Lên phố cùng con cháu

Tôi năm nay 67 tuổi, hưu trí. Sắp tới, con trai sẽ về đón tôi lên ở cùng gia đình cháu trên Hà Nội. Thực lòng tôi không muốn đi chút nào, nhưng ở một mình nơi vùng quê heo hút ở cái tuổi này thật không tiện, con cái hằng tháng cứ phải thu xếp về thăm cũng tội. Lý do khiến tôi ngại lên thành phố là vì đã lâu rồi tôi sống một mình ở quê, giờ lên đó không biết có thích nghi nổi không.

Tôi sợ lạc lõng, cô đơn. Sợ sự có mặt của mình gây xáo trộn cuộc sống gia đình con. Thỉnh thoảng đọc báo có thấy bi kịch của những người già lên phố sống với con cái, lại chứng kiến vài người bạn lên ở chung với con được dăm bữa nửa tháng đã quày quả về khiến tôi không khỏi lo nghĩ. Xin cho tôi một lời khuyên trong hoàn cảnh này. Tôi xin cảm ơn.

NGUYỄN KHẮC CHUNG (Xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình)

Kính gửi bác Nguyễn Khắc Chung! Việc bác lên thành phố ở với gia đình con trai là hợp lý. Những trăn trở, lo nghĩ của bác trước khi đi có thể hiểu được. Đó cũng là băn khoăn chung của nhiều bố mẹ già trước khi rời quê lên phố.

Thay đổi môi trường sống, với bất cứ ai, cũng là một việc không dễ dàng. Với người cao tuổi, sự di chuyển đó lại càng là một vấn đề. Do đã lường trước được một số khó khăn, nên về mặt tâm lý bác đã có sự chuẩn bị khá tốt. Điều này rất quan trọng.

Dẫu sao, bác cần chuẩn bị một vài điều nữa là chuyện ở chung sẽ ổn.

Thứ nhất, cuộc sống thành phố nhiều áp lực. Nó khiến con cái bác nhiều lúc quá bận rộn và mệt mỏi, căng thẳng, sinh hoạt thất thường. Cho nên, việc con về nhà muộn, để bố ăn cơm một mình, ít nói chuyện là có thể diễn ra. Đó không phải là biểu hiện thờ ơ hay bỏ rơi, mong bác đừng chạnh lòng. Vả lại, chính việc con bác đưa bác lên sống cùng đã nói lên sự quan tâm, thương lo của con cái đối với cha mẹ rồi. Bác nên thông cảm và trong mức độ nào đó có thể chia sẻ về mặt tinh thần với con.

Thứ hai, tự tìm cho mình niềm vui. Có thể là đi bộ, dạo công viên, xem phim, đọc báo, nói chuyện với các ông bà cùng độ tuổi trong khu dân phố. Trong khu vực tôi ở cũng có nhiều người cao tuổi rời quê lên sống với con cháu. Hằng ngày, khi con cái đi làm, họ thường ra quán nước chè trước sân nói chuyện rất rôm rả. Chuyện chính trị, chuyện văn hóa, chuyện sức khỏe - bệnh tật... Có người tìm được "cạ" đánh cờ, ngày nào cũng mang cờ ra đánh. Một số cụ bà cùng luyện yoga, xong lại bàn tán về những bộ phim dài tập phát trên truyền hình... Tôi thấy họ không buồn tẻ, lạc lõng như đâu đó vẫn cảnh báo.

Thứ ba, gần gũi với các cháu. Khi bố mẹ bận rộn thì ông bà có cơ hội gần gũi, tiếp xúc với cháu nhiều. Có khi ông bà còn hiểu và dễ chia sẻ với bọn trẻ hơn cả bố mẹ nó. Bác có thể chủ động chơi với cháu, khơi gợi hỏi cháu về việc học tập ở trường, về quan hệ bạn bè, sở thích... Các cháu sẽ học hỏi được nhiều điều ý nghĩa từ cuộc sống trong từng bữa cơm, trong những buổi dạo bộ cùng với ông. Tình cảm trìu mến giữa ông bà và cháu luôn là hình ảnh đẹp trong mỗi gia đình.

Vài gợi ý như vậy, hy vọng bác sẽ trút bỏ được nỗi lo lắng bấy lâu.

NGUYÊN HẠNH