Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, bền vững

Trước năm 2016, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở nước ta chưa có nhiều đột phá. Chỉ thị số 50-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng đánh giá "tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu; số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít... gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm PCTN của Đảng và Nhà nước ta", báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN cũng chỉ rõ "công tác PCTN nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra".

Phiên tòa xét xử hai nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và đồng phạm thâu tóm nhà đất công sản ở Đà Nẵng. Ảnh: Doãn Tấn
Phiên tòa xét xử hai nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và đồng phạm thâu tóm nhà đất công sản ở Đà Nẵng. Ảnh: Doãn Tấn

Để kiểm soát tốt hơn tình hình tham nhũng, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) được thành lập, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN trong phạm vi cả nước. Hàng loạt văn bản chỉ đạo PCTN đã được ban hành như Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 50-CT/TW nhằm phát hiện, xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng. Trên cương vị người đứng đầu Ban Chấp hành T.Ư Đảng và Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều chỉ đạo thể hiện rõ quyết tâm làm trong sạch bộ máy: "Xây dựng chỉnh đốn Đảng, PCTN, ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm"; "Một khi đã xảy ra tham nhũng, phải nhất thiết xử lý thật nghiêm, không có vùng cấm", "Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy", "Cương quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng".

Tín hiệu khả quan là 5 năm qua, nhiều đối tượng có hành vi tham nhũng bị điều tra, truy tố, xét xử; số vụ án, các cán bộ cấp cao và mức án phạt nặng đã tăng lên. Số bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân năm 2016 là năm bị cáo, năm 2017 là tám bị cáo, năm 2018 là chín bị cáo, năm 2019 là 10 bị cáo, nhiều vụ, việc kéo dài từ trước đã được chỉ đạo xử lý dứt điểm. Số địa phương không có án tham nhũng khởi tố mới giảm dần, tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" dần được khắc phục. Trong năm 2019 có 30 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật, ba người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Cơ quan điều tra Bộ Công an đã thụ lý điều tra 423 vụ án, 1.073 bị can phạm tội về tham nhũng; Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 279 vụ, 614 bị cáo. Cơ quan điều tra Viện KSNDTC khởi tố mới 12 vụ/16 bị can về tội danh tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp. Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2016 tăng 2 điểm, năm 2017 tăng 1 điểm (đạt 35/100 điểm, xếp 107/180 toàn cầu) và năm 2019 tăng lên 37/100 điểm. Trong năm 2020, nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã được đưa ra xét xử nghiêm minh như các vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải Quân liên quan đến đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, quận 1 (TP Hồ Chí Minh); "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ" xảy ra tại Tổng công ty viễn thông Mobifone, Bộ TT&TT và các đơn vị có liên quan; "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam; "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Đà Nẵng...

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là tính bền vững của công tác PCTN này tới đâu? Trước hết có thể thấy các cơ quan, tổ chức có chức năng PCTN ở Việt Nam còn thiếu mạnh mẽ, chưa có đủ quyền hạn và địa vị pháp lý độc lập cần thiết để phát hiện, xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng. Hiệu quả công tác PCTN còn phụ thuộc nhiều vào quyết tâm và sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đến nay, nước ta vẫn chưa có cơ quan chống tham nhũng độc lập, tích hợp những thẩm quyền đặc biệt về phát hiện, điều tra, truy tố hành vi tham nhũng mà tồn tại nhiều cơ quan khác nhau tạo thành hệ thống khá phức tạp. Địa vị pháp lý và thẩm quyền một số cơ quan còn thiếu sự độc lập cần thiết. Thanh tra Chính phủ được giao chức năng chống tham nhũng lại thuộc hệ thống hành pháp. Biên chế, ngân sách hoạt động của cơ quan thanh tra và điều tra đều phụ thuộc vào Chính phủ, do đó khả năng ảnh hưởng đến tính khách quan, vô tư trong hoạt động của các cơ quan này khó tránh khỏi. Bộ phận có thẩm quyền điều tra tội phạm tham nhũng của Bộ Công an không được quy định bất cứ thẩm quyền, quyền hạn điều tra đặc biệt nào. Minh chứng rõ nét là qua tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán, nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước nhưng lại ít phát hiện được tham nhũng, chỉ khi báo chí đưa tin gây sức ép, cơ quan điều tra vào cuộc mới phát hiện. Điển hình là hai vụ sai phạm lớn xảy ra tại Vinashin và Vinalines, với hàng chục cuộc thanh tra, kiểm toán nhưng chậm phát hiện, để các sai phạm trở nên cực kỳ nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Việc phối hợp của hệ thống cơ quan này trong phát hiện, xử lý tham nhũng còn khó khăn, thiếu quy định đầy đủ và hợp lý, nếu không có sự chỉ đạo và điều phối trực tiếp, quyết liệt từ Ban Chỉ đạo thì khó có được hiệu quả cao. Thời gian qua, chúng ta đã nỗ lực cải thiện tính hiệu quả của từng bộ phận riêng biệt, cố gắng tăng cường sự phối hợp và giải quyết những chồng chéo, khoảng trống thông qua việc ban hành hàng loạt các quy định về phối hợp và duy trì Ban Chỉ đạo. Tuy nhiên, điều này không giúp giải quyết tận gốc vấn đề khi chưa bảo đảm được sự độc lập, khách quan, vô tư, thẩm quyền đủ mạnh của các thiết chế chống tham nhũng.

Sự vào cuộc rốt ráo, quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trước mắt cần phải tăng cường trong bối cảnh các thiết chế nhà nước có chức năng PCTN còn hạn chế. Cùng với đó, cần quyết tâm thực hiện các giải pháp đột phá để xác lập lại hệ thống các cơ quan có chức năng PCTN. Trước tình hình tham nhũng còn phổ biến và tham nhũng ngay trong cả các cơ quan có nhiệm vụ thực thi và bảo vệ pháp luật thì sự hiện diện của một thiết chế độc lập, tập trung các quyền lực đủ mạnh để đưa tội phạm tham nhũng ra ánh sáng là cần thiết, cần phải nhanh chóng nghiên cứu để thành lập. Trên thế giới có nhiều mô hình cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng có thể được tham khảo với những ưu điểm, hạn chế riêng. Tuy nhiên, để chống tham nhũng hiệu quả, cơ quan này cần phải được độc lập, không chịu sức ép từ phía cá nhân, tổ chức nào làm ảnh hưởng đến tính khách quan, đúng đắn trong việc phát hiện, điều tra, xử lý hành vi tham nhũng, có thẩm quyền đủ mạnh để thực thi pháp luật. Trước mắt cơ quan này vẫn có thể trực thuộc Chính phủ nhưng Thủ trưởng cơ quan này không phải do Thủ tướng bổ nhiệm (có thể do Chủ tịch nước bổ nhiệm) và tốt hơn hết sau này, cơ quan này phải nằm ngoài hệ thống hành pháp. Làm được như vậy mới có cơ sở để hiện thực hóa và gia tăng niềm tin của người dân vào hiệu quả bền vững của công tác PCTN.

TS Nguyễn Thị Thu Nga

Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra