Đáp số của cái mới

Cứ như ý của ông Tứ, cán bộ tuyên giáo huyện ủy vừa mới về hưu, hàng xóm nhà tôi, thì năm 2021 này có vô số cái mới. Năm Đảng ta tổ chức Đại hội XIII ngay trước thềm Xuân Tân Sửu. Năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm. Năm đánh dấu 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng đó mới là những dấu mốc để so sánh, hoạch định. Ông Tứ trầm giọng: “Cái mới, theo tôi phải là từ cái mới trong Nghị quyết Đại hội Đảng mà tìm ra cách nghĩ, cách làm hay. Cuối cùng đáp số của cái mới phải là sự thay đổi về chất, năm sau làm ăn ngon lành, được mùa hơn năm trước”.

Sản xuất khăn xuất khẩu tại Công ty cổ phần Dệt may Sơn Nam (Nam Định). Ảnh | Đức Anh
Sản xuất khăn xuất khẩu tại Công ty cổ phần Dệt may Sơn Nam (Nam Định). Ảnh | Đức Anh

Hồi còn tại vị ông Tứ được gọi là “ông biện chứng”. Bàn từ chuyện cây đa đầu làng tới chuyện chân trời góc bể, điều gì ông cũng hỏi lại: Nói như vậy đã biện chứng chưa? Điều đó có phù hợp biện chứng của phát triển? Đừng có luẩn quẩn mãi cái việc quả trứng nở ra con gà hay con gà đẻ quả trứng… Nay thì vẫn “biện chứng” đấy, nhưng cách diễn đạt có phần thực tiễn và mộc mạc hơn, cũng có thể do ông không còn “vướng” vào cái bàn, cái ghế, có thời gian để giãi bày. Nhân thể tôi hỏi ông, “được mùa” hơn năm trước ông muốn nói tới điều gì sát sườn nhất? Ông Tứ: Tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống. Người ta nói tới phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, chống ô nhiễm môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa, chỉ số hạnh phúc và nhiều thứ khác, nhưng cứ gói lại ở chất lượng cuộc sống là khá bao quát.
 
 Đúng vậy - tôi tiếp lời - nhưng từ những năm trước ta đã nói chuyện này. Vấn đề là, ngay như chất lượng cuộc sống cũng phải hiểu theo nghĩa mới và có thước đo mới. Như khơi trúng mạch, nhà tuyên giáo nói liền một hơi. Việc đó thì các nhà xã hội học phân tích là chuẩn nhất. Nhưng từ góc sân của một người dân quê thì tôi thấy, có những người đang nhầm lẫn, đang lấy mức sống, lấy nguồn thu nhập mà đo chất lượng cuộc sống. Điều đó chỉ đúng một phần. Người giàu cũng khóc, cái bộ phim ấy sao mà chí lý! Để người giàu và người nghèo đều không phải khóc vì những nỗi bất công, oan trái, áp lực công việc, gánh nặng gia đình thì rất cần một môi trường xã hội, môi trường sống trong lành. Rất cần có sức khỏe tốt, điều kiện giáo dục, quan tâm đến cả việc nghỉ ngơi, giải trí và cuộc sống riêng tư. Vừa rồi, theo dõi Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 10, tôi xin ngả mũ trước nhiều vị. Một bác nông dân học vấn thấp thôi mà làm ra bao nhiêu máy cày loại nhỏ bán cho bà con. Một cô gái xương thủy tinh bao năm nay dạy học miễn phí cho các em. Một anh cử nhân kinh tế không tìm cách trụ lại thành phố mà về quê trồng chuối và mở công ty chế biến, xuất khẩu. Anh ấy không nói tới hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm mà nói đơn giản rằng, mỗi người tự mở lối tìm vàng trong đất. Nghe vậy, tôi lại nhớ lời một đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ở Nam Bộ, đề ra đường lối là quan trọng lắm, nhưng khó hơn là phải đi tìm. Có tìm thì mới đề được.
 
 Thế là câu chuyện hướng sang một vấn đề rộng hơn. Suy nghĩ tâm huyết và cống hiến cho cộng đồng, thế cũng là chất lượng cuộc sống. Sau kỳ đại hội Đảng các cấp, rất nhiều cán bộ mới, cán bộ trẻ, mong muốn được cống hiến, trước hết là cho làng quê mình, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị của mình. Có điều gì ngăn cản, kìm hãm đâu nhỉ? Mọi tài năng đều được trọng dụng. Điều kìm hãm có khi chính là cái vòng kim cô ngay trên đầu mình, là sức ỳ lẩn quất trong mỗi cá nhân. Cố nhiên, môi trường làm việc tốt thì tài năng phát triển, trong ấm ngoài êm. Muốn vậy thì trên dưới phải hòa thuận, dân chủ thật đúng là dân chủ, chứ không phải là sáo ngữ. Điều này Trung ương cũng đã nêu rõ trong dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng rồi: “phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.
 
 
 Đáp số của cái mới, theo ông Tứ, cũng là một đáp số mở. Tất cả vẫn đang ở phía trước, khó mà “lập trình” đầy đủ. Thế nhưng trong ngày đầu năm Tây, cuối năm Ta, hẵng cứ bàn giập giạp thế đã. Thế mới là cuộc đời, lắm khi nên giữ cái thô mộc, hồn nhiên, còn cứ bóng nhoáng cả lên, chắc gì đã là tuyệt đối.