Ðừng vội cho đó là hành vi xấu

NDO - Xem mảnh giấy vẽ hình ảnh minh họa "chuyện người lớn", có chú thích lời như phim cấp ba, tôi  thật sự hốt hoảng khi biết là do con mình vẽ...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Con gái tôi năm nay 12 tuổi, bước vào năm học đầu cấp THCS. Về cơ bản, cháu biết nghe lời bố mẹ. Chúng tôi tin tưởng ở con, nhưng vẫn quan tâm sát sao. Gần đây tôi thấy cháu có biểu hiện tạm gọi là bất thường, lúc bồn chồn, lo lắng, lúc lại hốt hoảng, cáu gắt với em... Nhẹ nhàng hỏi chuyện trường, lớp, bạn bè nhưng con nói không có vấn đề gì. Mấy hôm sau, khi tôi vừa đi làm về, cậu em chạy ra, đưa cho mảnh giấy, mách: "Chị vẽ bậy mẹ ạ".

Nó òa lên khóc: "Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ. Con hư thì có được là con của mẹ nữa không ạ?". Tôi động viên cháu bình tĩnh, rồi kể lại: cháu chơi thân với một bạn. Bạn hay kể về những chuyện người lớn, về những bộ phim, hoặc clip nhạy cảm. Ban đầu cháu cũng biết đó là chuyện không tốt, nhưng nghe bạn kể nhiều lần, sinh ra tò mò, ám ảnh, và được bạn hướng dẫn "cách tìm hiểu", về nhà đã tự động mở máy tính (như cháu thú nhận mới chỉ có hai lần, nhưng sợ quá lại đóng lại).

Chờ con bình tĩnh, tôi giải thích chuyện đó là không tốt, bạn cũng chưa ngoan... Con hứa sẽ không tái phạm. Làm vài phép thử, tôi biết cháu đã thực hiện đúng lời hứa. Tuy nhiên tôi vẫn rất hoang mang, không biết việc đó ảnh hưởng đến tâm lý trẻ ở mức độ nào? Liệu có tái diễn nếu cháu vẫn chơi với mấy bạn như thế?

NGUYỆT ÁNH
(Ðống Ða, Hà Nội)

Chị Nguyệt Ánh thân mến,

Ðiều chị lo lắng chúng tôi đã gặp ở rất nhiều trường hợp bố mẹ có con vào độ tuổi mới lớn, giống như con của chị. Ở tuổi này, trẻ em bước qua giai đoạn vô tư, hồn nhiên của bậc tiểu học, sang một giai đoạn mới, cơ thể trẻ phát triển kèm theo trạng thái tâm lý có nhiều thay đổi. Phụ huynh cần có sự chuẩn bị sẵn sàng để thay đổi cách giáo dục trẻ, nhất là vấn đề giới tính. Chia sẻ với chị trong tình huống này, tôi mừng cho chị đã có cô con gái ngoan, biết nghe lời, biết nhận sai để quyết tâm sửa, và như chị nói, cháu đã làm được, bởi vậy chị không nên quá hoang mang. Ðừng vội kết luận đó là hành vi xấu mà chỉ là sự tò mò nhất thời.

Còn về lâu dài, tạo sự gần gũi, để trẻ có thể tin tưởng chia sẻ những tâm sự, thắc mắc với mình, không nên vội cấm con chơi với bạn; cần phối hợp với cô giáo chủ nhiệm, nhắc nhở một cách tế nhị đối với học sinh, tránh làm các cháu bị bẽ bàng trước các bạn, phải vừa nhẹ nhàng, vừa cương quyết chị ạ. Trong trường hợp cần thiết, hãy nói chuyện thẳng thắn với phụ huynh để hướng dẫn các cháu cách tiếp cận, không để trẻ tò mò, tự tìm hiểu. Các bậc cha mẹ cần nắm bắt tâm lý, tình cảm và sự phát triển của lứa tuổi này, chủ động cho con tiếp cận kiến thức giới tính. Theo tôi được biết, ở nhiều trường học có "tổ tư vấn tuổi hồng", có thể giải đáp thắc mắc của lứa tuổi này; hoặc chị có thể mua tập sách "Thắc mắc của tuổi mới lớn - Tò mò về cơ thể mình" gồm 4 cuốn của Nhà xuất bản Kim Ðồng. Ðó là bộ truyện tranh hiện đại về đề tài  nhạy cảm này, với lối diễn đạt phù hợp tuổi "teen".

Chúc chị thành công!