Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Cần tạo bước chuyển về chất

Tái cơ cấu (TCC) ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM) được xác định là hai chương trình trọng tâm để thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, Đảng và Nhà nước vẫn quan tâm đặc biệt, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở nông thôn. Những thành tựu và cả hạn chế, vướng mắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 gắn với TCC ngành nông nghiệp được chỉ rõ trong các báo cáo và qua ý kiến phát biểu của các ĐBQH tại nghị trường.

Nông dân xã An Dương, huyện Tân Yên, Bắc Giang xây dựng mô hình trang trại tạo nguồn thu nhập ổn định góp phần xoá đói giảm nghèo. Ảnh trong bài | ĐỨC ANH
Nông dân xã An Dương, huyện Tân Yên, Bắc Giang xây dựng mô hình trang trại tạo nguồn thu nhập ổn định góp phần xoá đói giảm nghèo. Ảnh trong bài | ĐỨC ANH

Bệnh thành tích và lãng phí

Năm năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã tạo đột phá, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành; sản xuất nông nghiệp có bước phát triển khá tích cực, thu nhập và đời sống người dân được cải thiện, nhiều địa phương có cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, phù hợp thực tiễn tình hình, một số nơi đã hình thành hệ tiêu chí NTM nâng cao.

Xây dựng NTM trở thành phong trào sôi động rộng khắp cả nước, đến nay có 2.061 xã (chiếm 23% tổng số xã) đạt tiêu chí NTM, 27 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí NTM. Theo ĐBQH Ngô Sách Thực (Bắc Giang), qua xây dựng NTM người dân cảm nhận được năm cái mới như có hợp tác xã kiểu mới, có nhiều máy móc mới được sử dụng trong nông nghiệp, văn hóa nếp sống có nhiều điểm mới, bộ mặt nông thôn mới hơn, hạ tầng cơ sở vật chất tốt hơn, có chuyển biến trong nhận thức về xây dựng NTM trong cán bộ, chuyển đổi về phương pháp và cách làm trong nhân dân.

Bên cạnh thành quả, vẫn còn không ít tồn tại như ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện còn chậm, chưa đầy đủ, kịp thời; một số tiêu chí về NTM chưa hoàn toàn phù hợp điều kiện thực tế các vùng, miền, địa phương; quy hoạch còn bất cập, nhiều địa phương chỉ chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân, TCC ngành nông nghiệp chưa gắn với xây dựng NTM; chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp chậm, cơ cấu kinh tế nông thôn chưa thay đổi lớn; áp dụng khoa học công nghệ, phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới và thu hút doanh nghiệp đều hạn chế; chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhiều ĐBQH khẳng định, những hạn chế này xuất phát từ tư tưởng chủ quan, nóng vội, bệnh phong trào, chạy theo thành tích, thụ động trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Không ít xã huy động quá sức dân, lạm thu, kể cả đối với người nghèo, đối tượng chính sách; áp dụng máy móc Bộ tiêu chí, không sát thực tế gây lãng phí: chợ xây xong nhưng không ai vào họp, bỏ tiền tỷ xây nhà văn hóa rồi cửa đóng then cài, trạm y tế đầu tư thiết bị hàng trăm triệu đồng nhưng thiếu đồng bộ nên vẫn nằm bất động; khu thể thao vắng lặng đìu hiu...

Nợ đọng xây dựng cơ bản đang là mối lo lớn. Minh chứng từ con số 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng khoảng 15.277 tỷ đồng và dẫn chứng cụ thể ở một số địa phương, các đại biểu đã chỉ rõ căn nguyên. ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phải dùng từ “sa lầy” vì có tỉnh nợ đọng xây dựng cơ bản NTM tới gần 1.000 tỷ đồng. Trước sức ép hoàn thành các tiêu chí, lại sính thành tích, nhiều địa phương tìm mọi cách tự xoay xở, đồng ý để các doanh nghiệp ứng trước vốn thi công khi chưa xác định được nguồn vốn thanh toán nên trở thành “con nợ” không có khả năng thanh toán các khoản nợ. Chưa hết, tình trạng tham nhũng, tiêu cực cũng gây bức xúc, khiếu kiện và mất niềm tin trong xây dựng NTM. ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cũng nhấn mạnh sai phạm như xé lẻ gói thầu thành gói thầu nhỏ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu, sau đó làm hồ sơ giao thầu tiếp, tránh đấu thầu hoặc khi tổ chức đấu thầu căn cứ vào chứng thư thẩm định của đơn vị tư vấn, nhưng từ chứng thư thẩm định cho đến hồ sơ dự thầu của các nhà thầu giá thiết bị cao hơn rất nhiều so với thực tế.

Thẳng thắn nhìn nhận, xây dựng NTM ở nhiều nơi còn thiếu bền vững, những kết quả đạt được ở các xã đã hoàn thành mới bước đầu đạt về hình thức nhưng chưa chuyển nhiều về bản chất, có xã còn nợ tiêu chí hoặc không đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí NTM. Do đó, nông nghiệp, nông thôn cần phải có sự chuyển biến về chất và có động lực mới để NTM là nông thôn khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững.

