Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng

Thời gian qua, nhiều giải pháp tích cực phòng, chống tham nhũng (PCTN), trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu (NĐĐ) các cơ quan, tổ chức, đơn vị, xử lý kiên quyết không có vùng cấm, “hạ cánh an toàn” đã được triển khai, tuy nhiên tham nhũng còn phức tạp do NĐĐ chưa hoàn thành tốt chức trách. Không chỉ nêu rõ thực trạng, nhiều giải pháp thiết thực được đề cập, hiến kế tại hội thảo Nêu gương NĐĐ trong công tác phòng, chống tội phạm ở cơ sở do Báo Nhân Dân phối hợp Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an tổ chức.

Hội thảo Nêu gương người đứng đầu trong công tác phòng, chống tội phạm ở cơ sở do Báo Nhân Dân phối hợp Tổng cục Cảnh sát tổ chức. Ảnh | ĐỨC ANH
Hội thảo Nêu gương người đứng đầu trong công tác phòng, chống tội phạm ở cơ sở do Báo Nhân Dân phối hợp Tổng cục Cảnh sát tổ chức. Ảnh | ĐỨC ANH

Sai phạm nhiều, xử lý còn ít

Từ năm 2015 đến nay, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng đã khởi tố điều tra 44 vụ án có các bị can là NĐĐ trong các cơ quan nhà nước, đơn vị, tổ chức kinh tế như vụ cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gửi 800 tỷ đồng vào Ngân hàng Đại Dương; vụ cố ý làm trái, tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam; các vụ án xảy ra tại các Ngân hàng Xây dựng, Đại Dương, TMCP Đông Á... Những NĐĐ thường lợi dụng điều kiện sẵn có về vị trí, những sơ hở, bất cập trong cơ chế chính sách, quản lý... để thực hiện hành vi phạm tội như móc nối với doanh nghiệp tư nhân để chuyển lợi nhuận vào túi tư nhân, lập khống hoặc nâng giá, “gửi giá” các hợp đồng kinh tế để chiếm đoạt tài sản nhà nước, kê khai giảm giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn, đầu tư công, hợp tác đầu tư công - tư để trục lợi; thông đồng, cho vay sân sau, sở hữu chéo nhằm thâu tóm ngân hàng, chiếm đoạt tiền ngân hàng...; lợi dụng chức vụ, quyền lực hình thành “lợi ích nhóm” để trục lợi. Hành vi phạm tội thường diễn ra trong một thời gian dài mới bị phát hiện, gây hệ lụy rất nghiêm trọng, nhiều vụ án do NĐĐ chủ mưu cầm đầu, dẫn đến sai phạm thành hệ thống, kéo theo nhiều cán bộ ở cơ quan, đơn vị bị xử lý. Điển hình, trong vụ án xảy ra ở PVN, từ sự “lạm quyền” và độc đoán, áp đặt bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên đã tự ý ký nhiều văn bản và kế hoạch chỉ định thầu trái pháp luật gây hậu quả rất nghiêm trọng, dẫn đến vi phạm kéo dài của PVN, nhiều dự án đầu tư không hiệu quả, mất vốn, thất thoát tài sản của Nhà nước; một số cán bộ suy thoái, biến chất lợi dụng cơ hội tham ô, tham nhũng.

Dù số vụ án nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến NĐĐ được phát hiện khởi tố, điều tra nhiều hơn các năm trước, nhưng chưa tương xứng tình hình thực tế, nhất là ở các địa phương và cơ sở bởi “trên nóng, dưới lạnh”; tiến độ điều tra, giải quyết các vụ án còn chậm, kéo dài, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chưa cao...; việc xử lý trách nhiệm NĐĐ còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý; đa phần là xử lý kỷ luật, còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh. Từ năm 2005-2017, đã khởi tố 2.875 vụ án tham nhũng với 6.220 bị can trong khi tổng số NĐĐ và cấp phó NĐĐ bị xử lý trách nhiệm chỉ có 968 người, trong đó xử lý hình sự 118, kỷ luật 850 trường hợp. Số NĐĐ bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra hành vi tham nhũng 10 năm qua ít nhất là năm người, cao nhất 149 người (năm 2009) và giảm dần, từ 2012 đến 2015 đều khoảng hơn 40 người, năm 2016 là 18 người, năm 2017 là 39 người. Nguyên Vụ phó Vụ Nghiên cứu, Ủy ban Kiểm tra T.Ư Hà Hữu Đức chỉ rõ NĐĐ bị kỷ luật, truy tố đều có nguyên nhân từ sự tha hóa quyền lực, tập trung ở các biểu hiện lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực (trục lợi từ quyền lực).

