Những cây kèn của NSƯT Lương Ngọc Khánh:

Vàng đã gửi đúng người chọn mặt!

NDO -

NDĐT – Ban đầu chỉ là tình cờ, rồi sau này những cây kèn quý cứ lần lượt đến với nghệ sĩ Lương Ngọc Khánh. Đến nay, ông đã có một bộ sưu tập kèn quý, và làm chúng thực sự “sống” với những bản nhạc tự ông mày mò tập thổi.

Nghệ sĩ kèn Lương Ngọc Khánh.
Nghệ sĩ kèn Lương Ngọc Khánh.

1. Nhiều người biết NSƯT Lương Ngọc Khánh - nhạc công Nhà hát tuồng trung ương với nghệ danh: Khánh kèn.

Nhà nghiên cứu cổ nhạc Bùi Trọng Hiền đánh giá cao kỹ thuật và nội lực của ông. NSƯT Quốc Hưng – giọng trầm nổi tiếng thích nghe ông thổi kèn. Với tài năng Khánh kèn, các nhạc sĩ Phó Đức Phương, Lương Nguyên, Dương Thụ… đều mê.

Và còn nhiều người khác trong giới nghề, bị tiếng kèn Ngọc Khánh thuyết phục.

Chuyện ông Khánh kèn ngày xưa bị cuốn hút bởi Đoàn tuồng Liên khu 5 về quê mình ở xã Dương Cốc – Quốc Oai – Hà Tây cũ biểu diễn, truyền nghề, mà quyết theo nghiệp sân khấu, cũng như Khánh kèn là con trong một gia đình đắm đuối với nghệ thuật, lại là anh cả của GS, Viện sĩ, võ sư Lương Ngọc Huỳnh, võ sư Lương Ngọc Hải phái Lâm Sơn Động danh tiếng…, nhiều người cũng biết.

Nhưng còn lòng trân trọng, gìn giữ những cây kèn kỷ vật và niềm say mê tôn vinh, phát huy nhạc cụ cổ truyền trong nghệ sĩ tài hoa này… Tất cả bắt nguồn từ tình yêu âm nhạc, với văn hóa truyền thống.

2. Một trong những người thầy yêu kính mà NSƯT Ngọc Khánh bày ảnh, thắp hương trên ban thờ nhà mình, là nghệ sĩ Lại Thương, người Đồng Hới – Quảng Bình, nguyên nhạc công Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam. Chính thầy đã dạy Lương Ngọc Khánh chơi bản “Du xuân” – nhạc cung đình Huế do NSND Trần Quý chuyển soạn để với bản nhạc này, năm 1992, Ngọc Khánh giành HCV hội diễn toàn quốc tại Đà Nẵng.

Trước khi mất một thời gian, thầy Lại Thương trao lại cho trò Khánh cây kèn bầu tâm đắc đã đi theo thầy cả đời. Thầy đã nhiều lần solo, độc tấu với cây kèn, đã hạnh phúc, sung sướng nhờ cây kèn, đã biểu diễn với nó ở nhiều nước XHCN, đã thu âm với nó... Nghỉ hưu năm 1986, thầy vẫn dùng cây kèn ấy dạy cho nhiều người để họ hành nghề trong các đám hiếu. Trao lại cho trò Khánh, thầy tin tưởng đã có người tiếp tục sự nghiệp của mình. Trong cuốn băng nhỏ NSƯT Ngọc Khánh ghi âm lại, thầy Lại Thương chia sẻ: Không phải ai cũng thổi được, mà thổi phải có hồn, người thổi phải có tâm hồn. Thầy truyền cho em Khánh để năm châu bốn biển sẽ được nghe và dòng họ có niềm tự hào về một người điêu luyện như thế này. Và mỗi người chúng ta khi nghe Ngọc Khánh thổi cũng có thể tự hào...

Cây kèn, từ ấy, 1997, theo NSƯT Ngọc Khánh đến hôm nay. Thỉnh thoảng, ông ngồi lặng lẽ, mở máy ghi âm nghe lại tiếng thầy. Lời trao truyền cũng chính là sự gửi gắm, kỳ vọng.

