“Đường Hồ Chí Minh” giữa Sài Gòn

Cuối năm 1969, tôi gặp lại Luật sư Trịnh Đình Thảo (nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam) tại nhà nghỉ cao cấp của đoàn 69 ở số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội (nay là trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam). Hôm đó tôi xin ông dành cho nội dung trao đổi về Bác Hồ, về con đường Hồ Chí Minh trong khu nhà vườn của ông ở giữa Sài Gòn. Trong câu chuyện, luật sư đã cho tôi được biết về những ảnh hưởng của Bác với luật sư và tình cảm của luật sư đối với Bác.

Báo Nhân Dân số ra ngày 17-8-1969 đưa tin Đoàn đại biểu Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam ra thăm miền bắc.
Báo Nhân Dân số ra ngày 17-8-1969 đưa tin Đoàn đại biểu Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam ra thăm miền bắc.

...Sống giữa Sài Gòn nhan nhản lính Mỹ với lối “văn minh” rất trụy lạc, với cuộc sống rất giả tạo và đồi bại, những người trí thức chúng tôi biết thương nước, thương nòi, vô cùng thấm thía trước cái nhục mất nước. Chính lời kêu gọi vang dậy núi sông của Bác: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã thấm sâu trong lòng chúng tôi và thôi thúc chúng tôi phải làm gì để góp phần giành độc lập cho dân tộc. Trước đây, sống ở Pháp, tôi đã vô cùng ngưỡng mộ nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc thì giờ đây, những ngày sống ở Sài Gòn nghẹt thở này, lòng kính yêu và tin tưởng đối với Bác Hồ của chúng tôi có thể nói là vô tận. Lúc này nhà tôi ở Thông Tây Hội có một vườn xoài rộng 15 mẫu, từ đường cái lớn vào nhà có một con đường rộng hơn 10 thước rất đẹp chạy xuyên qua trại xoài, tôi đặt tên cho con đường đó là “Đường Hồ Chí Minh” để biểu lộ lòng kính yêu và biết ơn của tôi đối với Bác. Tôi cho kẻ biển và treo trên con đường này. Chỉ ít lâu sau, việc làm này lan truyền trong giới trí thức và bà con ở Sài Gòn. Bọn CIA Mỹ phái bọn cảnh sát Sài Gòn đến gây sự với tôi. Chúng bắt tôi tháo biển xuống. Thực tình mà nói, khi đọc tấm biển ghi “Đường Hồ Chí Minh” thì bọn chúng cũng trở nên e dè và có phần kính nể. Chúng chỉ dám bảo tôi:

- Có lệnh của trên yêu cầu ông hủy bỏ tấm biển này.

- Vì sao? Giữa Sài Gòn có đại lộ Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi thì tôi đặt tên đường Hồ Chí Minh trong trại của tôi cũng được chứ sao?

- Đây là lệnh cấp trên, chúng tôi chỉ biết thi hành. Nếu ông không gỡ biển thì Chính phủ ra lệnh trưng dụng trại của ông để làm nơi rửa xe cho quân đội Huê kỳ.

Sống trong nanh vuốt của giặc, tôi không cưỡng được, nhưng lòng vẫn nghĩ rằng: Chúng làm sao tháo được lòng kính yêu của mỗi người dân Sài Gòn đối với Bác. Chúng làm sao gỡ được con đường Hồ Chí Minh đã ở trong trái tim, trong óc, trong máu và thịt chúng tôi. Đêm đó, tôi thao thức. Bỗng dưng tôi ước mơ một ngày kia khi Sài Gòn giải phóng Bác sẽ vô thăm, lúc đó tôi sẽ thưa lại với Bác tất cả. Kể từ những bài báo của Bác viết trong những năm 1921-1926 mà tôi được đọc, cho đến việc đặt tên con đường này, và tôi thầm nghĩ rằng: Chắc việc làm nhỏ này sẽ làm Bác vui. Nghĩ vậy, tôi thấy lòng hả hê, vui sướng...

“Đường Hồ Chí Minh” giữa Sài Gòn ảnh 1

Luật sư Trịnh Đình Thảo (phải) và luật sư Nguyễn Hữu Thọ trao đổi về việc thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam năm 1969.

Nào ngờ, niềm vinh hạnh đó lại đến với tôi quá sớm. Tháng 8 năm 1969, tôi dẫn đầu một đoàn đại biểu Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam ra thăm miền bắc. Khi còn ở chiến khu miền nam, tôi nghĩ ngay rằng trong chương trình của chúng tôi, một trong những việc phải làm trước tiên là đến thăm Hồ Chủ tịch, thăm Bác vô vàn kính yêu mà tôi đã mấy chục năm trời đêm mơ, ngày tưởng. Đến Hà Nội, chúng tôi còn nghỉ để lấy lại sức khỏe, thì ngay ngày thứ hai có tin Thủ tướng Phạm Văn Đồng sẽ đến thăm. Tôi hy vọng rằng qua Thủ tướng, chúng tôi sẽ gởi gắm một số tâm tư của mình đến Bác. Chiều hôm đó, chiếc xe Von-ga chở Thủ tướng đến nhà nghỉ riêng ở số 9 đường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Chúng tôi xuống đón Thủ tướng ở sân, xe xịch đỗ, từ trong xe Bác Hồ bước ra cùng Thủ tướng. Tôi xúc động, bàng hoàng. Niềm vui to lớn đến với tôi bất ngờ quá. Tôi sửng sốt và bối rối vì sự bất nhã của mình. Tại sao tôi không chủ động đến thăm Bác ngay từ hôm qua. Tôi tự trách mình chậm quá... Thực tình khi rời chiến khu tôi đã nghĩ như vậy, thế nhưng khi đến Hà Nội tôi lại nghĩ rằng: Bác bận trăm công nghìn việc, Bác chăm lo cả miền nam, ta không nên làm phiền Bác nhiều. Tôi nhớ trong dịp xuân Kỷ Dậu, tôi có thay mặt Liên minh Trung ương gửi điện ra chúc thọ Bác. Nhận được điện, Bác trả lời tôi. Đây cũng là bức điện đầu tiên Bác gửi đích danh tôi, trong đó có đoạn Bác viết: “Sự ra đời và những hoạt động tích cực của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam do Chủ tịch lãnh đạo là một thắng lợi rực rỡ của lòng yêu nước và sức mạnh toàn dân đoàn kết chống Mỹ, cứu nước”. Hôm ấy, giữa khu giải phóng, bức điện đã đem đến cho tôi một sức mạnh diệu kỳ và niềm vui bất tận. Bác đã hiểu rõ việc làm của chúng tôi và khen chúng tôi nhiều quá! Dự tính khi ra miền bắc, tôi sẽ thưa với Bác đó là việc làm theo tiếng gọi của Bác. Giờ đây trước mặt tôi là Bác, tôi bàng hoàng... Lúc sau, tôi mới tĩnh tâm thưa được với Bác:

