Phải chăng "con sâu làm rầu..."?

NDO - Mồng 3 Tết, cả nhà đang ngồi vui vẻ thì bố tôi đột nhiên nói ngọng rồi ngất. Gia đình tôi đưa ngay vào cấp cứu Bệnh viện X có tiếng ở gần nhà (nơi bố tôi đã đăng ký bảo hiểm). Sau khi làm các xét nghiệm lâm sàng, bác sĩ trực thông báo: máu, huyết áp, nhịp tim bình thường... chắc là vấn đề về não, cần chụp cắt lớp vi tính ngay.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau khi chụp, kết luận ban đầu, bố tôi bị xuất huyết não. Hai ngày trôi qua, bệnh của bố tôi không có dấu hiệu chuyển biến, gia đình có nguyện vọng xin được chuyển sang bệnh viện khác, nhưng các bác sĩ ở đây khẳng định: Chúng tôi đã từng chữa cho nhiều ca tai biến nặng hơn! Ðột nhiên, khoảng 1 giờ 30 phút sáng đêm thứ ba (mồng 6 Tết), bác sĩ trực gọi người nhà vào thông báo chuyển viện, lý do: quá khả năng điều trị. Nhưng qua trao đổi, tôi hiểu rằng, kíp trực đã không bằng lòng vì người nhà hay "làm phiền" bác sĩ trong khi bệnh viện quá đông, vì vậy đề nghị chuyển viện. Tôi được biết, theo đúng quy định khi bệnh viện đã quyết định chuyển viện thì phải do xe bệnh viện và có bác sĩ đi cùng, nhưng bệnh viện gọi xe cấp cứu 115 và yêu cầu người nhà viết cam kết nếu có vấn đề gì xảy ra trên đường chuyển viện phải chịu trách nhiệm. Và điều gia đình chúng tôi buồn nhất, khi đến cơ sở y tế mà Bệnh viện X chỉ định chuyển đã gần sáng, bố tôi "được" đẩy đi đẩy lại với lý do quá tải, và đề nghị chuyển tiếp bệnh viện khác...

Chúng tôi không có ý "vơ đũa cả nắm" nhưng cũng muốn chia sẻ câu chuyện này, hy vọng sẽ không có ai bị rơi vào hoàn cảnh đi "chữa bệnh" như bố tôi.

 TRANG ANH (Hà Nội)

Chị Trang Anh thân mến!

Chúng tôi chia sẻ với những bức xúc và lo lắng của gia đình chị. Vấn đề y đức lâu nay dư luận đã lên tiếng, các cơ quan chức năng cũng đề xuất nhiều giải pháp để chấn chỉnh. Về cơ bản, đội ngũ thầy thuốc, những người làm công tác y tế  tận tụy vì người bệnh, hết lòng vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhưng trong các ngành phục vụ nói chung và ngành y tế nói riêng vẫn có những "con sâu làm rầu nồi canh". 

Trong trường hợp của gia đình chị, chúng tôi không muốn phân tích thêm sự việc, có thể kíp trực của bệnh viện đó đã không tự tin vào khả năng có thể cứu sống bệnh nhân và cũng có thể do quá tải nên dẫn đến nhiều bất cập... Nhưng cũng cần khẳng định, ở vị trí nào cũng cần có những ứng xử đúng mực, đúng nguyên tắc. Với đội ngũ nhân viên y tế, việc di chuyển bệnh nhân cao tuổi trong tình trạng đột quỵ não thể nặng, khi không có chỉ định mổ là điều hết sức cân nhắc, bởi có thể gây nguy hiểm tính mạng. Về phía người nhà, cũng cần có sự hợp tác tích cực với đội ngũ nhân viên y tế để có phương pháp điều trị, chăm sóc tốt nhất cho người bệnh; không nên nóng vội, sốt ruột, dễ mất bình tĩnh, ảnh hưởng quy trình điều trị bệnh. Người thân cũng nên tìm hiểu thông tin về bệnh đột quỵ não; học thêm một số kỹ năng chăm sóc bệnh nhân trong và sau khi ra viện, nhất là các phương pháp phục hồi chức năng sau chấn thương; hằng tháng nên đưa bệnh nhân đến các trung tâm lớn về đột quỵ não như Bệnh viện 108, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 103... để thăm khám sức khỏe, đề phòng tái đột quỵ.

Ðầu xuân, chúc bố chị chóng khỏi bệnh và gia đình chị mọi điều tốt lành!

NGUYÊN HẠNH