Xử sự trong nợ nần

Cách đây bảy năm chồng tôi bỏ việc nhà nước mở công ty riêng, kinh doanh vật liệu xây dựng. Những năm đầu công việc thuận lợi, kinh tế gia đình khá khẩm. Năm 2013, do hùn vốn với một bạn xây nhà riêng để bán, chồng tôi đã bị phá sản, dính vào tín dụng đen. Bán nhà, bán ô-tô mà nợ vẫn ngập đầu, vợ chồng con cái phải về nhà mẹ đẻ ở và nhờ cậy, sống qua ngày.

Mẹ tôi bất đắc dĩ mà đồng ý cho chúng tôi ở cùng, nhưng trong lòng chẳng vui vẻ gì. Ban đầu mẹ còn giữ ý kiếm cớ để nói xa nói gần về chuyện nợ nần của chồng tôi, sau thì nói thẳng luôn mà không cần biết tâm trạng con rể thế nào. Mẹ đổ lỗi hết cho chồng tôi, rằng vì lấy anh mà con gái mẹ phải khổ. Chồng tôi vốn đã mặc cảm vì tình cảnh gây ra nên mỗi lần bị mẹ nhiếc móc, anh càng mặc cảm. Nhiều khi không chịu đựng nổi anh đã nổi nóng lên và có lời qua tiếng lại với mẹ. Nợ nần cộng với không khí ngột ngạt từ gia đình khiến tôi là người ở giữa rất khổ tâm, không biết thu xếp thế nào để ổn thỏa.

HỒNG NHU

(Quận Lê Chân, Hải Phòng)

Bạn Hồng Nhu thân mến!

Nợ nần là một vấn đề mà mỗi gia đình thường phải đối mặt, đặc biệt trong những năm gần đây. Làm ăn thua lỗ dẫn đến phải bán hết nhà cửa, gia tài như gia đình bạn quả là nặng nề. Nhưng so với nhiều hoàn cảnh khác, bạn vẫn còn thuận lợi hơn đó là còn có mẹ để nương náu, và vợ chồng vẫn sát cánh bên nhau (có không ít gia đình sau khi vỡ nợ phải tha hương cầu thực, ly tán).

Bố mẹ nào cũng xót xa khi con cái rơi vào cảnh khó khăn. Con cái sung sướng, bố mẹ chưa chắc được hưởng gì, nhưng khi con cái khổ thì bố mẹ còn khổ tâm hơn. Mẹ bạn bộc trực, bà không kìm lòng nổi và trút giận vào con rể khi nhìn cảnh con gái, các cháu mình túng bấn nên đã thể hiện ra bằng thái độ và lời nói. Nếu mẹ bạn vừa xòe cánh ra che chở cho cả gia đình bạn vừa cư xử một cách chừng mực, đúng như ý vợ chồng bạn muốn thì cuộc đời này hoàn hảo quá!

Tôi nghĩ, vợ chồng bạn cần thưa chuyện rõ ràng với mẹ về các khoản nợ, cách xử lý nợ, thời gian và mức độ nhờ cậy mẹ giúp đỡ trong bao lâu, như thế nào. Dù khó khăn mấy thì bạn cũng chỉ nhờ cậy mẹ trong một thời gian nhất định. Điều này giải tỏa áp lực, tâm lý cho mẹ.

Ngoài ra, để dịu không khí gia đình, bạn có thể nhờ một ai có uy tín nói khéo với mẹ về thái độ của mẹ với con rể. Rằng bây giờ quan trọng không phải là đổ lỗi, lên án, chỉ trích mà là tạo điều kiện để con cái làm ăn trở lại, từng bước tháo gỡ khó khăn; rằng nếu mẹ làm căng quá thì không chỉ nợ khó giải quyết mà hạnh phúc riêng của các con cũng bị lung lay, có thể không giữ được hôn nhân vì cộng hưởng quá nhiều vấn đề.

Dẫu sao, việc của vợ chồng bạn lúc này không phải là phàn nàn cách ứng xử của người nọ người kia mà là tập trung làm việc để có thể trả nợ. Tôi từng chứng kiến một vợ chồng trẻ nọ sau khi làm ăn thua lỗ đã buông xuôi, người vợ uể oải đi làm còn người chồng thì ở nhà với tâm trạng bất mãn, ngủ suốt ngày. Thái độ như thế làm sao đòi hỏi sự thông cảm từ người khác được. Hy vọng trường hợp bạn không phải vậy.