- Cháu mới ra, chưa kịp đến thăm Bác... Bác thứ lỗi... cho...

Bác ôm hôn tôi thắm thiết rồi Bác khoác tay nói vui vẻ, thân mật mà dứt khoát: “Các chú đi xa hàng nghìn cây số ra đây, tôi đến thăm trước mới là phải chứ!”.

Trong phòng khách của nhà nghỉ, Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng vui vẻ, thân mật trò chuyện với chúng tôi. Bác hỏi thăm sức khỏe của chúng tôi, của từng anh chị em trong Liên minh. Bác hỏi thăm sức khỏe anh Nguyễn Hữu Thọ, anh Huỳnh Tấn Phát... Bác hỏi cặn kẽ về những người Bác biết và Bác đã có dịp gặp. Bác hỏi thăm tình hình miền nam, tình hình Sài Gòn và đặc biệt Bác hỏi về những hoạt động của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam của chúng tôi... Tôi đang định sẽ báo cáo với Bác về tuyên ngôn và chương trình chánh trị của Liên minh thì Bác đã nói:

- Ba điểm chính: cứu quốc, kiến quốc và thống nhất đất nước nêu trong Tuyên ngôn cứu nước của Liên minh là một đóng góp rất thiết thực cho sự nghiệp giải phóng đất nước hiện nay...

Thì ra mọi việc làm của chúng tôi Bác đều biết và Bác biết rất cụ thể. Một điều cụ thể cực kỳ tinh tế là Bác biết đến việc tôi đặt tên con đường đẹp nhất trong trại xoài của tôi là “Đường Hồ Chí Minh”. Bác hỏi nhỏ:

- Con đường Hồ Chí Minh trong trại của Luật sư còn không?

Tôi sửng sốt và xúc động. Tôi rung động đến từng chân tơ kẽ tóc. Tôi phải lấy bình tĩnh mới không để nước mắt trào ra. Tôi để bàn tay vào ngực trái mình và thưa với Bác trong niềm xúc động mãnh liệt:

- Thưa Bác, còn luôn luôn...

Đúng như vậy, con đường mà Bác đã vạch cho tôi từ năm 1926-1927: Con đường giải phóng dân tộc. Con đường đó tôi đã kiên trì theo đuổi hơn bốn chục năm ròng. Con đường đó, không bao giờ mất được. Đó là lần đầu tôi gặp Bác và cũng là lần cuối cùng. Sau đó vài hôm, tôi nhận được hai trái dừa tươi gói trong vải đỏ của Bác gởi tặng. Tôi cứ ngắm nghía, nâng niu mãi hai trái dừa và thấy như mình bé nhỏ lại, bé nhỏ như hồi còn ấu thơ. Trong chương trình ngày ra mắt với đồng bào miền bắc của phái đoàn chúng tôi, tối hôm đó sẽ đến thăm Bác. Nhưng chương trình không thực hiện được vì Bác mệt...

Sau lễ tang Bác ít lâu, tôi có dịp đến thăm chỗ ở và nơi làm việc cuối cùng của Bác. Tôi đã đứng lặng đi, những đợt sóng xúc động đang dồn dập trào dâng trong con tim khối óc của tôi. Trên bàn làm việc của Bác, gần bên hình ảnh Lê-nin và chiếc cốc pha-lê, một tờ chương trình làm việc trong tuần của Người, có nét chì đỏ của Bác gạch dưới ngày, giờ tiếp đoàn đại biểu Liên minh của chúng tôi và tờ Báo Nhân Dân, số ra ngày 17-8-1969. Trên đó, ở trang nhất có đưa rất trang trọng tin và hình ảnh về những ngày ra thăm miền bắc của đoàn đại biểu Liên minh chúng tôi. Đó cũng là số báo và những tin tức cuối cùng Bác đã đọc trước khi ra đi... Tôi cũng lặng người khi biết rằng hai trái dừa Người gởi cho chúng tôi là lúc Người đang bệnh nặng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đem tặng Bác hai trái dừa để Bác uống nước nhưng Bác lại cho bọc vải đỏ gởi tặng chúng tôi.

Những tình cảm to lớn Bác đã dành cho miền nam và cho chúng tôi sẽ mãi mãi còn đọng lại ở gian phòng lịch sử đó. Những tình cảm thiêng liêng đó, những phần vinh dự đặc biệt đó, có đủ sức mạnh nhắc nhở chúng tôi luôn luôn đi tới làm tròn lời dạy bảo và di huấn của Người.