Mùa tổng kết

Mùa tổng kết, nói rõ hơn là mùa tổng kết năm đã đến. Anh bạn tôi làm Thứ trưởng ở một bộ có “định nghĩa” khá hay, rằng có hai loại cán bộ đi họp đã trở thành chuyên nghiệp. Như anh chẳng hạn, khi thì làm “thầy họp”, tức là khi làm chủ tọa, hoặc tham gia làm chủ tọa; lúc khác lại làm “thợ họp”, tức là ngồi dưới để quan sát và “tiếp thu ý kiến”. Thứ trưởng cũng hài hước, ở ta bây giờ một năm có tới năm mùa ông ạ. Ngoài xuân, hạ, thu, đông còn có thêm mùa tổng kết. Nhiều vị phàn nàn rằng, nhiều cuộc họp quá, lãnh đạo cơ quan không đủ người đi họp.

Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết năm, triển khai công tác với nhiều cách thức đổi mới. Ảnh | Hoàng Anh
Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết năm, triển khai công tác với nhiều cách thức đổi mới. Ảnh | Hoàng Anh

Vui nhỉ? Tôi hỏi anh mấy năm nay mùa tổng kết có bội thu không? Anh uể oải đặt cái cặp căng phồng lên bàn: “Bội thu đấy. Công văn, tài liệu, giấy mời, cái thì phải đọc, cái thì phải ký, cứ tấp lên nhau. Buổi trưa chỉ chợp mắt 15 phút rồi vục dậy đọc công văn, sau đó còn đi họp”. Mà chuyện họp tổng kết bây giờ vẫn là chuyện “muôn năm cũ”. Báo cáo tổng kết vẫn chừng chín, mười trang giấy khổ A4. Vẫn là đặc điểm tình hình, khó khăn, thuận lợi, nhận xét đánh giá theo kiểu “bốn ưu”, “ba khuyết”. Vẫn là bài học rút ra. Vẫn là phương hướng năm tới. Năm nào cũng “tiến một bước”. Từ hồi tôi về Bộ này 15 năm thì đã tiến được 15 bước rồi (!).

Nội dung báo cáo chẳng đổi mới được bao nhiêu, đến cách tham luận cũng “lối cũ ta về”. Rặt một thứ liệt kê thành tích. Thế nào cũng có đủ tư tưởng chỉ đạo, tinh thần năng động, nỗ lực, cải tiến, tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi phí, phối hợp công tác... Người nói cứ nói, “thợ họp” ngồi dưới cứ... lướt “phây” nhoay nhoáy. Chao ôi là tiếc thời gian! Thế rồi “thầy họp” tổng kết hội nghị. Lại: Hôm nay tôi rất vui mừng, rồi đánh giá cao, hoan nghênh, mong rằng, đề nghị. Đến màn khen thưởng, rộn ràng bằng khen, giấy khen, hoa tặng, đương nhiên thường kèm theo... phong bì.

Đổi mới tổng kết năm đã nhiều lần bàn tới. Đã nhiều nơi thay đổi cách họp, từ việc tổ chức ở hội trường sang họp trực tuyến. Văn bản chuyển qua thư điện tử. Phát biểu thì “học tập Quốc hội”, mỗi người nói không quá bảy phút. Chủ yếu nêu giải pháp, cách làm, chủ yếu bàn phương hướng năm tới. Trang trí hội trường giản dị, tiết kiệm, không đặt hoa trên bàn Chủ tịch và trên bàn đại biểu.

Thế nhưng cũng có nhiều ý kiến bàn góp. Rằng cả năm mới có một lần. Anh em vất vả 365 ngày, tiếc gì buổi họp. Họp còn là hội nữa, nên cứ mời mấy công ty tổ chức sự kiện cho nó chuyên nghiệp, bài bản, chứ văn phòng nhà ta, cơm chấm cơm, tẻ lắm. Năm qua công ty gặp biết bao sóng gió, vậy mà vẫn vượt tất cả các chỉ tiêu, thủ trưởng tiếc gì lời khen. Lại còn phải có bữa liên hoan khi hội nghị kết thúc, nếu công ty khó khăn thì chúng em xin ủng hộ, cứ “xã hội hóa” là đâu vào đấy, chả lo vi phạm nguyên tắc này nọ. Có người còn đề nghị để đơn vị nọ, đơn vị kia đăng cai, đưa hội nghị về vùng biển cho có nắng có gió...

Vậy là vẫn có hai luồng ý kiến, nghe ra thấy đều... có lý. Nên chi cải tiến một hồi lại quay về chỗ cũ. Bây giờ thấy nhiều nơi họp tổng kết năm dềnh dang, tốn kém quá. Lễ nghi nhiều, nội dung ít. Bệnh thành tích mọc mầm, rồi đâm cành trổ nhánh từ những cuộc họp tổng kết. Thành ra người được khen cũng không mấy vui, vì có nơi bầu chọn theo lối quay vòng danh sách khen thưởng, năm nay anh xuất sắc, sang năm đến lượt tôi.

Cứ thế, cứ thế, một năm nữa lại đến. Họp chính quyền, họp đoàn thể, họp hội đồng, họp ban chuyên đề, họp tổ công tác, họp trong cơ quan, họp ngoài cơ quan. Có một tiểu phẩm nho nhỏ của nhà đài: “Thắt ca-vát, chân đi giày, cặp da đen ta tiến bước/ Đời chúng ta đâu có họp là ta cứ đi”. Tuổi thọ của tiểu phẩm này dễ đến hai chục năm rồi. Vậy mà mùa tổng kết năm nay nghe vẫn xôm đáo để!

Một vị thủ trưởng chuyên lo việc cải tiến họp hành lễ lạt bảo tôi: Biết cả rồi, đang tính đây. Thế mới là... cuộc đời. Chả cái gì đơn giản đâu ông nhà báo ạ.

Vâng, không hề đơn giản. Nhưng bác ơi, bác tính nhanh nhanh cho chúng em nhờ.