“Nhỏ” mà không nhỏ

Nhân nói về chuyện cán bộ cần phải nêu gương, anh - Bí thư Tỉnh ủy một tỉnh đồng bằng sông Hồng - nói với tôi: “Phải tự sửa mình từ những chuyện nhỏ, chuyện đời thường anh ạ. Chứ cứ tuyên bố xanh rờn nêu gương về trau dồi lý tưởng, về học tập, về hành động... thấy mênh mông quá. Ai cũng nói được và cũng chẳng dễ kiểm tra lời nói đó”.

Đảng bộ cơ quan BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 8, khóa XII. Ảnh | LAN ANH
Đảng bộ cơ quan BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 8, khóa XII. Ảnh | LAN ANH

Anh kể câu chuyện của chính mình. Mới rồi đám cưới con trai, anh chỉ mời các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và anh em, họ hàng. Tuyệt nhiên không mời “cấp dưới” (Bí thư các huyện, Giám đốc các sở). Có mấy người gọi điện hỏi, sao Bí thư lại quên em, anh cảm ơn sự quan tâm đó và nói rằng, Tỉnh ủy đã có quy định rồi, mình không thể làm khác, còn một vài đồng chí cứ “mở rộng” là chưa nghiêm túc, mong anh em thông cảm cho.

Đấy là chuyện cưới, còn chuyện tổ chức tang lễ thì sao? Tỉnh ủy cũng đã quy định rất rõ việc này. Mỗi đám tang chỉ bố trí 10 vòng hoa để các đoàn lần lượt vào viếng. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh gương mẫu làm trước. Khuyến khích việc gia đình đề nghị các đoàn không phúng điếu, bởi người dân xì xào rằng đám tang nhà ông ấy ông nọ đông quan chức đến viếng thế nhưng chỉ là “nặng nghĩa vụ, nhẹ tri ân”(!).

Một chuyện “nhỏ” khác: đi họp đúng giờ. Đây vừa là kỷ cương, vừa là nét văn hóa công sở. Anh bảo, trước đây có những cuộc họp khai mạc chậm tới nửa giờ chỉ vì nhiều vị đến trễ. Toàn những lí do muôn thuở như tắc đường, hỏng xe. Xe cộ dở chứng lẽ ra sắc mặt phải tái đi chứ, đằng này mặt mũi anh nào cũng đỏ phừng phừng! Bí thư nói thẳng, không có lý do nào chính đáng cả, lý do duy nhất là ý thức kỷ luật kém. Tôi đề nghị việc có thể nêu gương ngay là họp đúng giờ, ai đến chậm năm phút xin đứng ngoài. Đương nhiên cuộc họp nào người chủ trì cũng phải đến sớm từ năm đến mười phút. Có lần bí thư đến sớm còn chỉ đạo ban tổ chức bỏ ngay hàng chữ tiếng Anh chào mừng các đại biểu ở trên phông: “Tại sao họp nội bộ mà phải thêm hàng chữ này? Nếu muốn quảng bá, tiếp thị với đối tác nước ngoài thì chọn hình thức khác. Chúng ta không nhầm lẫn những việc nội bộ với vấn đề đối ngoại”.

Câu chuyện hôm ấy không bàn tới những chuyện vĩ mô, những là nâng cao sức chiến đấu, phát huy nội lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, cây trồng trong vùng tam giác kinh tế... Nhỏ thôi, nhỏ thôi mà làm được quả là không dễ chút nào. Bởi lâu nay, bệnh phô trương, hình thức, sự dễ dãi tùy tiện đã thấm quá sâu trong đời sống xã hội, trong lề lối, tác phong không ít vị lãnh đạo. Một đám cưới trở thành cuộc họp giao ban mở rộng toàn lãnh đạo trong tỉnh và các tỉnh lân cận là điều không hiếm. Một đám cưới dềnh dang của con một “ông lớn” từ quê nội đến quê ngoại rồi đến nơi cư trú, nơi nào cũng vài trăm người, xe lớn xe bé rồng rắn, vừa mất thì giờ, lãng phí, vừa để lại điều tiếng không hay. Điều tiếng ấy cụ thể là gì thì ai cũng biết. Cái này tuy không nhằm mua danh nhưng thật sự là bán danh. Mất đi danh tiếng của người từng được quần chúng ngưỡng mộ, nhưng chỉ sau một đám cưới mà hình ảnh người đó trở nên nhòe nhoẹt.

Chuyện “nhỏ” của người đứng đầu một tỉnh là vậy. Nếu như tất cả các bí thư, chủ tịch tỉnh, các bộ trưởng, thứ trưởng... cùng suy nghĩ và cùng nêu gương như thế thì chắc hẳn tình hình sẽ chuyển biến mau lẹ. Cán bộ cấp dưới, người dân thấy rất rõ điều này. Sẽ giảm dần, sẽ chấm dứt những lời tuyên bố ồn ào về nêu gương mà bói chẳng thấy một việc làm nào hay để “dân bắt chước” như lời dặn của Bác Hồ.