Kỷ niệm 70 năm Ngày Báo Nhân Dân ra số đầu (11-3-1951 - 11-3-2021)  

"Tiếp lửa" cùng xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Viết về xây dựng Đảng đúng là "khó, khô và khổ". Cách nhìn đó nay đã khác. Bằng chứng là, các bài viết về lĩnh vực này chưa bao giờ nhiều và có chất lượng trên các ấn phẩm Báo Nhân Dân như những năm gần đây, trong đó nhiều bài đoạt các giải cao Giải Báo chí Quốc gia và Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng mang tên Búa liềm vàng. Đâu là điều làm nên thay đổi lớn ấy?

Phóng viên Ban Xây dựng Đảng tác nghiệp tuyên truyền Đại hội XIII của Đảng.
Phóng viên Ban Xây dựng Đảng tác nghiệp tuyên truyền Đại hội XIII của Đảng.

Tản mạn chuyện nghề

Còn nhớ khi thực hiện Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết T.Ư 6 (lần 2) khóa VIII, chúng tôi về một huyện ở trung du phía bắc mà theo các anh làm công tác tổ chức ở địa phương là có nhiều vấn đề để viết. Đây là huyện thuần nông, thời gian đó có nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, một số cán bộ thôn, xã phải xử lý kỷ luật. Thế nhưng khi phân loại cuối năm, không có đảng bộ, chi bộ nào xếp loại yếu kém; cán bộ các cơ quan trên huyện trực tiếp theo dõi lĩnh vực này đều được xếp hoàn thành tốt, thậm chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bài viết nêu việc phân loại tổ chức đảng, đảng viên như thế là hình thức; là không công bằng, yếu kém đổ lỗi hết cho cơ sở. Hơn một năm sau, chúng tôi trở lại địa phương thì cán bộ ban tổ chức từ chối không tiếp. Tìm hiểu mới biết, thì ra khi bài báo đăng, các anh bị lãnh đạo địa phương phê bình nghiêm khắc vì cung cấp thông tin cho báo chí. Phải mấy năm sau, bằng các bài viết về xây dựng Đảng, gắn bó với cơ sở chúng tôi mới "bình thường hóa quan hệ" trở lại.

Lấy được tư liệu, nhất là về các mặt trái là việc khó, bởi lẽ không ai muốn "vạch áo cho người xem lưng", với nhà báo lại càng không. Cái khó hơn nữa là "nhào nặn" chất liệu thu được thế nào để thành bài báo hay. Rồi chọn lựa thông tin, thời điểm đăng thế nào cho phù hợp. Lấy được thông tin, nhưng cũng có khi không thể viết. Hơn năm trước, khi trao đổi về việc hợp nhất một số cơ quan cấp huyện, một chánh thanh tra tỉnh trải lòng với chúng tôi không đồng tình về cách làm của địa phương vì nặng về phong trào, lấy thành tích, gây khó cho ngành. Nói đúng thực trạng và là thông tin rất tốt cho một bài báo giá trị. Xong việc, anh lại khẩn khoản: Nói để nhà báo biết, nhưng các anh giúp tôi đừng viết nhé. Báo mà đăng lên thì tôi khó làm việc ở cơ quan. Tôn trọng anh, chúng tôi chấp thuận đề nghị ấy.

Có tư liệu rồi, không thẩm định chắc chắn, cứ thế viết cũng dễ "gặp họa". Một lần về nơi căn cứ cách mạng, chúng tôi được ban tuyên giáo tỉnh ủy tặng cuốn hồi ký, trong đó có bài một tiểu thương được kết nạp Đảng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Về Hà Nội, liên hệ với gia đình và đảng ủy phường nơi họ cư trú, thì biết đây là gia đình có công và thế là chúng tôi viết về đảng viên đó nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Khi báo đăng, đơn thư của một số cán bộ cách mạng lão thành phản ứng gay gắt. Xác minh lại các nội dung đơn thư nêu, thì gia đình có giấy chứng nhận gia đình có công; nhưng sau kháng chiến về địa phương không sinh hoạt đảng nữa. Hỏi đảng ủy phường họ nói là cán bộ thế hệ sau, không biết rõ thực hư thế nào. Khổ vì bài báo ấy, mất gần tháng trời để giải quyết các nội dung liên quan khiếu kiện.

