Ðiểm tựa vững chắc của đồng bào vùng biên

Những năm gần đây đời sống bà con xã Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (Lào Cai) ngày càng thay da đổi thịt. Cây quýt, xoài, sa nhân đã cắm rễ trên vùng núi đá biên thùy trùng điệp này, bên cạnh lúa, ngô, đậu tương. Cán bộ chiến sĩ (CBCS) Đồn Biên phòng Mường Khương luôn “ba bám, bốn cùng” giúp bà con thoát nghèo, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, tạo nên điểm tựa vững chắc nơi phên giậu Tổ quốc.

CBCS Ðồn Biên phòng Mường Khương và bà con đón xuân trong chương trình Xuân Biên phòng - ấm lòng dân bản.
CBCS Ðồn Biên phòng Mường Khương và bà con đón xuân trong chương trình Xuân Biên phòng - ấm lòng dân bản.

Những việc làm vì dân

Theo các chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Khương, chúng tôi tới nhà ông Pờ Chín Sài, trưởng thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương. Chỉ vào vườn quýt trước nhà, ông Sài hồ hởi “Bỏ ngô, trồng quýt, nay trồng thêm sa nhân, đời sống khấm khá lên nhiều. Tôi xây được nhà mới khang trang cũng nhờ quýt đấy. Được đồn tặng giống quýt, lợn, tặng quà hộ nghèo, giúp tháo dỡ nhà bị thiên tai,...bà con rất phấn khởi”. Cả 37 hộ dân trong thôn đều nghe theo cán bộ biên phòng, không ai vượt biên trái phép, vi phạm pháp luật, bảo ban nhau giữ cho thôn bình yên, hăng hái tham gia tuần tra bảo vệ cột mốc biên giới, hễ thấy người lạ vượt biên, biểu hiện nghi vấn là báo ngay cho đồn. “Tết vừa qua CBCS xuống thôn liên hoan tất niên, mổ lợn, tổ chức thi gói bánh chưng, giao lưu văn nghệ vui vẻ. Mỗi nhà còn được tặng cặp bánh chưng về thắp hương nữa đấy. Đúng là xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, ông Sài phấn chấn.

Quản lý gần 16 km đường biên giới với 18 cột mốc, địa bàn có 14 dân tộc sinh sống với hơn hai nghìn hộ, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, canh tác lạc hậu, lãnh đạo đồn xác định muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ phải làm tốt công tác vận động quần chúng, luôn sẵn sàng “ba bám, bốn cùng”; giúp dân để bà con tin yêu, hỗ trợ. “Mỗi CBCS nằm lòng “đồn là nhà, biên giới là quê hương; đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Biên giới dài, lực lượng mỏng, gần dân mới kịp thời nắm tình hình, có giải pháp đúng”, Thượng tá Trần Văn Khoa, Chính trị viên đồn bộc bạch.

Đóng góp xây dựng nông thôn mới ở xã Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương không thể thiếu vắng hình ảnh những người lính quân hàm xanh. Không chỉ tích cực tuyên truyền vận động để bà con xóa đói giảm nghèo bằng cách chuyển đổi giống, cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, CBCS đồn cùng cán bộ nông nghiệp “cầm tay, chỉ việc” hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi, canh tác. Nếu như trước kia chủ yếu trồng lúa, ngô, đậu tương thuần túy theo kiểu tự cung tự cấp, hết vụ để đất không, giờ biết gối vụ, trồng thêm quýt, xoài, sa nhân, thảo quả...Với phương châm “tạo cần câu chứ không cho con cá”, đồn hỗ trợ các hộ nghèo, gia đình chính sách cây giống, con giống; khi tặng lợn giống yêu cầu cam kết sau khi sinh sản phải dành 1, 2 con tặng lại các hộ nghèo khác. Bà con biết ơn, mộc mạc bảo rằng nhờ đồn chỉ dẫn hướng làm ăn mà sung túc hơn, biết tiêu đến tiền triệu, chăm lo con cái học hành.

Thấu hiểu và chia sẻ với đời sống bà con còn nhiều khó khăn, ngoài quyên góp và huy động các nhà hảo tâm tặng quà các hộ nghèo, học sinh nghèo, CBCS còn giúp ngày công dựng nhà, làm đường bê-tông nội thôn, phát quang, dọn vệ sinh, hằng tháng quân y đồn phối hợp trạm y tế đi tiêm chủng định kỳ, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí. Ở điểm trường thôn Dề Chú Thàng, CBCS kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ cát sỏi rồi cùng bà con làm sân chơi bê-tông, các bé tha hồ vui chơi, tập thể dục, không còn cảnh lấm lem bùn đất những ngày mưa. Từ khi được BĐBP kèm cặp, giúp đỡ theo chương trình Nâng bước em tới trường, bốn học sinh chăm học hơn, nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, có cháu học giỏi đỗ cả Đại học Ngoại thương. Cháu Thào Phà Đoàn bố bị thiểu năng và cháu Hảng Seo Tin nhà nghèo, đông con đang được CBCS đồn kèm cặp, nuôi dưỡng chẳng khác con cháu trong nhà theo. Hai cháu hứa gắng học tốt để không phụ công lao chăm sóc, dạy dỗ của các bác, các chú.

