Trẻ cùng ký ức Hà Nội của một người

NDO -

NDĐT - Lê Huy Quang đã cao tuổi nhưng tác phong còn nguyên trẻ. Ông đi xe máy tới, trao đổi ngắn gọn, đủ ý, chuyên chở đủ tình là đi. Gọi điện trao đổi cũng vậy, nhanh chóng, dứt khoát, thường xuyên ở trạng thái công việc, liên quan đến bài vở cho một trang, mục nghệ thuật, văn hóa của một tờ báo, tạp chí văn nghệ nào đó, một tập thơ mới ra, một vai trò đã nhận, sắp nhận với đồng nghiệp văn, báo.

Liên khúc đoản ca của Lê Huy Quang.
Liên khúc đoản ca của Lê Huy Quang.

Nhiều tài khiến ông nặng “nợ”, nhưng giàu năng khiếu tích lũy, dày chuyên môn, kinh nghiệm làm nghề lại giúp ông xử lý thuận lợi công việc và kích thích sáng tạo. Mỹ thuật, sân khấu, thơ, báo, nhiều trong một, và nhiều có thể dồn vào một khi lóe lên gì đó trong nao nức cầm bút.

Điều này dễ nhận ra trong ấn phẩm mới nhất NSND, họa sĩ Lê Huy Quang dâng Hà Nội và tặng bạn đọc. Mà ở đó, ông đặt tên tập sách nhỏ là Liên khúc đoản ca “Ký ức Hà Nội” (NXB Hội nhà văn), nhưng nét tươi tắn thì rờ rỡ, và nhiều câu, đoạn, khúc cho người đọc cảm giác được thưởng thức một cách thú vị.

Khái quát nội dung thì thật ngắn gọn, như tác giả trò chuyện vậy: nhớ những phố phường, nước hồ, tuổi trẻ trai, tuổi em thiếu nữ, những tháng năm bom đạn, tháng năm trưởng thành trong một Hà Nội nhiều biến động. Nhưng diễn ra để nói về những chủ điểm đó, thì như tác giả vẽ nên bài thơ, hát thành tình cảm, và đong đầy những hoạt động, những hình ảnh để làm sáng lên đa nhiều cung bậc cảm xúc gửi gắm. Nhiều câu thơ gợi liên tưởng giúp tác giả làm nên điều đó:

“Tôi/nhuộm màu/hai - bộ - quần - áo - Đỏ - Đen/nhuộm - màu/5 xu cuối cùng trong ngày/nối toa tôi về Ga tàu điện”.

Có những câu, nhà thơ “chơi” màu, “chơi” nét với cái nhìn tạo hình bất ngờ: “Khi mọi thứ áo quần/như trang trí búp bê/thì tự tôi,/sẽ trở về trần truồng thời nguyên thủy/trong không gian/màu cô ban/màu vàng chanh/màu da cam…”.

Những câu khác, không thật cần kể rõ ý mình, mà tạo trạng thái cho người đọc lạc vào mênh mang mà tự cảm nhận một cách cuốn hút: “Tôi/manh chiếu nằm/vỡ góc trăng rơi/một dúm vàng thau con mắt.//Ngã ba này,/trăng bình quân/ba ô mặt//tôi/em/và cây/ba ô mặt/dạn dày trần trụi/ba ô mặt/áp kề nhau đầy bụi/thảng thốt mọi cơn đau…”.

Lê Huy Quang có ý đổi mới cách viết từ lâu, khi rất trẻ, và đã có dấu ấn trong đồng nghiệp với những câu chữ ngắn gọn, giàu sức gợi tả mang tinh thần sống nhiều khi quyết liệt của mình. Nhiều “chùm chữ” trong “Ký ức Hà Nội”, ông tiếp tục nhấn nhá điều ấy: “Sáng ra/tôi xách túi đi/tiếp phần qua đêm/dang dở.//Tôi xách đầu tôi/tôi xách đủ/tổng cộng/mọi phần người//và phần em, hãy dành dụm cho tôi/một tiếng cười/mưa thu/lọt mái”.

Càng thú vị và cuốn hút, khi ông viết, gợi những chuyện tình, những ý tình mà trong ấy, cái nhìn một khoảnh khắc đầy xúc cảm trong ngày, gợi những mong muốn táo bạo hòa cùng bâng khuâng ý nhị. Ông viết: “Từ mắt em tôi đi/từ tay em tôi đến/từ môi em tôi dấu giếm/một bổn phận con trai”, và: “Từ ngày vào Cấp 3/em khép tắm/để anh khuất gió riêng mình rửa chân…”.

Có thể nhận thấy ở đây những chuyển đổi cảm giác nhỏ bé đầy rung động và nao nức khi thương mến tuổi thanh xuân, hòa vào những lắng nghe, dõi theo, hướng về phía ấy, phía một người. Để qua thời gian, người trầy xước, tình dạn dĩ mà thương mến tràn đầy. Một đoạn khác, nhà thơ viết: “Hai đường ray tôi,/chở nặng con tàu/năm tháng./tôi nối thêm toa gồng gánh/tôi làm toa tàu, lần cuối vào em…”.

Càng quyết liệt, nhưng lại run rẩy yếu ớt với tình yêu, nhà thơ hòa trộn những cảm xúc trong tâm hồn người đang yêu nồng nhiệt: “Tôi biến thể/bản Trường ca Điên/trong trang phục đỏ đen hấp hối//Tất cả giờ này/thức dậy/ngồi bên tôi./một viên đá lát đường cũng áp kề môi/hôn tôi chảy máu//và cho tôi ẩn náu/một dúm nhìn em”.

Hết mình, đi tới, nhập cuộc với đời, với nghề, với tình yêu, tình người, và dồn cả vào chữ. Để trung thành với mục tiêu “trẻ hóa” cuộc đời mình, “trẻ hóa” tinh thần sáng tác. Lê Huy Quang cho thấy mình còn sung sức. Nhất là, viết với cảm hứng về Hà Nội, ông giúp bạn đọc tin vào một Hà Nội đầy trải nghiệm và say mê của đời mình. Để Hà Nội riêng thành chung, qua mắt nhìn của một người luôn muốn mình “phải khác”.