Viết về lĩnh vực nào cũng có những cái khó, trước hết là làm thế nào để lấy được thông tin, sau đó là thẩm định, xử lý và viết khi nào, viết ra sao để được duyệt đăng ổn thỏa mà vẫn nêu được chính kiến của mình, tốt thì khen, xấu thì chê. Quả thật, viết về xây dựng Đảng rất khó và nhạy cảm bởi liên quan trực tiếp đến con người. Song những phóng viên Báo Nhân Dân hiện nay viết về lĩnh vực này có nhiều may mắn, học tập được kinh nghiệm của các bậc cha, chú đi trước, từ lãnh đạo ban chuyên môn các thời kỳ, các cây bút tên tuổi như Hoàng Tùng, Hà Đăng, Hữu Thọ, Hồng Vinh, Đức Lượng... qua cách khai thác đề tài, xử lý thông tin, cách viết, biên tập. Người thì sắc sảo trong phản ánh, điều tra; người thì đanh thép mà rất hóm hỉnh và đầy chất văn trong viết chính luận; người thì viết nhẹ nhàng dễ đọc mà sâu sắc, mang đầy hơi thở cuộc sống... Không có những cây bút như thế, không có những người lãnh đạo, tâm huyết với nghề sẽ khó có những bài viết về xây dựng Đảng thuyết phục trên các ấn phẩm của báo như ngày nay.

"Tiếp lửa" cùng xây dựng, chỉnh đốn Đảng ảnh 1

Nhà báo Văn Bắc, Báo Nhân Dân chia sẻ kinh nghiệm viết loạt bài đoạt giải A tại Lễ trao giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ hai - năm 2017.  Ảnh: Đăng Khoa  

Sự cuốn hút của đề tài

Quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề đặt ra trong công tác xây dựng Đảng, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Thật ra, những yếu kém, tiêu cực ấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo ngay sau khi cách mạng giành chính quyền; Đảng ta cũng đã chỉ ra từ rất sớm, nhưng chưa bao giờ làm quyết liệt và mang lại hiệu quả như gần đây. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, có tới hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, trong đó có bốn ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nhiều ủy viên, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Chuyện kỷ luật cán bộ như thế, trước đây nếu có cũng được coi là việc nội bộ, ít khi cung cấp cho báo chí. Bây giờ, nội dung các kỳ họp Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đều công khai. Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ vi phạm; mức xử lý kỷ luật hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đều cung cấp cho báo chí.

Từ đòi hỏi của thực tiễn, việc xử lý cán bộ vi phạm được thực hiện quyết liệt hơn, không còn "vùng cấm", không có ngoại lệ; thông tin với báo chí cởi mở hơn. Báo Nhân Dân luôn được tin cậy là chuẩn mực trong việc cung cấp thông tin về các vụ việc tiêu cực, phức tạp. Ban Biên tập chỉ đạo sát sao hơn, cho nên đã có nhiều bài viết phân tích, đi thẳng vào những vấn đề đặt ra, như tự phê bình và phê bình, yếu kém trong công tác cán bộ, tham nhũng, tiêu cực... Đó là hiện thực mà người cầm bút trăn trở, tìm lời giải cho hàng loạt vấn đề. Một trong những trường hợp có thể kể đến là vụ Trịnh Xuân Thanh và vụ Đinh La Thăng. Chỉ có phóng viên Ban Xây dựng Đảng được lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương trao đổi nhiều thông tin cụ thể, nêu vấn đề để tìm lời giải. Một cán bộ có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quản lý doanh nghiệp như Trịnh Xuân Thanh, "bùa hộ mệnh" nào nâng đỡ để Thanh leo lên chức phó chủ tịch tỉnh và quy hoạch thứ trưởng. Hậu quả là chín cơ quan, trong đó có cả cơ quan tham mưu cấp chiến lược về công tác cán bộ liên lụy, hơn chục cán bộ bị xử lý.

Từ thực tế xử lý cán bộ vi phạm vừa qua, có biết bao vấn đề mà người cầm bút tâm huyết với công tác xây dựng Đảng không thể bỏ qua. Trước đây, ai nghĩ ông Đinh La Thăng phải chịu phạt tù đến 30 năm mà vẫn còn tiếp tục bị đưa ra xét xử, "án chồng án"; nguyên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son liều lĩnh nhận hối lộ đến ba triệu đô; một anh hùng như Phan Văn Vĩnh lại phải hầu tòa; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nguyên là cán bộ công an lại vướng vào vòng lao lý vì tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước... Đã có hàng trăm bài báo viết về các hiện tượng này trên các ấn phẩm của Báo Nhân Dân, nhưng dường như chưa giải đáp hết những câu hỏi mà thực tiễn đặt ra.

Nhìn lại những bài viết về xây dựng Đảng trên các ấn phẩm Báo Nhân Dân, thấy trong đó mồ hôi công sức của bao cây bút tâm huyết, lăn lộn với nghề và phảng phất trong đó là bóng dáng, phong cách làm báo Đảng của bao thế hệ đi trước. Các bác, các chú, các anh, chị là người truyền lửa để thế hệ hôm nay giữ lửa trong từng bài viết, đồng hành với cấp ủy, cổ vũ cái mới tích cực, phê phán cái tiêu cực, tiếp lửa, khích lệ đội ngũ những người làm công tác xây dựng Đảng ngày càng làm tốt hơn nhiệm vụ then chốt này.

BẮC VĂN