KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XIII

Sửa đổi Hiến pháp phải hợp lòng dân

NDO - Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII được sự quan tâm sâu sắc của nhân dân cả nước bởi đã đề cập đến nhiều vấn đề hệ trọng của quốc gia như: Sửa đổi Hiến pháp 1992, lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, thông qua 10 dự án luật và nghị quyết, đồng thời cho ý kiến về bảy dự án luật khác.

Trong đó việc tiếp tục hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của nhân dân là một trong những vấn đề được quan tâm nhất.

Trước đó, việc lấy ý kiến nhân dân đã được tiến hành từ tháng 1-2013 với hơn 26 triệu lượt góp ý kiến và 28.000 cuộc hội nghị, hội thảo. Đây được xem là một đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng và dân chủ trong khắp cả nước với nhiều hình thức đa dạng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của nhân dân. Theo ông Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ở nước ta tất cả quyền lực thuộc về nhân dân nên nhân dân có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp. Mục đích là phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp. Từ khi lập nước năm 1946 với bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay nước ta đã trải qua bốn lần sửa đổi hiến pháp. Mỗi bản Hiến pháp mới là mở đầu cho một giai đoạn mới. Từ Hiến pháp 1992 đến nay tình hình nước ta đã có nhiều thay đổi nên việc sửa đổi Hiến pháp là cần thiết và phù hợp nguyện vọng của nhân dân. Kỳ họp Quốc hội lần này nhận trọng trách nặng nề định ra hướng đi của đất nước.

Trong những ngày thảo luận sôi nổi ở tổ và tại hội trường, các đại biểu đã tập trung ý kiến vào những vấn đề quan trọng như tên nước, chế độ chính trị, vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức, bộ máy Nhà nước, quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, các quy định về bảo vệ Tổ quốc, vai trò trách nhiệm của lực lượng vũ trang trong bảo vệ Tổ quốc... và nhiều vấn đề trọng yếu khác.

Tuy vẫn còn những ý kiến khác nhau, về cơ bản, các đại biểu đã thống nhất những điểm mấu chốt, được coi là “nhạy cảm” trong dự thảo Hiến pháp như Quốc hiệu. Các ý kiến khẳng định, giữ nguyên tên nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước tiến lên CNXH, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về Quốc huy, con dấu, Quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Tên gọi này cũng đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế trong một thời gian dài. Về vị trí vai trò của Đảng Cộng sản, hầu hết các đại biểu đều thừa nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội bởi vai trò đó đã được khẳng định qua lịch sử, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy việc giữ nguyên Điều 4 như dự thảo đã công bố là cần thiết.

Một số vấn đề phức tạp khác còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau, trong dự thảo cũng đã đưa ra nhiều phương án để thảo luận, tuy nhiên các đại biểu vẫn chưa thể đi đến thống nhất. Có nhiều ý kiến bất đồng, thậm chí trái chiều. Những vấn đề được thảo luận sôi nổi nhất và cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhất là về việc thành lập Hội đồng Hiến pháp, Viện Kiểm sát, thiết chế chính quyền địa phương, các thành phần kinh tế, quyền con người và quyền công dân...

Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là vấn đề hết sức cần thiết, thậm chí có ý kiến cho rằng nếu để nguyên như cũ thì coi như “chưa hoàn thành nhiệm vụ với nhân dân”. Nhưng trong dự thảo, vì chưa xác định được vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng và mối quan hệ với các cơ quan khác nên nhiều đại biểu cho rằng không nên thành lập như trong dự thảo. Thậm chí nếu không có chức năng phán quyết thì việc có Hội đồng Hiến pháp chỉ làm phát sinh thêm tổ chức, chồng chéo nhiệm vụ không cần thiết.

Thiết chế chính quyền địa phương là nội dung quan trọng trong tổ chức bộ máy nhà nước. Trong tình hình mới, việc phân cấp bộ máy chính quyền địa phương ngày càng lộ rõ nhiều bất cập khi những nhiệm vụ của Nhà nước từ Trung ương, tỉnh, huyện đều dồn về chính quyền cơ sở trong khi tổ chức bộ máy chính quyền cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu, nhưng trong dự thảo Hiến pháp vẫn chưa làm rõ được điều này. Hoạt động của Hội đồng nhân dân nhiều nơi còn hạn chế trong khi việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở một số quận, huyện cũng chưa được tổng kết đánh giá, làm căn cứ quyết định. Điều đó dẫn đến những luồng ý kiến khác nhau về việc nên xóa bỏ Hội đồng nhân dân ở địa phương hay không. Mặt khác tình hình thực tiễn cho thấy cần có sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn để phù hợp với thực tiễn phát triển của từng vùng và phát huy được cao nhất hiệu quả của bộ máy chính quyền địa phương.

Phương án kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo có nên đưa vào dự thảo hay không cũng còn nhiều ý kiến trái ngược. Nhiều đại biểu ủng hộ vì cho rằng như thế khẳng định được mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng ý kiến khác lại đề xuất chỉ nên quy định như phương án 3 là “nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế” là đủ để thể hiện sự bình đẳng và khuyến khích các thành phần kinh tế cùng phát triển. Có ý kiến còn nhấn mạnh quá trình phát triển kinh tế từng thời kỳ sẽ có những chính sách phù hợp vì thế điều này chỉ nên luật định chứ không nên hiến định.

Sau hai ngày thảo luận tại hội trường với 86 ý kiến phát biểu, nhiều đại biểu vẫn thấy như chưa nói được hết tâm tư, nguyện vọng của mình bởi thời gian có hạn. Theo dự định ban đầu, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ tập hợp và chọn lọc các ý kiến vào dự thảo và tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của nhân dân đến hết tháng 9-2013, sau đó chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp tới. Như vậy sẽ có thời gian nghiên cứu, bàn thảo kỹ lưỡng và tổng kết tập trung vào những vấn đề chính còn gây nhiều tranh cãi. Mục đích cuối cùng là có được một bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp hoàn chỉnh nhất, thực sự thể hiện ý chí, nguyện vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Một số đại biểu cũng kiến nghị về cách thức tổ chức lấy ý kiến nhân dân thời gian tới cần thực hiện sao cho thật hiệu quả, tránh hình thức, tốn kém.

* Các ý kiến khẳng định, giữ nguyên tên nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước tiến lên CNXH.

* Mục đích cuối cùng là có được một bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hoàn chỉnh nhất, thực sự thể hiện ý chí, nguyện vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.