Những việc làm vì dân thật sự khiến bà con cảm động, từ đó luôn ủng hộ, sát cánh cùng CBCS. Chính quyền địa phương cũng rất tin tưởng bởi có việc cần là CBCS đồn có mặt, khi đồn cần hỗ trợ là lãnh đạo, cán bộ xã, thị trấn nhiệt tình sẻ chia, thế nên mọi việc đều được phối hợp giải quyết nhanh chóng, rốt ráo. Hai cán bộ tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn, xã đã nhanh chóng bắt nhịp, phát huy sở trường tuyên vận, tích cực tham mưu cho địa phương phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, tạo cầu nối gắn kết khăng khít giữa đơn vị với địa phương. Đoạn biên giới do đồn phụ trách năm qua được giữ vững, an ninh chính trị bảo đảm, TTATXH ổn định.

Ðiểm tựa vững chắc của đồng bào vùng biên ảnh 1

Ðồn Biên phòng Mường Khương tặng quà cho học sinh.

Bà con tin yêu, giúp đỡ

Thượng úy Ma Tỉn Hóa, Đội trưởng vận động quần chúng là người Mông quê ở Tả Ngải Chồ. Bàn chân anh đã in dấu khắp các thôn, bản trên địa bàn đồn Mường Khương phụ trách. Anh cùng đồng đội thường xuyên bám địa bàn và cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với bà con, không nề hà việc khó, việc khổ. Tuyên truyền chẳng phải gì to tát, đôi khi chỉ từ những câu hỏi thăm đơn giản “hôm nay ở nhà không lên nương à, đang làm gì đấy” là tạo không khí gần gũi, cởi mở, bắt đầu câu chuyện. Bà con quý mến bảo lâu lắm mới có cán bộ biên phòng người Mông về đây, mời ăn cơm cùng nói chuyện. Qua chuyện trò, bà con thấu hiểu hơn về công việc của CBCS, về chủ trương chính sách, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với đồng bào. Với những người ban đầu còn e ngại, Hóa kiên trì tìm cách tiếp cận để họ thêm hiểu mình, khéo léo xóa nhòa khoảng cách. Nếu với bà con Mông có thể “bắt sóng” được ngay thì khi tuyên truyền cho bà con các dân tộc khác, Hóa chọn nói tiếng dân tộc, nói chậm, ngắn gọn, không biết tiếng nhờ trưởng thôn trợ giúp phiên dịch, diễn đạt lại. Có buổi họp thôn tuyên truyền nước sạch, bà con mỗi tháng đóng 2.000 đồng sửa đường ống nước, nhiều người chưa hiểu rõ còn thắc mắc, Hóa giải thích cặn kẽ, tiền thu để lúc nào đường ống hỏng có tiền mua vật liệu sửa, bà con sẽ không bị mất nước. Hay cảnh báo chị em không nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu bằng những tình huống cụ thể như khi có người rủ rê đi làm xa, kiếm được nhiều tiền thì chớ vội cả tin mà đề cao cảnh giác, dẫn chứng trong thôn đã có người bị lừa bán, cuộc sống rất khổ cực, không chịu nổi mới bỏ trốn về...

Mưa dầm thấm lâu, CBCS lồng ghép trong những buổi họp thôn hay trực tiếp tới từng hộ dân, cụm dân tuyên truyền bà con không di cư tự do, theo học đạo trái pháp luật, phòng chống âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, phòng chống phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, không vượt biên trái phép, lao động chui, nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, không nghe những luận điệu xuyên tạc về thành lập “Vương quốc Mông”. Bà con nâng cao nhận thức, hiểu rõ vai trò chủ thể mỗi người dân là một cột mốc sống bảo vệ biên giới và trách nhiệm trong giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng biên giới Việt- Trung hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Cũng nhờ thường xuyên được CBCS tuyên truyền mà các hộ dân tích cực chung tay xây dựng thôn mới, hiến đất, di dời chuồng gia súc, gia cầm ra xa nhà ở, xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chủ động phòng chống dịch bệnh, cho con đi tiêm chủng, ốm đau biết đến trạm xá, bệnh viện, không còn trông chờ cúng bái, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết vốn phổ biến trước đây đã giảm rõ rệt. Bà con tin yêu, quý mến, hầu hết mọi chuyện xảy ra trong thôn đều nhờ cậy đồn và CBCS gần gũi, nhận được tin báo là có mặt ngay. Đôi khi chỉ là một cái bắt tay thật chặt, câu hẹn “lần sau chú lại đến nhé” đơn sơ mà thắm đượm nghĩa tình.

Gắn bó mật thiết với bà con, đồn kịp thời nắm tình hình và giải quyết được nhiều vụ việc. Đại úy Vũ Ngọc Anh kể chuyện mới ít hôm trước một người dân thôn Chúng Chải B đi chăn trâu, trâu dẫm phải mìn không nổ đã kịp cấp báo cho đồn có phương án xử lý. Nhiều tin báo của người dân cũng là manh mối để đồn xác lập chuyên án, đấu tranh triệt phá các vụ án ma túy, mua bán người, bắt quả tang nhiều đối tượng vận chuyển trái phép pháo nổ, xuất cảnh trái phép...

Đại tá Nguyễn Trọng Ngữ, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai chia sẻ, mỗi đồn hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ đóng góp cho thành tích chung của lực lượng biên phòng toàn tỉnh. Mối quan hệ giữa Bộ đội Biên phòng và nhân dân gắn bó hữu cơ, CBCS là điểm tựa cho cuộc sống yên bình của bà con đồng thời nhân dân chính là tai mắt, là chỗ dựa cho CBCS biên phòng thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.