Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão:

Đổi mới cần bắt đầu từ quy trình xây dựng luật

Là một trong những người có dấu ấn cá nhân, đóng góp vào quá trình đổi mới hoạt động của Quốc hội, nhất là thuyết phục để các cấp lãnh đạo đồng ý truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội khi đảm nhiệm trọng trách Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, dù về hưu đã lâu, ông Vũ Mão (ảnh bên) vẫn luôn nhiệt tình góp ý kiến, tư vấn về các vấn đề xã hội nổi cộm.

Đổi mới cần bắt đầu từ quy trình xây dựng luật

Nhiều năm ở cương vị Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã quen thuộc với các công việc liên quan tới quá trình xây dựng luật, ông từng lên tiếng về biểu hiện “cài cắm” lợi ích cục bộ trong quá trình ban hành chính sách?

Tham nhũng thông qua chính sách, cơ chế không phải là vấn đề mới, tuy nhiên ngày xưa mức độ nhẹ hơn và cũng có giới hạn hơn. Trong thời kỳ diễn ra hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, luật pháp của chúng ta ban hành ít và cả nước chỉ một lợi ích, ra trận đánh đuổi kẻ thù chung. Ngay cả giai đoạn sau khi thống nhất đất nước, từ năm 1975 - 1986 và kể cả bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới 1986 - 1996 tham nhũng chính sách cũng chưa nhiều. Sau đó, pháp luật bắt đầu có sự cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Tham nhũng chính sách, tham nhũng cơ chế manh nha và xuất hiện nhiều hơn.

Từ thực tế triển khai luật, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng chính sách về đất đai còn có kẽ hở lớn cho tham nhũng. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Kẽ hở trong Luật Đất đai là một trong những biểu hiện “tham nhũng chính sách”. Điều 62 Luật Đất đai quy định chưa rõ ràng, chưa đầy đủ. Thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, thường giá thu hồi là rất thấp, nhất là đất nông nghiệp, nhà đầu tư làm bất động sản, xây dựng nhà cửa bán ra thị trường giá rất cao, tăng lên 50, 100 lần, lợi nhuận nhà đầu tư thu được không tính xuể. Người nông dân sống trên mảnh đất của mình, bị thu hồi đất thì mất kế sinh nhai. Các thống kê luôn cho thấy tỷ lệ khiếu kiện kéo dài và đông người chiếm 70 - 80% liên quan đến vấn đề đất đai, thu hồi đất. Cho nên “tham nhũng chính sách” rất nguy hiểm. Ta phải nghiên cứu để sửa luật, chứ tồn đọng mãi thế này sẽ tạo bất ổn cho xã hội...

Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến “tham nhũng chính sách”?

Phải thẳng thắn thừa nhận, quy trình làm luật của chúng ta hiện chưa phát huy dân chủ cao nhất trong xã hội. Thông thường, mỗi dự án luật đều do một bộ, ngành cụ thể nào đó dự thảo. Bộ quản lý nhà nước ngoài tâm lý muốn lĩnh vực mình quản lý dễ hơn, thuận lợi hơn thì cũng có thể phát sinh lợi ích cục bộ. Họ sẽ đưa vào những điều khoản để dễ dàng “tham nhũng chính sách”. Có trường hợp việc làm luật không phải sai từ nhận thức, mà do có những tác động từ trên xuống lái luật đi. Vừa qua, có những luật xây dựng bị áp đặt, khiến chất lượng luật thấp đi, luật đó không phản ánh được ý chí của số đông. Về nguyên tắc, mỗi đại biểu Quốc hội là một lá phiếu có giá trị ngang nhau. Cần có cơ chế để khi làm luật 500 đại biểu Quốc hội phải là 500 tư duy độc lập, tập hợp với nhau vì sự phát triển chung, chứ không vì nhóm lợi ích nào. Có thế mới hình thành nên những bộ luật, luật có chất lượng cao nhất. Cho nên phải nghiên cứu để có sự đổi mới, đổi mới bắt đầu từ quy trình xây dựng pháp luật. Đáng mừng là người dân hiện nay đã có ý thức hơn về hoạt động của Quốc hội, công tác lập pháp càng ngày càng được dư luận quan tâm hơn trước. Trước đây, Quốc hội thông qua cái gì, nhân dân ít để ý tới. Nhưng bây giờ, nhân dân tham gia và bày tỏ ý kiến mạnh mẽ hơn. Xu hướng này thể hiện sự dân chủ cao hơn. Từ đó đòi hỏi trí tuệ Quốc hội cũng phải cao hơn. Dẫn chứng mới nhất là Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc nhận được ý kiến đa chiều, trong đó có những ý kiến chưa đồng tình về một số nội dung. Theo tôi, có những ý kiến chưa đồng tình chính đáng, cần nghiên cứu, xem xét nhưng cũng có nhiều ý kiến vì người phản đối thiếu thông tin, chưa được trao đổi nhiều, đấy là điều đáng tiếc.

Đổi mới cần bắt đầu từ quy trình xây dựng luật ảnh 1

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Ông vẫn tin tưởng rằng, những ý kiến đóng góp của ông được các cấp, các ngành nghiêm túc lắng nghe?

Tôi tin chứ, ông cha ta từng nói “Nói phải củ cải cũng nghe”, nghĩa là mình phải nắm vững vấn đề, có nghiên cứu và nói có tính chất xây dựng. Tôi không chỉ phê phán mà còn đưa ra giải pháp. Giải pháp mới là quan trọng. Giải pháp của tôi có thể được chấp nhận hoặc không. Bây giờ, chúng ta chưa kiểm soát được quyền lực, bị một số cá nhân, một số nhóm lợi ích chi phối. Nghị quyết T.Ư 7 (khóa 12) có nói đến phải kiểm soát quyền lực, quyền lực không thể vô hạn được. Gần đây, đồng chí Tổng Bí thư cũng nói rằng, “bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật”. Những tư tưởng này phải được thể hiện bằng một quy trình mới. Theo tôi, phải đổi mới nhiều hơn nữa, cải cách nhiều hơn nữa, đổi mới từ cách thức bầu cử Quốc hội. Tôi là người luôn đề xuất phải đổi mới bầu cử, bầu cử phải có tranh cử, hiện nay tranh cử còn ít, điều này cũng ảnh hưởng tới chất lượng đại biểu và các bộ luật được ban hành.

Trân trọng cảm ơn ông!