Ký ức không phai

Ở độ tuổi 96, người cán bộ lão thành cách mạng từng trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Đại tá Nguyễn Phú Vỵ (ảnh bên) vẫn khỏe mạnh. Trò chuyện suốt buổi sáng, ông say sưa kể về cuộc đời chinh chiến trận mạc. Dường như ông vẫn sống bằng ký ức về những trận đánh, những năm tháng một thời gian khó mà hào hùng của dân tộc.

Vợ chồng ông Nguyễn Phú Vỵ ôn lại kỷ niệm thời kháng chiến.
Vợ chồng ông Nguyễn Phú Vỵ ôn lại kỷ niệm thời kháng chiến.

Được bao phủ bởi cây trái bốn mùa xanh mướt, ngôi nhà cấp bốn rộng rãi, thoáng mát ở Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) là nơi vợ chồng ông Vỵ đang sống cùng gia đình con gái út. Bà Nguyễn Thị Thành, vợ ông năm nay hơn 90 tuổi nhưng minh mẫn lạ thường. Mỗi lần có khách đến chơi, bà luôn ngồi cạnh ông, tình nguyện làm người nhắc chuyện mẫn cán mỗi lúc ông gặp vấn đề về trí nhớ. Với một người sống gần trọn một thế kỷ, quá nửa đời người xông pha trận mạc vào sinh ra tử, đôi lúc nhớ quên là lẽ thường...

Sinh năm 1924, nhưng vì sốt sắng được tham gia cách mạng nên ông Nguyễn Phú Vỵ tự khai tăng lên hai tuổi. Ký ức trôi về những tháng năm ấu thơ, Hà Nội những năm 40 của thế kỷ trước. Dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, như bao gia đình đông con khác, cuộc sống của ông cũng lầm than vất vả. Sống ở bãi giữa sông Hồng, không có đất canh tác, không nghề phụ, quanh năm cả nhà luôn trong cảnh nghèo đói. 15 tuổi, cậu bé Nguyễn Phú Vỵ xin vào làm công nhân ở Nhà máy điện Yên Phụ. Chứng kiến cảnh người Việt bị ức hiếp đánh đập, bản thân ông cũng từng bị đánh oan nhiều lần, trong lòng người thanh niên Nguyễn Phú Vỵ luôn dậy lên từng đợt sóng ngầm phản kháng. Cũng như hầu hết thanh niên nhiệt huyết, yêu nước, chàng trai Nguyễn Phú Vỵ bộc lộ cảm tình với cách mạng, trở thành đoàn viên Đoàn Thanh niên Cứu quốc, tích cực tham gia các hoạt động của Mặt trận Việt Minh từ năm 1943. Tuy ít được học hành, nhưng với tố chất ăn nói lưu loát, thuyết phục, bên cạnh rải truyền đơn, treo áp-phích tranh cổ động, người thanh niên Nguyễn Phú Vỵ còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết một lòng đứng lên chống Pháp, Nhật, giành chính quyền. Thời điểm chín muồi, cả dân tộc vùng lên cuộc cách mạng giải phóng dân tộc giành chính quyền về tay nhân dân năm 1945, chàng trai đứng trong hàng ngũ những công nhân đi đầu phong trào yêu nước sục sôi tinh thần đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Nguyễn Phú Vỵ cùng anh em công nhân vùng lên tiếp quản nhanh gọn Nhà máy điện Yên Phụ và trại lính bảo an. Toàn bộ kho giấy của Pháp được giao lại cho chính quyền cách mạng, một chiến lợi phẩm quý giá đối với chính quyền non trẻ của ta lúc bấy giờ. Ông được tổ chức giao nhiệm vụ bảo quản kho giấy đó một thời gian dài ở dưới chân núi Sài Sơn hẻo lánh, vùng Quốc Oai (Hà Tây cũ). Đó là cả một quá trình tự rèn luyện trưởng thành đáng ghi nhận.

Ký ức không phai -0
 

Mải miết đi theo Mặt trận Việt Minh, chàng trai Nguyễn Phú Vỵ vẫn nhớ, một ngày mùa đông Hà Nội còn rét ngọt, anh tìm về xin phép bố mẹ cho nhập ngũ. Mẹ không nói gì, chỉ khóc. Cha đồng ý cho đi và không quên dặn dò, trách nhiệm của người thanh niên đối với đất nước, phải biết xả thân và không ngừng cố gắng...

