Toàn quốc kháng chiến - Bản hùng ca về ý chí bảo vệ độc lập, tự do

Hà Nội, hồi ức một thời hào hùng

Tiết trời Hà Nội năm nay đến lạ. Hết năm rồi mà trời vẫn hanh hanh nắng. Những ngày này, nhiều thế hệ, đặc biệt là lớp người già đến Hoàng thành Thăng Long, để tìm lại những hình ảnh xúc động của một Hà Nội 70 năm trước, và những người đã từng quên mình để Thủ đô có ngày hôm nay. Triển lãm Sống mãi với Thủ đô tái hiện được thời kỳ gian khó mà hào hùng của quân và dân Hà Nội trong giai đoạn 1945-1954. Trong bộn bề phát triển nhịp sống đô thị, gặp người xưa, được nghe kể những câu chuyện cũ, cảm xúc về quá khứ - hiện tại đan xen. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được phát đi, hiệu triệu cả dân tộc nhất tề đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, gi&ag

Ông Phùng Đệ (bên trái), chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa ôn lại kỷ niệm với người bạn già. Ảnh: Như Ý
Ông Phùng Đệ (bên trái), chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa ôn lại kỷ niệm với người bạn già. Ảnh: Như Ý

Chuyện của người lính già đầu bạc

Ông Đỗ Văn Đa, một trong những người lính pháo binh pháo đài Láng trong trận đánh mở màn cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, còn lại, khi ở tuổi gần đất xa trời, lại có duyên sống cạnh nơi 70 năm trước ông cùng đồng đội mình lập công ghi danh sử sách. Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Toàn quốc kháng chiến, các trường học, những người tìm hiểu về lịch sử khi đến thăm di tích pháo đài Láng lại tìm đến ông để hiểu thêm về một thời kỳ đặc biệt của dân tộc.

Tuổi ngoài 90, như thực hiện sứ mệnh của mình, ông Đỗ Văn Đa vẫn nhớ chi tiết các sự kiện lịch sử: Ngày đó, tôi mới ngoài 20, là pháo thủ đứng ở vị trí số 8, tiếp đạn lên mâm pháo. Chiều 19-12-1946, anh em chúng tôi nhận lệnh của trên, sẵn sàng vào vị trí chiến đấu. Mùa đông năm đó rất lạnh. Mấy anh em cơm nước sớm, ai vào vị trí đó, sẵn sàng chiến đấu. Không nói với nhau một lời, nhưng chắc chắn mỗi chúng tôi đều chung tâm trạng hồi hộp vì chưa từng tham gia chiến đấu. Đúng 20 giờ 3 phút, điện đóm phụt tắt, chúng tôi nghe khẩu lệnh to, rõ ràng: “Bắn!”. Ngay sau đó là tiếng đạn pháo gầm vang như sấm dội, xé toạc màn đêm, nã vào các khu đồn trú của thực dân Pháp. Dù tim đập rộn rã, tay tôi vẫn không ngừng tiếp đạn. Trời rét căm căm mà mồ hôi ròng ròng chảy... Tiếng đạn pháo báo hiệu cuộc kháng chiến Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh của quân và dân Thủ đô chính thức bắt đầu.

Những sự kiện lịch sử của dân tộc đã đọc, đã nghe, đã xem không ít lần nhưng khi tiếp xúc với người cựu binh già, cảm giác như ký ức về những ngày đầu của cuộc kháng chiến vẫn còn vẹn nguyên... Cụ Đa kể giọng sang sảng, đôi mắt lấp lánh tinh anh khác thường. Ký ức của người lính già cuồn cuộn chảy về hiện tại: Ngay hôm sau, địch cho máy bay trinh sát quần thảo khắp bầu trời Hà Nội, hòng tìm cơ sở cách mạng để ném bom phá huỷ. Bằng cách ngắm trực tiếp, chiến sĩ pháo đài Láng tiếp tục lập công lớn khi lần đầu tiên bắn rơi máy bay địch trên bầu trời Hà Nội. Đó là ngày 21-12, hai ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Chiến công vang dội đó đã tiếp thêm khí thế ngùn ngụt chiến đấu cho quân dân Thủ đô những ngày đầu còn bề bộn khó khăn, thử thách. Sau 60 ngày đêm chiến đấu, chúng tôi tự hào đã góp phần cùng quân dân thủ đô hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giam chân địch ở Hà Nội, tiêu hao nhiều sinh lực địch, bảo toàn lực lượng để tạo điều kiện cho nhân dân ta chuẩn bị kháng chiến lâu dài... Thừa lệnh trên, tháng 1-1947, chúng tôi rút khỏi Thủ đô, đảm nhận vai trò mới, đáp ứng đòi hỏi mới của cách mạng dân tộc.

