Thành công bước đầu tiếp thêm động lực cho chàng chiến sĩ trẻ yêu văn chương. Niềm đam mê càng thăng hoa khi năm 1972 ông được chọn về công tác tại Phòng sáng tác của Cục Tuyên huấn (Cục Công tác Chính trị). Khi thành lập NXB Công an nhân dân, ông được bổ nhiệm Phó Giám đốc rồi Giám đốc, công việc bận rộn nhưng ông vẫn tranh thủ làm bạn với những trang viết. Gần 20 tác phẩm ấn tượng ra đời như các truyện dài Nhóm rắn lục, Lời thú tội, Làng chốt, Khớp hẹn, các tập truyện Người bị từ chối, Tình yêu và tội lỗi, Lời nói dối chân thành, truyện ngắn Tàu chiều, tiểu thuyết Cây da xà, truyện tư liệu Điệp vụ và điệp viên... Trong đó, nhiều tác phẩm vinh dự được nhận giải thưởng cao của Hội Nhà văn, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải...

Với thế mạnh sáng tác truyện, tiểu thuyết mang tính tư liệu, mảng đề tài chủ công về lực lượng công an, ông Thẩm không viết theo kiểu khoa trương giật gân mà hình ảnh người chiến sĩ công an giữ bình yên cho cuộc sống hiện lên bình dị và nhân văn. Ông chú tâm đi xâm nhập thực tế, tiếp xúc hồ sơ các vụ án lớn, dày công nghiên cứu tư liệu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử nên chất liệu sáng tác phong phú. Để có nhiều chi tiết sống động, đào sâu vào nhân vật, ông quan sát, ghi chép rất cẩn thận, chú ý từng chi tiết nhỏ như giá con gà, cân gạo, bữa ăn gồm những món gì... Hồi viết tiểu thuyết Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot D’Inville, ông Thẩm đi thực tế ở các tỉnh, trò chuyện với nhiều nhân vật và ghi chép tỉ mỉ các câu chuyện, kết hợp khai thác tư liệu quý do ông Hoàng Đạo, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa lưu giữ trong thời gian địch hậu. Thế nên, có nhân chứng gặp ông bảo khi đọc lại nhớ vanh vách ký ức những năm tháng hào hùng xưa. Cuốn truyện ký Đội Công an số 6 gây ấn tượng bởi khắc họa tấm gương gan dạ, mưu trí, quả cảm trong chiến đấu của những chiến sĩ công an vùng Phát Diệm bị chiếm đóng.

Môi trường cảnh vệ rèn luyện cho ông Thẩm phẩm chất đạo đức trong sáng và bản lĩnh vững vàng. Giữ cương vị Giám đốc Nhà xuất bản, ông nổi tiếng thanh bạch, tuyệt đối không “chạy”, không thỏa hiệp, “bôi trơn” để có hợp đồng in sách. “Mình trong sáng, làm đúng, công khai, minh bạch mọi thứ, không màng tư lợi cá nhân nên lương tâm thanh thản”, ông chia sẻ. Ẩn sâu nét tính cách bộc trực là tấm lòng đôn hậu nên ông Thẩm được nhiều đồng nghiệp, bạn bè nể phục, quý mến. Ngoài sách đặt hàng, ông cũng quan tâm chăm lo đời sống cho anh em bằng xuất bản thêm các ấn phẩm để có thêm thu nhập. Ông cũng có nhiều đóng góp với ngành qua việc tìm kiếm, phát hiện những tài năng văn chương góp phần quan trọng hình thành, phát triển đội ngũ những người sáng tác về đề tài hình tượng chiến sĩ công an và vận động thành lập Chi hội Nhà văn công an.

Về nghỉ hưu nhưng nhà văn Văn Phan vẫn còn nặng duyên với văn chương. Sau cuốn Hai tuyến cờ - Một thời để nhớ tập hợp những sáng tác, ghi chép của ông trong chuyến đi công tác vào Quảng Trị năm 1972 và cuốn Đoàn mật vụ của Ngô Đình Cẩn được xuất bản, bản thảo tiểu thuyết Vùng úng và cuốn Bước sa đọa kể về quá trình tự diễn biến, tự chuyển hóa của một cán bộ miền nam đã 25 năm đi theo cách mạng, xung phong đi B nhưng sau này chạy theo địch rồi bị bắt cũng vừa hoàn thành khi ông đã ngoài 80 tuổi.

“Lao động và sống hết mình cho mình nhiều cảm nhận, suy nghĩ. Sáng tác văn học tuy khó khăn, vất vả nhưng mang lại nhiều niềm vui và hạnh phúc”, ông Thẩm tâm niệm. Và còn hạnh phúc hơn khi bạn bè, đồng nghiệp luôn nhắc ông với sự nể phục về tấm gương người lãnh đạo mẫu mực, thanh bạch và luôn cháy ngọn lửa đam mê với nghiệp cầm bút.