Điều chỉnh chiến lược

Rồi dịch bệnh cũng sẽ qua đi. Thế nhưng, khi dịch bệnh qua đi, chúng ta sẽ sống trong một thế giới đã khác trước rất nhiều. Chuẩn bị để đón nhận thế giới đó, có lẽ, là việc nên được bắt đầu ngay từ bây giờ.

Sản xuất máy điều hòa tại Công ty CP Daikin Việt Nam. ẢNH | ANH AN
Sản xuất máy điều hòa tại Công ty CP Daikin Việt Nam. ẢNH | ANH AN

Điều trước tiên cần chuẩn bị là nhận thức về thế giới mới. Thế giới sẽ khác đi như thế nào chắc là cần phải có thêm thời gian chúng ta mới có thể nhìn thấy hết. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ một vài xu thế cơ bản cũng đã được định hình.

Trước hết, đó là quá trình toàn cầu hóa sẽ bị chững lại. Xu thế này đã bắt đầu trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra với việc phe ủng hộ Brexit đã giành chiến thắng ở Anh, và ông Donald Trump tranh cử theo hướng bảo hộ “nước Mỹ trước tiên” đã giành chiến thắng ở Mỹ. Dịch bệnh đã củng cố thêm cho xu thế này bằng cách làm nổi bật hơn những mặt trái của toàn cầu hóa. Không có toàn cầu hóa, dịch Covid-19 chắc chắn không thể lây lan nhanh đến chóng mặt như vậy. Không có toàn cầu hóa, các chuỗi cung ứng đã không bị đứt gãy và đẩy các nước phát triển giàu có vào tình cảnh thiếu hụt trầm trọng những vật tư, thiết bị y tế cơ bản nhất như vậy.

Hai là, bóng ma của chiến tranh lạnh đang quay trở lại. Khi Trung Quốc trở thành một cường quốc, thì cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc để tranh giành ảnh hưởng trên thế giới sẽ bị kích hoạt, và đó là xu thế khó lòng tránh khỏi. Vấn đề xu thế này đang được đẩy mạnh bởi đại dịch Covid-19, một đại dịch gây ra những tổn thất to lớn về sinh mạng và kinh tế cho nhiều quốc gia. Các quốc gia bị tổn thất có xu hướng quy kết trách nhiệm cho Trung Quốc trong việc để cho dịch bệnh bùng phát trên toàn thế giới. Trung Quốc, tất nhiên, sẽ chẳng bao giờ ngồi yên chịu trận. Và đó chính là khởi nguồn rất dễ thấy của chiến tranh lạnh. Chiến tranh lạnh có tránh được hay không, hay xảy ra ở mức độ nào còn phụ thuộc vào cách cư xử của các bên có liên quan. Tuy nhiên, cho đến ngày hôm nay, nó đang là một rủi ro chưa có gì hóa giải được.

Ba là, tái cấu trúc nền kinh tế thế giới sẽ diễn ra. Thật ra, đây chỉ là hệ quả của hai xu hướng toàn cầu hóa bị chững lại và chiến tranh lạnh bị kích hoạt nói trên. Cho dù Trung Quốc sẽ tìm cách ngăn cản, nhưng việc dịch chuyển không ít các chuỗi cung ứng ra khỏi đất nước này chắc chắn sẽ xảy ra.

Trong một thế giới sẽ thay đổi như vậy, thì chiến lược phát triển của đất nước ta cần phải như thế nào? Đây quả thật là một câu hỏi hết sức hệ trọng, nhưng cũng hết sức phức tạp. Nó chắc chắn vượt tầm của bài báo nhỏ này. Dưới đây chỉ là một vài gợi ý ban đầu để chúng ta cùng suy ngẫm.

Thứ nhất, trong thời gian tới, chúng ta cần dựa nhiều hơn vào thị trường trong nước để phát triển kinh tế. Các chuỗi cung ứng toàn cầu có dịch chuyển khỏi Trung Quốc, thì xu thế dịch chuyển về nước sẽ là chủ yếu. Lý do là vì các nước đều muốn tránh khỏi tình trạng cung ứng bị đứt đoạn như vừa qua. Nếu đây là xu thế chính, thì cung cầu sẽ được cân đối trong từng nước sẽ nhiều hơn, thị phần thế giới còn lại sẽ nhỏ bé hơn.

Thứ hai, nếu không tận dụng được những cơ hội (nếu có) mà chiến tranh lạnh mang lại, thì phải kiên quyết không làm “người lính đi đầu” trong cuộc chiến tranh này.

Thứ ba, phát huy sức mạnh mềm mà chúng ta tích tụ được đặc biệt là qua cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế. Khống chế thành công đại dịch, Việt Nam trở thành một đất nước nổi tiếng về sự an toàn. Sự nổi tiếng này sẽ giúp chúng ta thu hút dễ dàng hơn các nguồn lực của thế giới đặc biệt là thu hút đầu tư, các sự kiện và khách du lịch quốc tế. Sự thân thiện và sẵn sàng chia sẻ của người Việt (tặng khẩu trang, thiết bị chống dịch, làm từ thiện ở nước ngoài...) cũng gây được thiện cảm rất lớn. Thiện cảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hành vi tiêu dùng. Với chất lượng và giá cả phù hợp, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sẽ có cơ hội được lựa chọn nhiều hơn.

Tóm lại, thế giới thay đổi, thì chiến lược phát triển của nước ta cũng cần phải thay đổi. Nhận thức đúng đắn về sự thay đổi của thế giới và tái định hướng chiến lược phát triển là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay.