Chuyện cơ sở

Diễn!

Ông bí thư chi bộ thôn đón tôi từ đầu ngõ: "Độ này bác ít về quê? Đang có điều này muốn hỏi bác". Vào nhà, đặt vào tay tôi bát nước chè xanh bốc khói, ông hỏi ngay: "Nếu nói thật vắn tắt về dân chủ ở cơ sở thì nó là cái gì?". Ô, khó nhỉ? Khó là ở cái chỗ "thật vắn tắt". Tôi bảo: "Điều này từ lâu Bác Hồ đã nói rồi: Dân chủ là làm cho người dân mở miệng ra".

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở luôn phải được chú trọng. Trong ảnh: UBND phường Ngọc Lâm, quận Long Biên (Hà Nội) tổ chức Hội nghị giao ban Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố. Ảnh: Ngô Tâm
Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở luôn phải được chú trọng. Trong ảnh: UBND phường Ngọc Lâm, quận Long Biên (Hà Nội) tổ chức Hội nghị giao ban Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố. Ảnh: Ngô Tâm

Ông bí thư cười, tôi cũng đã nghe, Bác Hồ nói giản dị, dễ hiểu. Vậy nhưng tôi thấy khái niệm dân chủ ở cơ sở hiện nay được giải thích nó cứ chung chung, cứ như sấm chớp, mưa rào mà nước vẫn không thấm được vào vườn tược, đất đai. Tôi thì tôi hiểu là dân chủ ở cơ sở nó phải như mưa dầm thấm lâu. Mọi chủ trương, chính sách của trên phải thấm vào dần dần. Và người dân chính là những người góp sức bàn chủ trương ấy, chính sách ấy. Ngược lại khi có chủ trương rồi, nhưng dân chưa thông thì phải giải thích sao cho thông dòng bén giọt, chớ nên cố làm, quyết làm, thậm chí ép dân phải làm. Già néo đứt dây. Đây là cái sai, là thực hiện "dân chủ" một cách hình thức, mà nhiều người hay nói là "diễn".

Chuyện của ông bí thư chi bộ thôn mộc mạc mà thấm thía. Vẫn đà chuyện ấy, ông bảo, từ cái "diễn" chung mà sinh ra cái "diễn" riêng ở một số vị lãnh đạo. Nghe nói ở một địa phương nọ cán bộ phải thực hiện "sáu biết" (biết chào, biết cười, biết lắng nghe, biết hướng dẫn, biết cảm ơn, biết xin lỗi). Quy định cụ thể như thế cũng tốt. Chưa nói, làm được như thế thì người dân ở đó "sướng" vô chừng! Tiếc rằng, đó mới chỉ là hoa là nụ. Muốn thành quả, mà là quả chín, quả thơm, thì phải xem ở việc làm thực tế. Bởi bệnh "diễn" của không ít vị cán bộ từ cấp cơ sở đến cấp cao hơn xem ra cũng lây lan khá nhanh. Ông bí thư ở thôn đọc báo, xem mạng cũng biết nhiều chuyện. Nào là chuyện cán bộ cấp huyện đi trồng cây ngày Tết mà cũng đeo găng tay trắng, giày đen, sải bước trên thảm đỏ, cán xẻng thì quấn giấy xanh xanh, đỏ đỏ. Nào là chuyện ở phường nọ, xã kia lần nào đại biểu Quốc hội, HĐND về tiếp xúc cử tri cũng gặp mấy ông "cử tri chuyên nghiệp" chuyên nói những điều sáo rỗng. Nào là huyện cử cán bộ về thôn ăn dầm ở dề để lắng nghe chuyện giải tỏa, đền bù đất đai xây dựng khu công nghiệp. Nhưng bao nhiêu ý kiến của dân chả được tiếp thu tới một phần trăm. Đến khi dân kéo hàng đoàn người đi khiếu kiện vượt cấp thì huyện, xã đều nói chúng tôi đã hỏi ý kiến dân, đã khảo sát kỹ trước đó.

Cái sự "diễn" còn lấn sâu vào trong phong cách, tác phong một số cán bộ. Người ta có thể khóc, có thể cười, có thể căm phẫn tùy vào "tình hình cụ thể", thực ra trong lòng thì giá băng, không mảy may chút cảm xúc nào. Khi cấp trên khen việc A, việc B ở một doanh nghiệp, họ hào hứng "đúng thế, đúng thế, thật sáng tạo, phải nhân rộng". Khi cấp trên tỏ ý không vừa lòng về những sai sót ở một cơ quan hành chính, họ ra chiều suy nghĩ: "Phải xem xét lại quy chế phối hợp. Phải nắm lại nguồn nhân lực. Phải...". May thay, cấp trên bảo: Tôi cần ở anh những điều góp ý cụ thể. Cơ sở cần những gợi ý thiết thực. Còn cần vốn, cần người tài, cần môi trường dân chủ thì người ta biết cả rồi, không cần đến đoàn kiểm tra.

Về làng, nghe chuyện làng, chợt nghĩ: Có những điều lâu nay cứ tưởng dân chưa hiểu rõ, hiểu đúng nên làm sai. Thật ra, có những điều dân làm sai là vì chính quyền làm sai, trong đó có thể sai không phải do trình độ, mà vì quan liêu, vì lây bệnh hình thức.