Dạy con, xin đừng áp đặt!

Bạn tôi ngoài 30 tuổi mới sinh con trai, nên cậu ấm được chăm sóc với chế độ "đặc biệt". Năm tuổi, cháu vẫn có người "bón" cơm, thay quần áo, ru ngủ... Việc dạy con, chồng một phách, vợ một phách. Chồng, theo cách của người Mỹ, lệ thuộc đủ loại sách, báo.

Các trò chơi mang tính trí tuệ được anh khuân về ùn ùn. Ăn, học, chơi liên tục quay vòng được một tuần, cậu "ấm" lăn ra ốm vì phải di chuyển nhiều nơi. Thấy vậy, bạn tôi lập tức thay đổi bằng cách mời các gia sư về nhà dạy từ tiếng Anh, đàn, voe đến võ thuật. Chưa đầy ba tháng, cháu phải cấp cứu vì có dấu hiệu thần kinh không bình thường. Vậy là, vợ chồng bạn tôi cho con học đủ loại cao siêu, nhưng lại không biết dạy con cách ăn, uống, sinh hoạt... Mọi việc lớn, bé đều do bố, mẹ hoặc người giúp việc làm hộ. Nhìn cháu, tôi rất lo. Nếu gia đình bạn tôi không có cách dạy con đúng mực mà vẫn tiếp tục theo hướng "cực đoan" trên thì không hiểu tương lai và sự phát triển cả về trí tuệ và sức khỏe của cháu sẽ ra sao?

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG LAN (Hoàng Hoa Thám, Tây Hồ, Hà Nội)

Bạn Phương Lan thân mến! Lẽ thường, ai cũng muốn con mình phát triển toàn diện. Song, mỗi đứa trẻ có một cá tính, hoàn cảnh sống riêng, cho nên không có phương pháp chuẩn mực nào cho tất cả mọi phụ huynh. Có những cách giáo dục tốt với đứa trẻ này nhưng lại nguy hại với đứa trẻ khác. Phương pháp dạy trẻ em theo các nước phát triển là xây dựng cho các cháu ý thức tự lập ngay từ nhỏ. Khi bé có thể ngồi và cầm nắm các đồ vật, bố mẹ thường mua cho con ghế tập ăn bột, để con ngồi cùng gia đình trong bữa ăn,... Điều đó rèn cho thói quen sau này trong bữa cơm cùng gia đình, các cháu có thể tự xúc cơm ăn một mình. Có gia đình còn quy định giờ ăn cơm. Bé ăn chậm và lâu, hết giờ, mẹ cất thức ăn và bé có thể phải nhịn đói. Khi bé đi học mẫu giáo, cô cũng rèn bé như thế. Chỉ sau một vài lần, bé tự ý thức được giờ ăn và cách ăn. Nếu không ăn nhanh, đúng giờ, bé sẽ nhịn đói và phải chờ đến bữa sau mới được ăn. Đây là bài học rất thực tế để bé quyết định chuyện ăn uống của mình. Tương tự, những việc khác như tự mặc quần áo, đi giày, treo quần áo đúng nơi quy định, tự đi vệ sinh và lau rửa sạch sẽ, cất đồ chơi vào đúng vị trí..., sẽ giúp bé rất nhiều trong cuộc sống sau này.

Tuy nhiên, phương pháp trên đây áp dụng vào nước ta lại không đơn giản, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, mỗi gia đình thường chỉ sinh một đến hai con. Thực tế, nhiều cậu "ấm", cô "chiêu" được nuông chiều quá mức. Thí dụ, thấy bé khóc, không những mẹ xuýt xoa, mà cả ông, bà, cô, chú..., cùng tìm cách dỗ, nịnh, thậm chí chiều chuộng cả những thói hư, tật xấu của trẻ, không cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao? Trái với chiều chuộng, nhiều ông bố, bà mẹ hay áp đặt, bắt buộc con phải làm thế này, làm thế kia. Khi bé trái ý, bố mẹ lại mắng, thậm chí có biện pháp mạnh để đưa con vào khuôn khổ, theo ý của mình, nhiều khi các bé chính là "nơi trút giận" khi bố mẹ giận nhau.

Chính vì vậy, với trường hợp của bạn chị, tốt nhất là hai vợ chồng cần thống nhất phương pháp dạy con. Và điều quan trọng là các bậc phụ huynh không nên quá chiều chuộng, hay ép các cháu theo ý của mình. Trái lại, nên tìm hiểu kỹ tính cách, sở thích của trẻ để tìm ra phương pháp phù hợp nhất. Bằng những góp ý chân thành, tôi tin rằng bạn chị sẽ hiểu và sớm tìm được phương pháp dạy con phù hợp nhất.