Chuyện cơ sở

“Luống cày” thời kinh tế số

Chủ tịch UBND xã Hoàng Quế, Đông Triều (Quảng Ninh) mời chúng tôi lên xe để anh làm tài xế đưa khách đi quanh xã. Đấy các bác xem, nông thôn mới là cứ phải tự mọi người mắt thấy tai nghe, tự mình nhận xét, đánh giá xem có thật sự là mới.
Trung tâm điều hành thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh. Ảnh | QUANG THỌ
Trung tâm điều hành thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh. Ảnh | QUANG THỌ

Đành “chuồn chuồn đạp nước” để “tự mình nhận xét”. Trước mắt chúng tôi là những cánh đồng mẫu lớn từng ô từng thửa vuông vức, lúa tốt bời bời. Ven sông có những trang trại rộng mấy nghìn mét vuông, dưới cá tôm, trên cây ăn quả. Những dãy nhà từ cấp bốn đến hai tầng, ba tầng cùng quay về một hướng. Đường sá trong thôn thẳng, rộng rãi, đủ để hai ô-tô tránh nhau, mặt đường thảm bê-tông, không có ngõ cụt. Nhưng theo chủ tịch xã được như thế một phần là công của các cụ đã quy hoạch từ những năm 70 của thế kỷ trước.

Gặp một chủ trang trại là bạn học phổ thông với chủ tịch xã, mặc áo phông “cá sấu” chính hãng, nước da màu bã trầu, bắp tay săn chắc như thừng bện. Anh bảo, bạn em thích làm chính trị nên theo đường làm “quan”, còn em “phó thường dân” lấy vườn cau ao cá làm vui, mỗi năm thu ngót trăm triệu đồng. Bây giờ cái câu “khéo ăn thì no khéo co thì ấm” phải được hiểu là: “khéo ăn thì ngon, khéo mặc thì đẹp”. Không chỉ là cái áo của riêng một người mà của cả làng, cả xã. Như cái áo của xã này đẹp lên trông thấy từ mấy năm nay - vẻ đẹp tự nhiên của đất đồng bằng vùng đông bắc lại được công sức con người tạo dựng. Đẹp là do nhiều yếu tố nhưng theo em có lẽ là do dân ở đây không ưa giàu xổi. Cứ làm từng bước chắc chắn, đón cơ hội mà làm và nhắc nhau chớ có làm liều, chớ bắt chước nơi khác một cách máy móc.

Đến đây chủ tịch xã mới gật gù: Bạn em nói đúng đấy. Dân làng ở đây gốc gác tự bao đời, chân chất, thuần hậu. Tính liên kết, hợp tác cao lắm. Những cách làm để mau giàu như làm than thổ phỉ, lấp ao lấp hồ bán đất nền có thể giàu nhanh nhưng là bong bóng thôi, không sạch, không bền. Bây giờ các tiêu chí về nông thôn mới xã này đã đạt cả rồi. Nhưng khoái nhất là xã đã đi trước về thực hiện “chính quyền điện tử”. Nói bài bản một chút là hướng tới nền kinh tế số, xã hội số. Vừa rồi HĐND thành phố Hồ Chí Minh mới tổ chức họp không giấy tờ, chứ xã này đã thực hiện từ lâu. Em lái xe đưa các bác đi mà vẫn có thể “họp”. Lại vẫn ký công văn (chữ ký điện tử) như thường. Bây giờ rất ít thấy cảnh người dân xếp hàng dài chờ xin chữ ký. Trung tâm Hành chính công thị xã đã kết nối trực tuyến với các bộ phận một cửa ở các xã, phường. Người dân giờ chẳng lạ việc thực hiện các giao dịch hành chính thông qua môi trường mạng. Bởi thế, văn phòng UBND xã thường khi vắng vẻ. Cán bộ trừ những hôm hội họp nếu không làm việc chuyên môn, thì... về làng. Về thôn xóm, lội ruộng với dân thì mới bàn chuyện làm ăn được. Riêng cái món bàn bạc thì phải cụ thể, không dùng “điện tử” được đâu. Chẳng hạn như bà con hỏi: Các ông cán bộ có cách gì để giảm bớt quãng thời gian nông nhàn được không? Bây giờ vụ cấy, vụ gặt chỉ trong vòng mươi ngày, mỗi năm không có thêm nghề phụ thì nông dân chơi dài đến bảy, tám tháng. Trả lời câu hỏi này thật không dễ như nói chung chung là phải phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, mở mang làng nghề, sao cho người dân ly nông mà không phải ly hương.

Rồi ông chủ tịch và chủ trang trại cùng kể về những “kỹ sư chân đất” đã sáng tạo ra nhiều loại “máy”, như máy phun thuốc trừ sâu, máy tuốt lạc, tẽ ngô, hoặc nhỏ như chuyện làm bẫy chuột. Có mấy hộ làm trống giờ bán hàng không chạy, quay sang làm thùng rượu bằng gỗ sồi, làm đến đâu bán hết đến đó.

Hay! Chuyện “chính quyền điện tử” đan xen chuyện nông dân suy nghĩ trên luống cày. Nhưng không chỉ lo nước, phân, cần, giống mà lo xa hơn, làm sao để mỗi sản phẩm nông nghiệp kết tinh tri thức ở đó, như thế thì mới có thể giàu lên được.

Nói chuyện có vẻ dông dài thế nhưng cuối cùng lại xoay sang chuyện chuẩn bị dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ xã vào đầu năm tới. Phải viết thế nào cho ra báo cáo của cấp cơ sở, không là bản sao báo cáo của thị xã, của tỉnh. Khi nói tới nội lực thì ở xã là chuyện gì? Công nghiệp 4.0 ở xã cụ thể sẽ ra sao? Rồi hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực lãnh đạo; giữ gìn bản sắc văn hóa; bảo đảm an ninh - quốc phòng... Đấy, báo cáo của cơ sở càng cụ thể bao nhiêu càng đúng với tinh thần đổi mới. Đổi mới là kế thừa nhưng không lặp lại cái cũ, nói đúng, nói trúng, nói thẳng vào việc của mình.