Đáp lại Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Cụ Hồ, Hà Nội những năm 1946 sục sôi không khí cách mạng. Nhập ngũ xong, ông mải miết với các trận đánh suốt dải đồng bằng Bắc Bộ từ Bùi Chu Phát Diệm (Ninh Bình) rồi Tiền Hải, Vũ Thư (Thái Bình) đánh ngược lên Dốc Cun (Hòa Bình), Sơn La... Ông tham gia hơn 30 trận đánh, luôn thể hiện sự mưu trí, gan dạ, gặt hái nhiều thành tích và chiến công vang dội. Trong trận Trung Thứ (Hà Nam) năm 1951, ông Vỵ dẫn đầu trung đội băng qua lửa đạn, diệt ngay sở chỉ huy, bắn chết tên quan ba, bắt sống tên chỉ huy, diệt gọn một trung đội địch. Lần tiến công địch ở thị trấn Phát Diệm năm 1952, Nguyễn Phú Vỵ chỉ huy đơn vị bí mật tiếp cận, vượt rào đánh vào sở chỉ huy và khu điện, đài của địch, nhanh chóng chiếm giữ trận địa, mở rộng bàn đạp cho toàn trung đoàn diệt gọn bảy đại đội địch.

Dù đã quên nhiều thứ, nhưng những dấu mốc quan trọng vẫn không phai mờ trong tâm trí. Tháng ba năm 1951, ông và một số cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn được bầu đi dự Hội nghị Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Trưởng thành về nhiều mặt, ông lại được tin tưởng cử sang Trung Quốc tham gia khóa đào tạo 14 tháng. Chưa hết thời gian học tập, nhiệm vụ cấp bách, cần kíp, Bộ Quốc phòng “gọi” về làm nhiệm vụ quốc tế: cố vấn quân sự cho Bộ Quốc phòng Lào.

Hơn mười năm trôi qua từ lúc thoát ly, năm 1955, lần đầu tiên Nguyễn Phú Vỵ được về thăm gia đình. Cả một khoảng thời gian trong khi người con cuốn theo các trận đánh dồn dập, có những thời điểm rút vào bí mật, rồi được cử đi đào tạo ở nước ngoài, hay vào chiến trường miền tây... gia đình bặt tin, người mẹ nhiều phen khóc cười... Lần về thăm nhà đó cũng là lần Vỵ nên duyên với người con gái thôn bên nết na, đức hạnh.

Cuộc sống người lính vốn dĩ nay đây mai đó. Trong chiến tranh, sự thiếu vắng vai trò người đàn ông trụ cột trong gia đình nhà binh là chuyện thường tình. Từ một cán bộ công an xông xáo, người vợ tần tảo đã tình nguyện lùi về chăm con để chồng yên tâm đánh giặc. Sau năm 1954, hòa bình lập lại ở miền bắc. Nhiệm vụ nặng nề của quân dân từ vĩ tuyến 17 trở ra là lao động sản xuất giỏi, trở thành hậu phương vững chắc tiếp viện vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm... cho chiến trường. Đó là thời gian ông Vỵ được giao nhiệm vụ tuyển và huấn luyện quân để liên tục bổ sung cho chiến trường miền nam: một trung đoàn bổ sung cho chiến trường miền đông Nam Bộ, sư đoàn 320 kiên trường chiến đấu trên mặt trận Quảng Trị, dọc đường 9, Cửa Việt, Đông Hà... Khi đơn vị được rút ra bắc để củng cố, bổ sung quân chuẩn bị chia lửa cho chiến trường Tây Nguyên, ông Vỵ lại bị thương. Ra bắc chữa trị cũng là khoảng thời gian ông được tham gia khóa đào tạo về đường lối quân sự do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp đứng lớp. Rồi ông được phân công về nhận nhiệm vụ mới, Hiệu phó Trường Quân chính Quân khu 3. Ông lại tích cực phát huy sở trường tuyển quân, đào tạo quân để liên tục tiếp viện cho chiến trường miền nam. Sư đoàn 325B hùng mạnh với những chiến công vang dội, 10 tiểu đoàn tinh nhuệ tiến vào giải phóng Sài Gòn 1975... đều từ lò tuyển quân ở đây mà ra.

Với bề dày thành tích, Đại tá Nguyễn Phú Vỵ đã ba lần được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì, ba, 17 lần được Trung đoàn và Đại đoàn khen thưởng, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 31-8-1955. Tuy đã sống gần trăm tuổi, thỉnh thoảng chịu đau đớn bởi vết thương hành hạ lúc trái gió trở trời, trong ông vẫn còn vẹn nguyên cốt cách, tác phong nghiêm túc, kỷ luật của người lính mà vẫn rất đỗi giản dị, chân thành. Những người đồng đội của ông ngày nào giờ đã ra đi gần hết, lớp con cháu sau này từng được ông đào tạo, huấn luyện vào những dịp kỷ niệm thành lập đơn vị, ngày truyền thống sư đoàn, dịp 27-7 vẫn đến thăm ông, cùng ôn lại truyền thống anh hùng của lớp người muôn năm cũ.