Cây kèn khác, NSƯT Ngọc Khánh cũng đang sử dụng, được nghệ sĩ Văn Bá Anh trao lại. Ông là thầy dạy Lương Ngọc Khánh từ “abc…” hồi bước chân vào Trường nghệ thuật sân khấu Việt Nam năm 1972 và khổ luyện ở đó đến 1976. Đó là cây kèn của tuồng Liên khu 5 mà chính thầy Anh cũng không biết nó được làm từ bao giờ, chỉ biết mình đã sử dụng từ năm 1952. Kèn trao tay, người sau dùng còn ấm hơi người đi trước.

Một cây kèn độc đáo mà NSƯT Ngọc Khánh đã tiếp nhận từ Viện âm nhạc sau khi Viện sưu tầm được và chuyển đến. Ông nhận xét: Tìm tòi lâu lâu, tôi thấy đó là một nhạc cụ đặc biệt mà thân và loa là một cây kèn bầu thu gọn, dăm và thắng của nó là nguyên một ống nứa rất nhỏ. Nhưng nó vốn chỉ được sử dụng trong đời sống đồng bào dân tộc Mường.

Những cây kèn ấy, ông lưu giữ và sử dụng bằng tất cả niềm tri ân, trân trọng.

Say nghề, nhờ duyên nên được trao truyền quý vật, suốt nhiều năm NSƯT Ngọc Khánh trăn trở một điều, phải phát huy giá trị của chúng, bằng chính chất liệu rất dân tộc với thân gỗ, dăm thổi bằng lá, bằng sậy... Ông muốn “họ nhà kèn” này, với những tên gọi do đặc điểm hình dáng, cấu tạo, xuất xứ ít nhiều khác nhau, như: kèn bầu, kèn bóp, kèn Chăm, kèn Tàu, kèn Trùng Khánh, kèn Sô na… không bị hạn chế trong không gian, môi trường diễn xướng của sân khấu tuồng hay nghi lễ truyền thống hoặc sinh hoạt nghệ thuật địa phương, mà có thể biểu diễn độc lập và mở rộng khả năng thể hiện.

Đó là lý do thôi thúc để sau những chặng dài luyện tập, ông thổi thành công nhiều điệu dân ca và tác phẩm nhạc mới: “Lý ngựa ô”, “Lời ru trên nương”, “Miền Trung nhớ Bác”, “Về quê”… cùng một số tác phẩm của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và những người khác. Thậm chí một số bài bản cổ truyền của nước ngoài cũng được cây kèn qua tài năng Ngọc Khánh biểu diễn tài tình.

Ông sang Myanmar, thổi bài “Tát nước” của họ, được người nghe công nhận. Ông mới đi Ấn Độ về, ở bên đó, trước quan chức và đông đảo thính giả, ông thổi bài “Cuộc đời là một chuyến du lịch tuyệt vời”, cả hội trường đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt. Một bài dân ca Úc cũng được Ngọc Khánh thổi cho người Úc nghe khiến họ thích thú… Ông còn tranh thủ những cơ hội đưa tiếng kèn của mình vào góp sức cùng vở kịch “Giấc mộng đêm hè” của Nhà hát kịch Việt Nam, vào nhiều vở múa, chương trình lễ hội lớn và cả chương trình của các nghệ sĩ Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam… Ông nói: “Đã 41 năm làm nghề, tôi luôn nghĩ, nhạc cụ mà mình sử dụng, phải làm sao để phát huy khả năng của nó hơn nữa cho thêm phong phú và nhiều người được thưởng thức.”

