Tiếp bước truyền thống nghệ sĩ - chiến sĩ

Nhạc sĩ An Hiếu vừa đoạt Giải thưởng văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng của Bộ Quốc phòng (từ năm 2014 đến 2019) ở lĩnh vực âm nhạc. Với anh, đây là nguồn khích lệ, động viên đặc biệt nhưng công chúng cũng không mấy ngạc nhiên bởi An Hiếu vốn sinh ra trong cái nôi nghệ thuật gia đình và đã gặt hái nhiều thành công trước đó.

Nhạc sĩ An Hiếu biểu diễn trong chuyến công tác tại Trường Sa.
Nhạc sĩ An Hiếu biểu diễn trong chuyến công tác tại Trường Sa.

Nhạc sĩ An Hiếu sinh năm 1975, hiện là giảng viên Trường đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội. Từ lâu anh đã được biết tới trong vai trò trưởng ban nhạc Ðồng Ðội, tham gia sáng tác phối khí và đoạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi, hội diễn toàn quân, toàn quốc. Những ca khúc ấn tượng của An Hiếu có thể kể tới như: Tình yêu âm nhạc, Hành khúc cuộc đời, Cha yêu, Giấc mơ cho con, Chuyện lính kèn, Cha tôi, Lời yêu xa, Bão đêm… Trong đó, có ca khúc Hãy thắp sáng ngọn đuốc hòa bình của anh và đồng tác giả Ðức Tân đã được chọn là bài hát chính thức của Ðại hội Thể thao trong nhà châu Á 2009 lần thứ ba (Asian Indoor Games 3).

An Hiếu sinh trưởng trong gia đình có bề dày truyền thống nghệ thuật, là con trai cố Thiếu tướng - nhạc sĩ An Thuyên và nghệ sĩ Huyền Lâm; và là anh trai của ca sĩ Bông Mai. Nhạc sĩ An Hiếu chia sẻ, sinh thời, cha anh vốn rất nghiêm khắc, nhưng hai cha con lại có sự đồng điệu lớn nhất là âm nhạc.

Gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên quê ở huyện Nghĩa Ðàn, tỉnh Nghệ An. An Hiếu là cái tên được cha mẹ anh đặt tên để nhớ về dòng sông Hiếu chảy qua vùng đất này còn tên em gái anh - Bông Mai - mang dấu ấn của vở kịch Bông mai vàng vang danh một thời mà nghệ sĩ Huyền Lâm là diễn viên chính.

Ðiểm đặc biệt về con đường nghệ thuật của nhạc sĩ An Hiếu là bước khởi đầu. Xuất phát từ sự thấu hiểu về nỗi vất vả của những nghệ sĩ, cho nên vợ chồng nhạc sĩ An Thuyên vốn không "mặn mà" cho các con theo nghề bố mẹ. An Hiếu được học ngoại ngữ với định hướng sau này làm phiên dịch. Mặc dù vậy, từ thuở nhỏ, anh đã luôn tìm mọi cách để tiếp xúc với âm nhạc, bắt đầu từ cây đàn organ cũ trong nhà. Anh kể, đó là phần thù lao của cha anh trong một lần dựng chương trình cho hội diễn. Niềm đam mê âm nhạc thật sự nhóm lên trong anh ngay chính khoảnh khắc chạm vào cây đàn ấy và những âm thanh vang vọng. Từ đó, mạch nguồn nghệ thuật trong sâu thẳm tâm hồn anh được chắp cánh. Thấu hiểu đam mê của con trai, nhạc sĩ An Thuyên bằng lòng để An Hiếu thi vào Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội).

Tương tự như anh trai, ca sĩ Bông Mai lúc hơn 10 tuổi được định hướng theo nghệ thuật múa nhưng cô cũng lặng lẽ đến với đàn pi-a-nô và ghi-ta rồi gắn bó với con đường âm nhạc. Khi cô chưa chuyển công tác về Ðài Truyền hình Việt Nam thì tất cả thành viên trong gia đình nhạc sĩ An Thuyên đều là những nghệ sĩ của quân đội.

Nhạc sĩ An Hiếu chia sẻ, cái nôi nghệ thuật gia đình được bắt nguồn từ thời ông nội anh - một nhà nho xứ Nghệ từng thành lập cả một gánh hát gia đình toàn những thành viên hát hay, đàn giỏi kiêm luôn cả vai trò họa sĩ vẽ phông hay đạo diễn nội dung mỗi lần biểu diễn. Gánh hát gia đình anh thuở ấy toàn biểu diễn nhạc cụ dân tộc và các vở diễn truyền thống, như: Thạch Sanh, Tống Trân -
Cúc Hoa… cho khán giả là những người nông dân trong làng, trong xã thưởng thức và khi ấy được hợp tác xã trả công điểm…

Là con trai cố nhạc sĩ An Thuyên, An Hiếu vừa tự hào, vừa nỗ lực không ngừng trước sự nghiệp âm nhạc của cha. Anh xúc động cho biết, nhạc sĩ An Thuyên đã sống trọn vẹn và hoàn thành nghĩa vụ của một người lính với Tổ quốc mình. Niềm hạnh phúc nhất với ông ở giây phút cuối đời là con cái, học trò trưởng thành, trở thành những nghệ sĩ - chiến sĩ. Nhạc sĩ An Hiếu thừa hưởng nét tài hoa, chỉn chu từ cha mẹ. Trong giảng dạy, anh là người thầy cởi mở nhưng nghiêm khắc với học trò; trong công việc thì miệt mài, tận tụy; còn về mặt đời sống, An Hiếu khá lặng lẽ, kiệm lời. Ngay từ những bước đi đầu tiên của anh trên con đường âm nhạc cho tới bây giờ, là sự nhất quán về tinh thần cống hiến, khiêm nhường và cẩn trọng. Tuy nhiên, công chúng yêu nhạc và những người làm nghề vẫn luôn dành cho anh sự trân trọng và chờ đợi những sáng tác thành công mới từ anh.