Để con không nói dối

Một sinh viên vì nợ tiền cá độ bóng đá mà đồng ý bán đi một quả thận với điều kiện không để bố mẹ anh ta biết. Chứng kiến câu chuyện, tôi rất đau lòng. Tôi nghĩ, nếu anh ta nói hết với bố mẹ về việc nợ nần thì sai lầm kia chắc hẳn không xảy ra. Vì sợ hãi nên anh đã không dám nói ra sự thật, chấp nhận mang tội bất hiếu. Những ngày anh ta nằm viện, bố mẹ ở quê vẫn tin là con trai họ đang đi thực tập ở một công trình xây dựng, như lời anh nói qua điện thoại.

Tôi cũng có hai đứa con trai, các cháu đang học mẫu giáo. Theo thời gian, các cháu trưởng thành, lần lượt rời xa vòng tay bố mẹ. Khi đó hành động, suy nghĩ của các con đã ngoài sự kiểm soát của phụ huynh. Tôi muốn mình luôn là điểm tựa để con chia sẻ mọi vui buồn, sai trái. Tôi không muốn con giấu giếm tôi bất cứ việc gì. Ở tuổi mới lớn, suy nghĩ còn nhiều nông nổi, khi gặp chuyện rắc rối nếu tự xử lý tôi biết hậu quả sẽ khôn lường.

Làm thế nào để con không bao giờ nói dối, trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi thấy vô cùng khó.

NHƯ LAN (Việt Trì - Phú Thọ)

Bạn Như Lan thân mến!

Nói dối là một căn bệnh xã hội. Tôi rất mừng là chị ý thức được hậu quả về lâu dài của việc nói dối và quyết tâm huấn luyện con bài trừ thói xấu. Chỉ với ý thức đó thôi tôi nghĩ rằng ít nhất việc nói dối cũng rất hạn chế trong gia đình chị. Xã hội sẽ tốt hơn khi trong mỗi gia đình bố mẹ đã nghiêm khắc dạy con không nói dối ngay từ nhỏ.

Làm thế nào để con trẻ không nói dối?

Hãy để con nhận thấy nói dối là không cần thiết.

Con nói dối khi nào? Vì sao chúng phải nói dối?

Con nói dối khi biết việc nó làm là sai, và sợ phản ứng mạnh của bố mẹ. Nói dối ban đầu với trẻ là một cách tự vệ. Vì thế, thái độ của người lớn trước cái sai của con cái rất quan trọng. Con làm mất một món đồ chơi đã cũ, bạn bình thường. Nhưng nếu đó là một cái điện thoại đắt tiền, bạn có nổi đóa lên không? Tôi nghĩ, bố mẹ nào cũng cần học cách làm chủ cảm xúc.

Dù con có gây ra lỗi lầm gì, dù trong lòng giận dữ cũng dặn mình thật bình tĩnh, tỏ thái độ sẵn sàng tha thứ. Luôn để con nhận thấy rằng bố mẹ là chỗ dựa tin cậy, an toàn nhất cho con.

Hướng con học cách tập trung vào giải quyết hậu quả.

Khi chuyện không như ý xảy ra, không nên dồn dập những câu hỏi như ai gây ra, tại sao làm như thế..., mà thay vào đó là cùng con tập trung xử lý vấn đề.

Con làm vỡ cốc rồi. - Thằng bé sợ sệt nhìn mẹ. Bạn có thể ôm chặt nó và bảo, không sao con, giờ mẹ con mình cùng nhặt miếng thủy tinh vỡ. Trong khi dọn dẹp bạn có thể nói với con lần sau phải cầm cái cốc thật chắc, đặt ở những chỗ nào, trước khi đặt phải để ý gì để cái cốc không bị rơi nữa.

Con lấy đồ chơi ở lớp về nhà: Bạn sẽ cùng con mang đồ chơi đến lớp trả lại, động viên con nói lời xin lỗi với cô giáo và hứa từ nay không làm như thế nữa...

Qua từng việc nhỏ như vậy, ta sẽ tạo cho trẻ phản xạ xử lý thế nào khi việc đó xảy ra, tập trung vào giải quyết vấn đề chứ không phải để nỗi sợ lấn át mà nghĩ cách nói dối đối phó bố mẹ.

Về phần mình, bố mẹ không nói dối; không đưa ra những hứa hẹn dễ dãi; không trả lời cho xong chuyện, mà hãy giải thích đúng, khoa học điều con còn mơ hồ v.v., cho dù con còn nhỏ tuổi.

Một số gợi ý, hy vọng giúp bạn phần nào trong quá trình dạy dỗ con.