Đừng bỏ lỡ hạnh phúc

Mẹ bỏ bố con tôi khi tôi vừa tròn hai tuổi. Nghe nói, một tháng sau bố tôi đưa một người phụ nữ về nhà, bắt tôi gọi: Mẹ kế. Hàng xóm và họ hàng xì xào: "Bố tôi mê mẹ kế, hắt hủi làm mẹ tôi mất sớm".

Năm tôi 13 tuổi, bố tôi mất do tai nạn. Chú tôi sang đón tôi về nuôi, nhưng mẹ kế tôi không đồng ý. Suốt từ bé cho đến khi lớn lên, tôi luôn ám ảnh về lời dị nghị của làng xóm. Nhưng có một điều tôi không thể hiểu, mặc dù tôi đối xử lạnh nhạt, nhưng ngày cũng như đêm, lúc tôi ốm hay khỏe..., bà luôn luôn ở cạnh nâng giấc tôi. Tôi nghĩ đơn giản, chỉ vì tiền mà bà phải lo thôi. Nghĩ vậy nên suốt ba năm vào đại học, tôi ở tại trường, hè thì đi làm thêm không về nhà.

Nhưng gần đây, tôi được cháu họ của mẹ kế chuyển cho một lá thư và cuốn sổ tiết kiệm ba tỷ đồng, cùng giấy thừa kế ngôi nhà tầng ở mặt phố. Nếu đúng như lời dặn dò của mẹ kế thì tôi chỉ nhận được những thứ này khi bà đã nằm xuống, nhưng vì thương bà nên người cháu đã chuyển sớm cho tôi khi bà ngã bệnh nặng. Qua thư bà, lần đầu tiên tôi được hiểu về chính cuộc đời mình. Chính mẹ đẻ tôi trước khi mất do căn bệnh ung thư, đã năn nỉ nhờ mẹ kế chăm sóc tôi và bố (mẹ đẻ và mẹ kế là bạn thân từ nhỏ). Vì một căn bệnh quái ác nên mẹ kế không có chức năng làm mẹ và một mắt của mẹ không còn chính là do đã hiến tặng giác mạc để cứu con mắt tôi. Cả cuộc đời bà, chỉ có điều ước ao duy nhất, được nghe tôi gọi một tiếng Mẹ ơi. Đọc xong lá thư tôi rơi vào tâm trạng lơ lửng, khó tả. Bao năm nay tôi sống thờ ơ, không hề tìm hiểu và quan tâm đến mẹ kế. Tôi muốn khóc, muốn chạy ngay về quê, nhưng rồi sự xấu hổ và cái suy nghĩ e sợ mọi người cho rằng tôi về chỉ vì tiền, cứ níu kéo tôi lại. Thật sự đầu óc tôi rối tinh như tơ vò. Mong quý báo cho tôi lời khuyên.

NGUYỄN THANH PHƯƠNG (Quy Nhơn, Bình Định).

Anh Thanh Phương thân mến!

Việc đầu tiên tôi muốn nói với anh, nếu là tôi khi đọc xong lá thư, tôi sẽ chạy thật nhanh về với mẹ kế. Tôi sẽ không cần quan tâm đến tâm trạng của mình lúc ấy ra sao và dư luận nói gì. Làm sao để gặp mẹ càng sớm, càng tốt, để không phải hối tiếc và ăn năn vì mình có thể "trở về" muộn.

Anh hãy đừng đắn đo mà về ngay với mẹ. Giờ đây người đang cần sự giúp đỡ và mong chờ anh nhất chính là người đã hy sinh cả tuổi trẻ về sống và chăm lo cho gia đình anh. Và con mắt anh đang nhìn thấy ánh sáng chính là do mẹ hiến tặng giác mạc. Người phụ nữ ấy đã hy sinh quá nhiều, vậy mà anh vẫn còn do dự thì thật đáng trách!

Người xưa có câu: "Công sinh không bằng công dưỡng", nếu như anh không gặp được người mẹ kế tốt, chưa chắc cuộc sống của anh đã được thành tài như ngày hôm nay. Trong xã hội ta vẫn còn cảnh các em nhỏ lang thang cơ nhỡ, không gia đình, không nơi nương tựa,... Cuộc sống các em ra sao thì anh cũng thấy quá rõ: Bơ vơ, sống cảnh đầu đường xó chợ, không được mái ấm gia đình chở che, thiếu thốn tình thương, sự chăm sóc, dạy dỗ từ cha mẹ, từ đó dẫn đến không biết mục đích cuộc sống của đời mình sẽ đi về đâu,... Anh là người rất may mắn khi có một người mẹ như vậy. Chính vì vậy, trước khi mọi việc đã muộn, anh hãy về thật nhanh để xem bệnh của mẹ thế nào? Tập trung chăm sóc chữa, điều trị cho bà. Hạnh phúc chính là hãy biết nắm bắt cơ hội.

Chúc mẹ kế của anh chóng khỏe và anh sẽ mang lại được niềm hạnh phúc dù muộn mằn cho bà!