Huyền thoại Truông Bồn

NDO -

Đó là một ngày định mệnh... Mình choàng tỉnh lúc trời tờ mờ sáng, bởi tiếng còi báo động và sau đó là tiếng bom rền rĩ phía bờ bắc sông Lam vọng sang... Không ngờ loạt bom oan nghiệt kia đã thiêu cháy tuổi xanh của 11 cô gái và hai chàng trai của đơn vị Thanh niên xung phong ở Truông Bồn!

Huyền thoại Truông Bồn

Xin được gọi các anh chị là các bạn cùng trang lứa, bởi lúc đó chúng ta cùng tuổi mười tám, đôi mươi xấp xỉ nhau và mình vừa tốt nghiệp đại học ra dạy văn trường cấp 3 Thanh Chương 1 tròn hai tháng. Cùng tuổi Đinh Hợi (1947) với mình có: Trần Văn Hạp, Nguyễn Thị Phúc, Đàm Thị Bốn, Đinh Thị Vinh. Tuổi Mậu Tý (1948) có: Trần Thị Doãn, Vũ Thị Hiên, Hà Thị Đang, Hoàng Thị Nhung, Phan Thị Dung, Cao Ngọc Hòa. Ngoài ra, Nguyễn Thị Tâm nhỉnh hơn sinh năm Bính Tuất (1946). Và có hai cô em út và áp út là: Nguyễn Thị Vân tuổi Canh Dần (1950), Nguyễn Thị Hoài tuổi Tân Mão (1951).

Cầm trục trái đất quay ngược, ta trở về buổi tối 30 tháng 10 năm 1968 - liên hoan chia tay cuối cùng để hình dung về... Một đêm huyền thoại của tuổi xuân thời chống Mỹ... Bỗng liên tưởng mấy câu thơ mình đã viết: “Đêm / trầm tích của ngày / Nhân loại hoài thai ý tưởng” (Trích Trầm tích của ngày - Thơ Vân Anh). Này đây là gương mặt rạng ngời hạnh phúc của cặp đôi Hòa - Tâm khi đón nhận lời chúc phúc của bè bạn, sáng hôm ấy gia đình nhà trai đã làm lễ ăn hỏi và định ngày cưới cho hai bạn. Họ sung sướng vì một tổ ấm gia đình bé nhỏ đang đón đợi với dự định “xuống ruộng cày gieo nở những bình minh” và những đứa con, trai có, gái có, thông minh, kháu khỉnh lần lượt chào đời... Này đây là niềm vui như trẻ thơ của bốn cô gái cầm trong tay giấy báo nhập học vào các trường trung cấp chuyên nghiệp. Doãn hí hửng nói với mọi người, tốt nghiệp trung cấp ngành Y, tớ sẽ học thành bác sĩ, về Bệnh viện Yên Thành chăm sóc sức khỏe cho bà con quê mình, cậu nào muốn bác sĩ khám cho thì đăng ký ngay kẻo muộn. Bốn - vốn là một thiếu nữ xinh xắn thì ỏn ẻn cười, thập thò giấy báo vào trường trung cấp ở Thanh Hóa ngành cơ khí: Học xong, mình xin về nhà máy cơ khí Vinh, làm thợ tiện... Tiếng ai đó: Tớ chỉ lo cậu xinh thế, vừa vào trường đã bị “bắt cóc” làm vợ thì thật là “tiện lợi”. Hiên - vốn là con gái xã Tăng Thành, củ mỉ cù mì thì mủm mỉm: mình ra quê hương Quan họ học ngành thống kê đây. Cả đám nhao nhao: Cậu nhớ thi thố hát Ví, Dặm với các liền chị, liền anh, hây... hây. Còn Đang, may mắn nhất hội, cười mãn nguyện: Tao sắp làm công dân Thủ đô rồi chúng mày ơi, học xong hệ trung cấp Thủy lợi, sẽ học đại học để góp phần nghiên cứu về hệ thống đê điều mương máng vì nước ta nhiều sông ngòi lắm... Có nhiều anh bộ đội hành quân qua hay “liếc” một cô gái đẹp nhất tiểu đội, đó là Phúc. Phúc tươi cười đáp lại nhưng chưa bận tâm một ai... Vinh, cô gái quê Quỳnh Ngọc, mấy ngày trước đã kịp về thăm mẹ và em, biếu mẹ tấm vải phíp 2 m và cho em chiếc áo lót Đông Xuân mà cô dành dụm tiền chi tiêu mua được. Đâu ngờ đó là món quà đầu tiên cũng là cuối cùng cô tặng người thân. Vân - cô em áp út của tiểu đội, sinh ra trong một gia đình nghèo khổ ở Thượng Sơn, Đô Lương. Cô từng nửa đùa nửa thật: Mình đi TNXP coi như bớt cho gia đình một miệng ăn. Đêm cuối thu đất trời dìu dịu như cùng tan chảy với niềm vui hồn nhiên, phồn thực sức xuân để “đếm say tuổi hồng / thơm mùi mơ mộng / đếm nồng tuổi xanh / thơm mùi khát vọng“ của các bạn. Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông như một người chị cả trong nhà, quán xuyến từ đầu đến cuối cuộc vui, nhiều lần giục giã mọi người: khuya rồi, giải tán về lán nghỉ... Mọi ngày, lời của cô là: “quân lệnh như sơn”, nhưng bây giờ các cô lèo nhèo: vui quá, cho hát hò thêm một lúc nữa, thủ trưởng ơi... hi.. hi. Thế là tiếp tục hát hò, nhảy múa... Có lẽ gần sáng, sau khi cô Thông giả bộ nghiêm mặt ra lệnh, mọi người miễn cưỡng về lán, nhưng tiếng cười nói vẫn còn râm ran rất lâu...

Bốn mươi lăm mùa hoa cúc nở trên 13 ngôi mộ lúc nào cũng tỏa thơm làn hương tưởng niệm... Mỗi lần về với Truông Bồn, một hình ảnh như ghim vào tâm trí: Trần Văn Hạp lúc hy sinh miệng vẫn đang ngậm chiếc còi bởi hôm đó là ca trực, anh đang thổi còi hiệu lệnh. Anh đã vĩnh viễn ra đi trong tư thế của một người lính, đến “phút 90” của cuộc đời vẫn xung trận... Lòng rưng rưng khi các bạn ra đi khi tuổi đời quá trẻ, hầu như chưa được nếm vị ngọt ngào của mối tình đầu... Chỉ còn một ngày nữa thôi là các bạn “Cởi treo lên vách tấm áo lính” để mở ra một trang mới cho cuộc đời mình với những khát vọng sống tuôn trào... Thế mà trong phút chốc, 13 bạn đã hy sinh, trong số 373 chiến sĩ TNXP đã cất giấu tuổi thanh xuân của mình rải rác dọc dải đất miền trung - chiếc đòn gánh, gánh hai đầu đất nước... Năm năm trước (2008), mình đã thắp một nén tâm nhang trên mộ các bạn bằng bài thơ Điều ước ở Truông Bồn. Và bây giờ mình muốn khép lại những dòng trĩu nặng tiếc thương này bằng điều ước đó: “Ước gì lũ thiêu cháy tuổi xanh/Của các chị các anh/Bốn mươi năm trước/Không từng được sinh ra”. Muôn đời sau, Tổ quốc và nhân dân vẫn khắc ghi vào lịch sử dân tộc về các bạn bằng 6 chữ vàng: TRUÔNG BỒN - ĐAU THƯƠNG VÀ HUYỀN THOẠI.