Tập trung nguồn lực đầu tư

Đã đến lúc nên nhìn nhận khu vực nông nghiệp, nông thôn là dư địa phát triển tiềm năng, là lợi thế của cạnh tranh, hội nhập thị trường thế giới và phải ưu tiên nguồn lực tập trung đầu tư. Nhiều ĐBQH cho rằng, trọng tâm của xây dựng NTM gắn với TCC ngành nông nghiệp là cần thay đổi phương thức sản xuất, củng cố quan hệ sản xuất và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo sự phát triển mạnh mẽ trong nông nghiệp gắn với nâng cao thu nhập của người dân; làm tốt quy hoạch hạ tầng, quy hoạch sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, quy hoạch vùng và liên kết vùng. Có các cơ chế khuyến khích chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ và quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, tiến tới nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhân rộng các mô hình sản xuất mới, tiên tiến, các hợp tác xã kiểu mới, gắn kết chặt chẽ hơn giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp, có chính sách đột phá về tích tụ ruộng đất, xóa bỏ hạn điền để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, phát huy vai trò hợp tác xã là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp với nông dân.

Thực tế, TCC ngành nông nghiệp và xây dựng NTM còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. ĐBQH Lại Xuân Môn (Bạc Liêu) nhận định, nông nghiệp có hai mâu thuẫn lớn là sản xuất nhỏ mà thị trường rộng lớn, đầu tư thấp mà rủi ro rất cao; nông thôn đang gặp sáu điểm nghẽn là đất đai, chất lượng, nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch sản xuất, liên kết vùng và doanh nghiệp trong nông thôn; nông dân đối mặt với năm khó khăn: thiếu vốn, khoa học kỹ thuật, thị trường, ô nhiễm môi trường và lúng túng trong xây dựng thương hiệu. Do vậy, Chính phủ rà soát lại các chỉ tiêu xây dựng NTM cho phù hợp và khả thi, nên phân thành tiêu chí cứng (tập trung thống nhất trong cả nước và các địa phương phải thực hiện như xây dựng kết cấu hạ tầng, tổ chức lại sản xuất, môi trường, quốc phòng, an ninh và y tế, giáo dục) và tiêu chí mềm (tùy theo các điều kiện hoàn cảnh của địa phương có thể điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp và phát huy được tính chủ động, sáng tạo của địa phương, không để tất cả đều là 19 tiêu chí cứng). Đồng tình với quan điểm nói trên, ĐBQH Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) kiến nghị Chính phủ cần có hướng dẫn, sắp xếp thực hiện các tiêu chí theo thứ tự ưu tiên, trước mắt tập trung các tiêu chí thiết yếu gắn với đời sống nhân dân, tạo đà để thực hiện những tiêu chí còn lại, còn ĐBQH Nguyễn Đắc Vinh (Nghệ An) đề xuất nơi nào có điều kiện thì phấn đấu xây dựng xã NTM, chưa có điều kiện thì xây dựng thôn, xóm, bản theo các tiêu chí NTM, từng bước mở rộng ra toàn xã, xã nào đã đạt chuẩn NTM cần có tiêu chí mới để tiếp tục phấn đấu. Ngoài những thay đổi về lượng, cũng cần chú trọng đến yếu tố chiều sâu văn hóa, đời sống tinh thần như ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) chia sẻ tại nghị trường rằng NTM không chỉ cây cầu, con đường, trường học, trạm y tế mới mà điều quan trọng phải là cuộc sống bình an, trong lành và mỗi người dân phải thật sự sống vì mọi người và mọi người vì mỗi người, biết tương thân tương ái trong tình làng nghĩa xóm.

Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, thực hiện tốt chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm và xã hội hóa xây dựng NTM gắn với TCC nông nghiệp rất cần thiết, thông qua huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp, nguồn viện trợ không hoàn lại của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tăng cường các hình thức hợp tác công tư...Việc huy động chỉ thật sự hiệu quả khi bảo đảm hợp sức dân trên cơ sở tự nguyện, công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn lực, vốn hỗ trợ, đầu tư và có cơ chế phát huy vai trò tự quản, giám sát, kiểm tra của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư để giảm thiểu tối đa thất thoát, trục lợi.

Xây dựng NTM gắn với TCC ngành nông nghiệp là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài cần sự tập trung cao độ, thực hiện kiên trì, bền bỉ, cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp điều kiện và đặc điểm của địa phương. Người dân là chủ thể và được hưởng thành quả từ chương trình, một khi lòng dân đã thuận, phấn khởi, tin tưởng sẽ đồng sức, đồng lòng xây dựng làng, xã mình khang trang, cuộc sống tốt đẹp hơn, nỗ lực góp phần biến mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 50% số xã đạt chuẩn NTM thành hiện thực dẫu chặng đường phía trước còn nhiều gian nan.