Nhớ thủ chỉ người Mông hai lần được gặp Bác Hồ

Đã gần năm mùa rẫy ông Vừ Chông Pao về với “mường Then” (trời), cộng đồng người Mông nói riêng và các dân tộc nói chung ở rẻo cao miền tây tỉnh Nghệ An, cả những người Mông ở mãi bên Xiêng Khoảng (Lào) vẫn nhớ mãi hình ảnh một người con ưu tú, thủ chỉ tinh thần suốt cuộc đời luôn hướng đồng bào mình đi theo cách mạng, đi theo Đảng và Bác Hồ.

Anh hùng LLVTND Vừ Chông Pao.
Anh hùng LLVTND Vừ Chông Pao.

Những năm tháng hào hùng

Ông Vừ Chông Pao sinh ngày 1-9-1930, tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Mảnh đất nơi ông lớn lên nằm giáp ranh biên giới Việt - Lào, dưới chân núi Pu lon, Pu Xai lai leng hùng vĩ, cao ngất, nơi có những cánh rừng pơ mu, sa mu bạt ngàn... Người Mông nơi đây sáng ở ngọn núi này mai sang cánh rừng khác, phát rừng tra hạt, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cơm vẫn không đủ no, áo không đủ ấm. Năm chưa đầy 20 tuổi, thực dân Pháp cùng bọn phỉ tràn về hoạt động mạnh ở vùng biên giới huyện Kỳ Sơn chống phá cách mạng. Quyết không để giặc Pháp đánh chiếm bản làng, chàng trai họ Vừ đứng ra tập hợp thành lập một đội du kích gồm ba người trong họ tộc với vũ khí ban đầu là súng kíp tự tạo, thuốc súng tự sáng chế.

Năm 1950, ông Pao được cử làm trưởng công an xã Na Ngoi, cùng với bộ đội ở dưới xuôi lên thường trực xây dựng lực lượng dân quân tự vệ bảo vệ tuyến biên giới. Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, xã Tây Sơn được thành lập, ông trở về bản Huồi Giảng tiếp tục xây dựng chính quyền. Ngày ấy huyện Kỳ Sơn bây giờ vẫn thuộc huyện Tương Dương. Năm 1959, ông Pao được điều về làm cán bộ huyện Tương Dương đặc trách khu vực Mường Xén (ban cán sự Mường Xén), trực tiếp phụ trách Na Ngoi; hai năm sau được cử làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, đến năm 1969 giữ chức Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn. Đảm nhiệm cương vị này suốt 20 năm, ông chuyển sang làm Chủ tịch HĐND huyện, rồi Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An. Ông Vừ Chông Pao còn là đại biểu Quốc hội khóa VIII và ba lần được bầu đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc... Phẩm chất anh hùng của ông ngời sáng trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng và bền bỉ chống lại kẻ xấu và các thế lực thù địch, bảo vệ bình yên vùng phên giậu thiêng liêng của Tổ quốc. Tháng 5-2010, ông Pao được mời ra Thủ đô dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất và vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND- phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến của người con ưu tú dân tộc Mông đối với mảnh đất rẻo cao biên giới xứ Nghệ.

Nhắc đến những năm tháng hoạt động cách mạng, ông Pao vẫn in đậm trong ký ức hai lần được gặp Bác Hồ. “Tháng 9-1954 ta đang là Trưởng Công an xã Na Ngoi, được ra Hà Nội để đón Bác Hồ về Thủ đô. Ta chưa thạo tiếng Kinh nhưng cũng hiểu được đại ý Bác nói là xây dựng đại đoàn kết để 54 dân tộc anh em thành một khối vững chắc. Bó đũa sẽ dễ dàng bị bẻ gãy nếu tách ra từng chiếc một. Khi về địa phương, ta kể lại câu chuyện của Bác Hồ cho bà con trong xã”, ông Pao kể cho tôi nghe trong những lần đi công tác mở đường lên xã Mường Lống...

Năm 1961, Kỳ Sơn tách từ huyện Tương Dương thành huyện mới. Một lần nữa bị đế quốc Mỹ xúi giục, phỉ lại hoạt động ráo riết đánh vào biên giới các huyện miền tây Nghệ An. Tướng phỉ Vàng Pao dụ dỗ, mua chuộc bà con khu vực biên giới theo chúng và ý đồ lập vương quốc người Mông “Châu Phà” (vua trời). Năm 1963, là Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, ông Pao được ra Hà Nội dự lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh. Sau khi dự lễ, các đại biểu dân tộc thiểu số được mời vào gặp Bác. Trong lúc trò chuyện, ông Pao đã cho Bác biết tình hình hoạt động phỉ ở huyện Kỳ Sơn và được Bác dạy: Phải xác định kẻ thù của chúng ta là ai? Kẻ nào muốn cướp nước ta? 54 dân tộc anh em đều là đồng bào ta hết. Nhưng đồng bào ta hiện nay trình độ hiểu biết còn giới hạn nên dễ nghe theo lời kẻ xấu... Muốn thắng được Châu Phà thì phải cảm hóa được đồng bào, làm cho họ biết cái tốt, cái xấu, nói cho họ thấy sai lầm, rõ được chân tướng của kẻ thù và bè lũ cướp nước... Nhớ lời Bác dạy, khi về đến Kỳ Sơn, ông Pao đã tổ chức một cuộc họp suốt ba ngày, truyền đạt lại lời dặn của Bác Hồ. Ông phân công cán bộ đến tận các bản làng gặp mặt các già làng trưởng bản, vận động bà con các dân tộc đoàn kết, tập trung vào những gia đình có người theo phỉ. Phong trào vào rừng gọi người thân trở về lan rộng, những người theo phỉ đã lần lượt trở về làm ăn lương thiện.