3. Cũng với những tha thiết ấy mà hôm nay, ông đang hào hứng đợi chờ sự công bố một nhạc cụ mà ông cải tiến từ loại kèn nhỏ ít người biết đến. Loại này, trong dân gian gọi là kèn tổ sâu vì khi sử dụng, người ta lắp một cái sâu kèn để thổi. Gần 30 năm trước, một người bạn nhạc công ở Thanh Hoá, sau này trở thành thông gia với NSƯT Ngọc Khánh, trong một chuyến công tác, vào một đám ma, thấy người ta thổi cái kèn nhỏ như cái ống điếu mà sao tiếng hay quá liền sưu tầm về. Nhưng ông thấy cần phải đưa cho Ngọc Khánh thì mới khai thác được, bởi âm sắc của nó hay thế mà chỉ mới tập trung vào thể hiện một số bài bản cổ truyền. Giữ nhạc cụ mới lạ trong tay, nhưng phải đến năm 2009 mới có dịp tìm hiểu kỹ càng, NSƯT Ngọc Khánh thấy nó chỉ có ở mấy huyện Thanh Hoá như Lang Chánh, Bá Thước, Ngọc Lặc và vùng Hà Tây cũ. Riêng ở Hà Tây cũ thì người ta lại chập hai cái kèn vào nhau để thổi, gọi là kèn đôi.

Ông Khánh kèn suy tính mãi, tìm cách mở rộng cung bậc của cây kèn nhỏ vốn có tám lỗ mà âm thanh rất vang vọng này. Ông làm cây kèn mới 10 lỗ, khoét lại tất cả cho khác đi để phù hợp với việc thể hiện nhiều giai điệu dân ca và những ca khúc mang âm hưởng dân gian, sâu lắng, trữ tình. Ông khoét đến hàng trăm cái, hỏng rất nhiều vì ống nứa làm kèn vừa nhỏ vừa mỏng, trời nắng nóng lên là vỡ. Với cây kèn mới, ông thổi bài “Ngược dòng Hương Giang” của nhạc sĩ Đức Trịnh khiến cho tác giả công nhận ngay nghệ sĩ đã thể hiện rất hay và đúng ý tưởng sáng tác của mình. Biểu diễn ở Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam tại Huế năm 2012, sáng tạo và trình diễn của NSƯT Ngọc Khánh với cây kèn được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đánh giá cao. Nhạc sĩ Phúc Linh – Nguyên Phó Giám đốc Học viện âm nhạc quốc gia có lần nghe Ngọc Khánh thổi thì nói ngay: “Chúc mừng anh!”

4. Có nhiều bạn nghề và cả người chưa quen, biết NSƯT Lương Ngọc Khánh cần những cái tổ sâu, nhất là tổ sâu ở cây ổi, cây chanh, khi tìm được, họ lại gửi tặng.

Bây giờ ông có một cái hộp dự trữ nhiều tổ sâu và năm cây kèn đã qua “cải tiến”. Ông đang hy vọng một dịp sẽ công bố nhạc cụ độc đáo này với cái tên nghe cũng lạ lạ: “Độc quyển sâu” mà theo ông lý giải, “độc” là độc nhất, “quyển” là kèn, “sâu” là tổ sâu. Như vậy là cây kèn tổ sâu độc nhất. Rồi ông sẽ phổ biến và hướng dẫn cho các nghệ sĩ trẻ để thêm nhiều người có thể chơi và thưởng thức.

Nhưng trước đó, ông phải ra album đã. Một loạt tác phẩm đã được ghi âm chuẩn, hy vọng sẽ sớm hoàn thành ấn phẩm. Trong khi chờ đợi những kế hoạch đó, ngôi nhà giữa khu văn công Mai Dịch ngày ngày vẫn vút lên những âm sắc mạnh mẽ, khoẻ khoắn và tha thiết của cây kèn bé nhỏ, khi nghệ sĩ Khánh kèn thổi các bản “Ngược dòng Hương Giang”, “Lý tiểu khúc” (dân ca Huế), “Lý thương nhau” (dân ca Bình Định) và “Lưu thuỷ kim tiền”…

Vàng đã gửi đúng người chọn mặt! ảnh 1

NSƯT Lương Ngọc Khánh thổi kèn “độc quyển sâu” bên những cây kèn của mình.

Vàng đã gửi đúng người chọn mặt! ảnh 2

Ba cây kèn kỷ vật mà NSƯT Lương Ngọc Khánh đang lưu giữ. Từ trái qua: Kèn do nghệ sĩ Lại Thương trao, kèn do nghệ sĩ Văn Bá Anh trao, kèn do Viện âm nhạc “gửi”.