Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Kiểm soát thực thi quyền lực của người đứng đầu chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực

Thời gian qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, bệnh độc đoán, chuyên quyền đối với người đứng đầu (NĐĐ) cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức kinh tế của Nhà nước.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến cán bộ toàn quốc phổ biến, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng , ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chí
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến cán bộ toàn quốc phổ biến, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng , ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chí

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị được coi trọng, trong đó chú trọng cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách phù hợp tình hình thực tế, xác định quyền và trách nhiệm của tập thể và của cá nhân trong tập thể. Tăng cường phân cấp, phân quyền theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm của NĐĐ đồng thời từng bước có cơ chế, chế tài cụ thể xác định, xử lý trách nhiệm NĐĐ khi có khuyết điểm, vi phạm. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, một số NĐĐ vẫn mắc sai lầm, khuyết điểm trong thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm được giao, gây hậu quả khôn lường.

Thực tế cho thấy, trong một số quy định, việc trao quyền không phù hợp với trách nhiệm dẫn đến NĐĐ ỷ lại, dựa vào tập thể, thiếu năng động, sáng tạo, không dám nghĩ dám làm, thu mình để được bình an, làm cho cơ quan, đơn vị, địa phương yếu kém, công tác xây dựng đảng còn nhiều hạn chế, kinh tế-xã hội không phát triển... Ngược lại, trao quyền cho cá nhân NĐĐ không tương thích với trách nhiệm (quyền lớn hơn trách nhiệm) dễ dẫn đến lạm quyền, lộng quyền, làm trái, bất chấp nguyên tắc, quy chế, quy trình, nhất là trong công tác cán bộ. Ngay cả khi việc trao quyền và trách nhiệm của NĐĐ dù là tương thích nhưng tập thể nể nang, ngại va chạm, hoặc bị NĐĐ thao túng nên tự tung tự tác và không có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, hữu hiệu của cấp trên dẫn đến không những chỉ NĐĐ mà cả tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương mắc khuyết điểm, vi phạm đều bị xem xét, xử lý kỷ luật. Minh chứng điển hình là khuyết điểm, vi phạm của tập thể Ban cán sự Đảng Bộ Công thương và của đồng chí Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Công thương trong công tác cán bộ. Qua kiểm tra cho thấy, Ban cán sự Đảng Bộ Công thương trong một số trường hợp không họp thảo luận tập thể, bàn bạc dân chủ để thống nhất trước khi ra nghị quyết, Bí thư Ban cán sự Đảng chỉ đạo gửi lấy ý kiến bằng văn bản đối với từng đồng chí thành viên Ban cán sự Đảng; tự ý chỉ đạo cơ quan giúp việc đưa một số cán bộ vào quy hoạch chức danh Thứ trưởng nhưng không xin ý kiến của Ban cán sự Đảng; trong khi đó, cấp trên thẩm định không chặt chẽ, không phát hiện ra sai phạm của cấp dưới nên vẫn quyết định đồng ý thông qua. Việc thực hiện điều động, bổ nhiệm một số cán bộ cấp vụ trực thuộc Bộ Công thương không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, có trường hợp với thời gian quá nhanh, nhưng một số thành viên Ban cán sự Đảng ngại va chạm, thiếu tính chiến đấu nên không có chính kiến, để Bí thư Ban cán sự Đảng có vi phạm, khuyết điểm, dẫn đến cả Bí thư và cả tập thể Ban cán sự Đảng Bộ Công thương đều bị thi hành kỷ luật với hình thức kỷ luật nghiêm khắc. Đáng lưu ý, khi Ban cán sự Đảng Bộ Công thương họp thảo luận và bàn về công tác nhân sự đối với một số trường hợp không mời các cán bộ được phân công theo dõi địa bàn của các Ban xây dựng đảng cấp trên có liên quan đến dự để thực hiện chức năng giám sát theo quy định, nên không phát hiện kịp thời sai phạm đã xảy ra.