Nhớ thủ chỉ người Mông hai lần được gặp Bác Hồ ảnh 1

Ông Vừ Chông Pao đi cơ sở vận động các già làng, trưởng bản thực hiện cuộc sống mới định canh định cư.

Trọn đời học và làm theo Bác

Cái tên Vừ Chông Pao, thủ chỉ (được hiểu như người thủ lĩnh tinh thần) người Mông đã lan truyền như một huyền thoại. Đặc biệt, những năm 90 của thế kỷ trước, huyện Kỳ Sơn thực hiện chủ trương quyết tâm xóa bỏ trồng cây thuốc phiện, Vừ Chông Pao đã đến từng vùng bản được xem là “điểm nóng” trồng cây thuốc phiện để vận động bà con phá bỏ. Với uy tín của mình, ông Pao đã thuyết phục thành công bà con xóa bỏ trồng cây thuốc phiện. Bây giờ, trên đất Kỳ Sơn hoa anh túc đã chìm dần vào dĩ vãng, thay vào đó là rừng dược liệu, chè shan tuyết, khoai sọ, gừng, bí xanh... trong đó có phần công lao đóng góp tích cực của Anh hùng Vừ Chông Pao...

Sau khi nghỉ hưu, với niềm tin yêu của đồng bào các dân tộc, của Đảng, ông vẫn tiếp tục được bầu giữ chức Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An đặc trách tại Kỳ Sơn. Với cương vị người đứng đầu dòng họ Vừ ở Kỳ Sơn, ông nhiệt tình vận động con cháu trong họ tích cực tham gia công tác xã hội, đẩy mạnh phong trào khuyến học và trở thành dòng họ tiêu biểu của huyện, được các cấp tặng nhiều bằng khen. Những lần ngược lên chót vót vùng cao Kỳ Sơn cùng ông Vừ Chông Pao “ăn sương, nằm rừng” với đồng bào người Mông, Khơ mú, Thái... mở đường vào bản hay lặn lội tận tỉnh Xiêng Khoảng, nước bạn Lào tìm cây giống về xây dựng mô hình trồng rừng cho Kỳ Sơn trên “con ngựa sắt” U-oát cũ kỹ, tôi càng cảm phục bầu nhiệt huyết của vị lãnh đạo tận tâm. Ở bản nào, ông Pao cũng được đồng bào đón tiếp nồng hậu như người thân đi xa lâu ngày về. Tôi nhớ cái đêm ngủ lại ở bản Huồi Khe, xã Huồi Tụ, không phải con đường mới mở trời mưa trơn, bị cây đổ chắn ngang đường kẹt lại, mà do bà con thân tình quý mến đứng làm hàng rào chặn đường quyết mời cho được bác Pao ở lại “nỏ pê chạu” (ăn cơm), ngủ thăm bà con Huồi Khe một đêm. Rồi một ngày trong sắc nắng vàng rực rỡ dưới chân Cánh đồng Chum, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), tôi chứng kiến ông Pao được bà con “nềnh Mông” (người Mông) trên Mường Moọc, đón tiếp như một ân nhân. Người Mông trên “miền rét sương” đã nghe theo lời ông Pao bỏ vùng phỉ xuống núi cùng bà con các bộ tộc Lào chung lưng đấu cật xây dựng đất nước, để có cuộc sống tốt đẹp hơn...

Sáng ngày 26-8-2015, thủ chỉ người Mông Vừ Chông Pao đã lên đỉnh Pu Xai lai leng bay về “mường Then” (trời). Thấm thoát đã gần năm mùa rẫy ông đi xa nhưng cộng đồng các dân tộc nói chung ở rẻo cao miền tây Nghệ An, cả người Mông nói riêng ở mãi bên Xiêng Khoảng vẫn nhớ mãi hình ảnh một người con ưu tú, một thủ chỉ tinh thần suốt cuộc đời luôn hướng đồng bào mình đi theo cách mạng, đi theo Đảng và Bác Hồ.