Quy định chưa phù hợp

Đại tá Nguyễn Đức Hiển, Phó Cục trưởng CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng phân tích, một số bị can là NĐĐ trong nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị kinh tế có rất nhiều đặc quyền, đặc lợi, quyền lực rất lớn trong khi cơ chế quản lý quyền lực chưa chặt chẽ, hiệu quả; một số tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình; tập thể lãnh đạo - cá nhân phụ trách chưa được xác định một cách rõ ràng, rành mạch; tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cá nhân, đổ lỗi cho tập thể; cấp ủy không có biện pháp hiệu quả trong giám sát, kiểm soát quyền lực người được giao quyền, tập thể nể nang, né tránh hoặc bị NĐĐ thao túng, áp đặt, độc đoán chính là những tác nhân. Ngoài ra, còn phải kể đến căn nguyên như trình độ quản lý yếu kém, lỏng lẻo, bộ máy nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, hệ thống kiểm soát nội bộ còn thấp, bị vô hiệu; hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát, kiểm toán đối với cơ quan, đơn vị, DNNN còn hạn chế; các vi phạm, yếu kém và rủi ro không được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.

Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm NĐĐ là một trong những biện pháp hữu hiệu trong PCTN, được đề cập tại nhiều văn bản, Nghị quyết, tuy nhiên còn chưa cụ thể, rõ ràng và chưa khuyến khích được NĐĐ chủ động phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng; cơ chế xác định NĐĐ và phân định rõ trách nhiệm của NĐĐ còn thiếu cụ thể; chưa rõ những căn cứ để loại trừ trách nhiệm hay giảm nhẹ mức kỷ luật đối với NĐĐ khi xảy ra tham nhũng... Việc khuyến khích cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ động từ chức vì lý do trách nhiệm” theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X) chưa được thực hiện, đấu tranh hoặc tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ hạn chế do không ít NĐĐ vì bệnh thành tích, sợ trách nhiệm. TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh, pháp luật cần quy định phù hợp, tránh quy chụp, cực đoan bởi nếu quy định cứ xảy ra tham nhũng là NĐĐ phải chịu trách nhiệm là chưa khách quan, dễ dẫn đến che dấu sai phạm và hành vi tham nhũng.

Tăng cường giám sát, đề cao tự phát hiện

Cơ chế nào để không dám, không thể, không cần và không được tham nhũng đang là trăn trở đặt ra. NĐĐ vừa phải gương mẫu không tham nhũng, tự giác nhận trách nhiệm khi để địa phương, đơn vị, cơ quan, tổ chức do mình phụ trách xảy ra tham nhũng, vừa phải ủng hộ, thúc đẩy ban hành và thực thi các quy định để PCTN, chỉ đạo, tạo điều kiện xử lý công minh, chính xác, kịp thời các vụ việc tham nhũng. Việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các chính sách, quy phạm pháp luật theo hướng đề cao hơn trách nhiệm và quyền hạn của NĐĐ trong tự phát hiện, ngăn chặn PCTN, có cơ chế khuyến khích, bảo vệ NĐĐ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đối với PCTN là đòi hỏi thiết yếu. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Ban Nội chính Trung ương Thái Anh Hùng, cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để bảo đảm xử lý trách nhiệm những NĐĐ các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước khi để xảy ra tham nhũng; làm rõ trách nhiệm của NĐĐ cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp trong việc xem xét, xử lý kỷ luật đối với NĐĐ cấp dưới khi để xảy ra tham nhũng.

Từ thực tiễn điều tra các vụ án cho thấy, biện pháp cấp bách là hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý Nhà nước về kinh tế đối với từng lĩnh vực theo hướng tinh gọn đầu mối, không tập trung quyền lực, lợi ích quá lớn vào một cá nhân hay một nhóm cá nhân; công khai, minh bạch trong các hoạt động đấu thầu, đấu giá bán tài sản công, quản lý chặt chẽ các nguồn vốn vay, viện trợ; hạn chế cơ chế xin - cho, ưu đãi, nhất là trong sử dụng ngân sách, duyệt dự án, phân bổ kinh phí; tăng cường kiểm tra, giám sát chéo. Thực hiện tốt cơ chế kiểm soát quyền lực, nhất là NĐĐ ở những vị trí trong các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tha hóa quyền lực, kịp thời điều động, luân chuyển NĐĐ khi có thông tin tiêu cực, vi phạm; chú trọng thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ; thanh tra, kiểm toán định kỳ, đột xuất để sớm phát hiện vi phạm, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, ngăn ngừa hậu quả thiệt hại; thực hiện công khai, minh bạch tài sản, kiểm soát tài sản thông qua các công cụ của hệ thống tài chính và dữ liệu của cơ quan quản lý nhà nước. Việc giám sát NĐĐ muốn hiệu quả không chỉ từ cơ quan cấp trên NĐĐ mà phải phát huy tốt vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức xã hội, báo chí kết hợp tích cực tuyên truyền để công tác PCTN luôn thu hút được sự ủng hộ, nỗ lực vào cuộc của toàn xã hội.