Kiểm tra ở một số tổ chức đảng khác còn cho thấy, NĐĐ khi trao quyền cho cấp phó, cấp dưới lại thiếu đôn đốc, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên nên không biết cấp dưới làm trái, có khuyết điểm, vi phạm; mặt khác, cấp dưới thấy vấn đề có tính phức tạp, nhạy cảm hoặc vượt quá thẩm quyền cũng không chủ động báo cáo, xin ý kiến của NĐĐ. Trong khi đó, tổ chức có thẩm quyền cấp trên cũng thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nên không phát hiện được thiếu sót, khuyết điểm, hạn chế của NĐĐ và cấp phó của NĐĐ cấp dưới để góp ý, cảnh báo, nhắc nhở sửa chữa, khắc phục kịp thời. Do đó khi có vụ việc xảy ra, kiểm tra có khuyết điểm, vi phạm phải xử lý, vừa hỏng công việc, vừa mất cán bộ, vừa ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, NĐĐ, cấp phó của NĐĐ và một số cán bộ làm công tác tham mưu, thẩm định phải kiểm điểm, xử lý kỷ luật. Ngoài ra, không ít trường hợp NĐĐ trong những năm cuối nhiệm kỳ thường mắc bệnh “tư duy nhiệm kỳ”, bổ nhiệm một số cán bộ dưới quyền là người nhà, người thân hoặc vì vụ lợi, không đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn, gây bức xúc dư luận.

Nguyên nhân dẫn đến sai phạm nói trên còn do có quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ, chặt chẽ; việc thực hiện của tổ chức đảng, cơ quan đơn vị chưa bảo đảm nguyên tắc, quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện và chưa công khai minh bạch; chưa có cơ chế hữu hiệu kiểm soát chặt chẽ việc trao và thực thi quyền lực của NĐĐ (bao gồm các quyền lực: chính trị, hành chính, tư pháp, kinh tế, thông tin...), dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tệ tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, chủ nghĩa thân hữu, tiêu cực; tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát việc trao và thực thi quyền lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở các cấp, nhất là đối với NĐĐ đang trở thành yêu cầu cấp bách. Trước hết phải tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng để mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp phải thật sự gương mẫu, nêu cao đức tính cần kiệm liêm chính, khắc phục biểu hiện độc đoán, gia trưởng, lạm quyền, mỗi cán bộ, đảng viên, khắc phục sự nể nang, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh với NĐĐ về các hành vi việc làm sai trái. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, chức trách nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp. Các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế của Nhà nước kịp thời rà soát sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc cho phù hợp và thực hiện nghiêm túc, trong đó phân định rõ ràng, cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của tập thể, cá nhân, nhất là thẩm quyền, trách nhiệm của NĐĐ với tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị nhằm kiểm soát chặt chẽ việc thực thi quyền lực của NĐĐ, nhất là trong công tác cán bộ, quyết định phân bổ nguồn lực, phê duyệt các dự án đầu tư,...

Đồng thời, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện tốt cơ chế kiểm soát việc trao và thực thi quyền lực của NĐĐ để phòng ngừa, ngăn chặn việc lạm quyền, lộng quyền. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là NĐĐ, cán bộ chủ chốt các cấp; tăng cường kiểm tra, sàng lọc, xử lý, thay thế, miễn nhiệm, cho từ chức NĐĐ yếu kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp, năng lực lãnh đạo thực tiễn hạn chế, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, quy chế làm việc trong chỉ đạo, điều hành công việc; xử lý dứt điểm các vụ vi phạm thực thi quyền lực trong công tác cán bộ gây bức xúc dư luận, kể cả đang đương chức và đã nghỉ chế độ. Nghiên cứu tăng thẩm quyền và chế tài xử lý trách nhiệm của ủy ban kiểm tra các cấp trong việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên, nhất là đối với NĐĐ. Hoàn thiện các quy định về xử lý kỷ luật, bảo đảm thống nhất đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước đối với NĐĐ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, không có vùng cấm, ngoại lệ đối với cán bộ, đảng viên, NĐĐ các cấp vi phạm trong việc thực thi quyền lực được giao nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện tốt cơ chế kiểm soát việc trao và thực thi quyền lực của người đứng đầu để phòng ngừa, ngăn chặn việc lạm quyền, lộng quyền.