Giữ gìn kho ký ức, cách nào

Khu di tích Pháo đài Láng được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1993. Hiện nay trong di tích còn trưng bày khẩu pháo trong trận đánh mở màn lịch sử đó. Ngoài ra, phòng truyền thống còn lưu giữ nhiều tranh ảnh và hiện vật pháo đài Láng thời kì đầu kháng chiến chống Pháp. Con phố chỉ dài hơn 600m đi qua di tích được đặt tên là phố Pháo đài Láng như một cách gợi nhớ về quá khứ cha ông. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển mạnh mẽ, di tích Pháo đài Láng trở nên lọt thỏm, lạc lõng giữa bốn bề đường sá và nhà cao tầng, giữa tiếng karaoke cùng còi xe ồn ã suốt ngày đêm. Dẫu sao, vẫn còn may, trong sự đấu tranh giữa bảo tồn và phát triển, nơi đây còn được gắn biển di tích và chưa bị xâm hại thô bạo như nhiều di tích lịch sử khác trên thực tế.

Hà Nội, hồi ức một thời hào hùng ảnh 1

Bức phù điêu Hà Nội mùa đông 1946 đặt bên cổng chợ Đồng Xuân (Hà Nội) tái hiện cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Liên khu I chống thực dân Pháp xâm lược. Ảnh: Trần Hải

Ở Hà Nội, nhiều nóc nhà, con phố, bến sông, ngõ chợ gắn với di tích. Mật độ di tích lịch sử ở mảnh đất thiêng đó càng trở nên dày đặc trong giai đoạn 1945-1954, gắn với sự kiện lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nội các ra mắt quốc dân đồng bào cùng bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nơi phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến; Hà Nội 60 ngày đêm kìm chân địch... Những sự kiện lớn lao trọng đại đó diễn ra âm thầm có, sôi nổi có, là mạch ngầm tuôn chảy có minh chứng đất trời cũng như những chứng nhân lịch sử một thời còn đó.

Ông Phùng Đệ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa, nay tuổi đã ngoài 80, vẫn nhớ như in đường ngang lối dọc ngoắt ngoéo của phố Hàng, gắn với vai trò liên lạc viên của cậu bé hơn 13 tuổi là ông hồi năm 1946: Hầu như mỗi con phố là một chiến luỹ. Phố cổ ô bàn cờ, những ngày đầu kháng chiến nhìn ngoài đường thì tĩnh lặng quạnh quẽ, tịnh không người lại qua nhưng thật sự là mạng lưới hoạt động mạnh mẽ sôi động suốt ngày đêm, khi quân dân ta bí mật đục thông tường các dãy nhà trong phố để tạo thành con đường giao thông bí mật bảo đảm thông tin liên lạc.

Hiện nay, ngoài công tác gắn biển, xu hướng di dời dân sống trong khuôn viên di tích, việc thực hiện các biện pháp nắn chỉnh, khoanh vùng nhằm bảo vệ tối đa tính chất nguyên bản của di tích đang được cơ quan bảo tồn quan tâm, nhưng hiệu quả chưa thật rõ nét. Ngách nhỏ trên phố Hàng Cân, mặt sau của ngôi nhà di tích 48 Hàng Ngang, gắn với những hoạt động của Bác những ngày đầu về Thủ đô, là di tích lịch sử cách mạng độc đáo và có giá trị, tuy nhiên dưới góc độ bảo tồn, việc đưa ra các biện pháp cụ thể, hiệu quả vẫn gặp nhiều lúng túng.

Tuy nhiên đã xuất hiện nhiều động thái tích cực. Bức phù điêu ở chợ Đồng Xuân vẫn được người dân đánh giá là đẹp và đặt đúng vị trí tăng thêm phần ý nghĩa trong việc tôn tạo. Đó là sự tái hiện thành hình tượng quân dân Hà Nội những ngày đầu kháng chiến, nổi bật là hình ảnh chiến sĩ cảm tử ôm bom ba càng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, thể hiện tinh thần Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.

Tại nơi đây xảy ra cuộc chiến đấu rất anh dũng của quân và dân Liên khu I chống thực dân Pháp xâm lược ngày 14-2-1947. Ông Phùng Đệ cho biết, Liên khu I chính là địa bàn hoạt động của ông thời kỳ đó, gồm khu Hoàn Kiếm, Long Biên, Đồng Xuân... Thực dân Pháp muốn tập trung lực lượng bóp chết chính quyền ta còn non trẻ và thiếu thốn mọi bề, không đồng minh, không tiền, không vũ khí, như lời của Leon Pignon, cố vấn chính trị của cao ủy Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ nhận định.

Gần đây nhất, ngày 9-12 vừa rồi, để đánh dấu sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, phố 19 tháng 12 mới được chính quyền thành phố gắn biển, để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong đêm 19-12-1946. Tại lễ trao giải Bùi Xuân Phái, vì tình yêu Hà Nội 2016 mới đây, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng đã khóc khi tên ông được xướng lên. Người nghệ sĩ già đó suốt 70 năm qua có mặt trên khắp các nẻo đường Hà Nội, chứng kiến một Hà Nội thăng trầm, dâu bể, để ghi lại, lưu giữ lại những thước phim tư liệu quý giá. Vẫn còn đó, vẹn nguyên những trái tim hướng về Hà Nội, hướng về một trái tim hồng...

Sau 60 ngày đêm chiến đấu, chúng tôi tự hào đã góp phần cùng quân dân thủ đô hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giam chân địch ở Hà Nội, tiêu hao nhiều sinh lực địch, bảo toàn lực lượng để tạo điều kiện cho nhân dân ta chuẩn bị kháng chiến lâu dài...