Nơi gặp gỡ của nghệ thuật truyền thống và đương đại

Những ngày giữa tháng 5, với sự hỗ trợ của Viện Pháp tại Việt Nam và Phái đoàn Liên hiệp châu Âu, công chúng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có dịp thưởng thức đêm trình diễn đa nghệ thuật đặc biệt trong khuôn khổ Ngày châu Âu 2019 mang tên Overseas. Ở đó, cảm xúc người xem có dịp thăng hoa trong không gian giao thoa tinh tế giữa nghệ thuật truyền thống và đương đại.

Một tiết mục trong chương trình Overseas.
Một tiết mục trong chương trình Overseas.

Làm nên linh hồn của đêm diễn là hai nghệ sĩ nổi danh của sân khấu đương đại thế giới là Nguyên Lê - nhạc sĩ jazz người Pháp gốc Việt từng được vinh danh Nhạc sĩ xuất sắc nhất năm 2011 của Pháp và Tuấn Lê - nghệ sĩ xiếc từng nhận giải Nghệ sĩ xuất sắc nhất năm 2010 do Hiệp hội Tung hứng Thế giới trao tặng. Lần đầu kết hợp trong Overseas với vai trò đồng sáng tác và đạo diễn, họ đã mang đến dòng chảy mạnh mẽ của những sáng tạo nghệ thuật đương đại ở nhiều loại hình như: âm nhạc, vũ đạo, xiếc, beatbox, tung hứng… Và đồng hành cùng họ là những nghệ sĩ Việt Nam hoặc gốc Việt đến từ nhiều nơi trên thế giới. Ðó là Ngô Hồng Quang - nghệ sĩ chuyên về âm nhạc dân tộc đang sống ở Hà Lan, nghệ sĩ beatbox Trung Bảo từ Mỹ, nghệ sĩ Alex Trần (bộ gõ và trống) từ Pháp, nghệ sĩ xiếc - múa Toàn Lê từ Ðức, vũ công kiêm biên đạo múa Alex Trần từ Pháp… Trong số họ, có những người trước đó thậm chí chưa một lần tới Việt Nam, nhưng được gắn kết bởi dòng máu Việt cùng chảy trong cơ thể. Ðó là lý do khiến Overseas là cuộc gặp gỡ của nhiều cá tính, tài năng nghệ thuật đến từ nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới nhưng vẫn mang đậm âm hưởng, màu sắc văn hóa truyền thống Việt Nam, đó cũng là mạch nguồn kết nối gần 15 tiết mục trong chương trình với sự đa dạng về phong cách và điêu luyện về kỹ năng trình diễn.

Ở đó, người xem bắt gặp sự kết hợp đầy ngẫu hứng của ghi-ta điện với beatbox và điệu nhảy thiết hài; nghe cuộc đối thoại tinh tế giữa điệu hát văn và âm nhạc điện tử;… Thật khó để định dạng Overseas là chương trình xiếc, múa hay âm nhạc, bởi đó là sự hòa quyện khó phân định ranh giới giữa các loại hình nghệ thuật, khi mà những chuyển động cơ thể cũng được coi là giai điệu và âm nhạc cũng là một phần tạo hiệu ứng thị giác. Phần âm nhạc của chương trình giống như người dẫn chuyện kết nối những miền cảm xúc và là minh chứng rõ ràng nhất cho sự kết hợp đầy trau chuốt giữa âm nhạc dân tộc Việt Nam vang vọng tiếng đàn tranh, sáo tre, bộ gõ tre… với nhạc jazz, rock, hiphop… Góp phần làm nên dấu ấn cho chương trình còn là sự độc đáo của trang phục và phối cảnh sân khấu với chất liệu đặc biệt từ trúc chỉ - loại hình giấy nghệ thuật do họa sĩ người Huế Phan Hải Bằng sáng tạo. Trong chương trình, trúc chỉ không đơn thuần là đạo cụ hay phần nền trang trí mà đã thật sự trở thành một thành tố tham gia gắn kết, đối thoại và tương tác cùng giai điệu, vũ đạo, ánh sáng…

Nhạc sĩ Nguyên Lê tâm sự: "Khi lớn lên, tôi biết mình là một Việt kiều - một người Việt Nam xa xứ sinh ra trên mảnh đất không phải quê hương của cha mẹ, nhưng vẫn nuôi dưỡng trong mình những giấc mơ về một đất nước xa xôi…". Thế nên, với ông, văn hóa Việt Nam luôn là ngọn nguồn của cảm hứng sáng tác, dù là cách đây 22 năm, khi Nguyên Lê ra mắt an-bum "Những câu chuyện từ Việt Nam" lấy nguồn từ âm nhạc dân tộc, sau đó là năm an-bum tiếng Việt khác và giờ là Overseas… Với nghệ sĩ Tuấn Lê cũng vậy, anh luôn khao khát được định danh nghệ thuật dân tộc Việt Nam trong dòng chảy văn hóa thế giới; cho nên những vở xiếc nghệ thuật do anh tham gia sáng tạo như Làng tôi, À ố show, Ter Dah bằng những nét truyền thống đã luôn gây tiếng vang từ những chuyến lưu diễn khắp nơi trên thế giới… Từ cách đây ba, bốn năm, Nguyên Lê và Tuấn Lê đã tìm kiếm, kết nối những người làm nghệ thuật là người Việt Nam, gốc Việt Nam trên thế giới để cùng thực hiện Overseas. Khoảng cách địa lý khá xa cho nên các nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian để luyện tập; nhưng đều mong muốn, dự án sẽ là tiền đề để mở rộng mạng lưới kết nối các nghệ sĩ Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới.

Trước khi biểu diễn ở Việt Nam, Overseas đã được ra mắt và đón nhận sự hưởng ứng nồng nhiệt từ công chúng Pháp. Các nghệ sĩ cho biết, tháng 6 tới, chương trình sẽ đến nước Ðức, sau đó là nhiều nơi trên thế giới. Và đây cũng chính là con đường để âm nhạc dân tộc Việt Nam, văn hóa truyền thống Việt Nam ghi dấu ấn và khẳng định những nét tinh hoa, độc đáo trước bạn bè quốc tế.