Những nghệ sĩ của buôn làng

Nam Tây Nguyên đang vào mùa dệt những mầm xanh. Giữa mênh mông đại ngàn, thổn thức âm giai Nồng nàn cao nguyên của nhạc sĩ Krajan Dick, tôi về với buôn làng Cơ Ho, Chu Ru để được nghe tiếng gọi của muôn loài qua nhịp chiêng hoài vọng, thổn thức cùng vũ điệu Arya huyền thoại, mơ màng trong họa tiết Măttơngê (thần mặt trời) khai mở ánh sáng và nghe kể chuyện về những nghệ sĩ của buôn làng.

Đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên cùng vui ngày hội buôn làng.
Đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên cùng vui ngày hội buôn làng.

Chiều nghiêng nắng, Nam Tây Nguyên tĩnh lặng đến lạ, mây la đà trườn qua núi, ôm lấy những buôn làng của bà con dân tộc Chu Ru, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng). Hương hoa cải thoảng đưa, chợt thổn thức âm giai huyền bí, “Tờơng… tờơng… tờơng… Tờ tờ thi, tờ thi…”. Tiếng chiêng quyện hòa cùng tiếng rơkel (kèn bầu) sâu thẳm, mênh mang. Đó là tiếng chiêng bật ra từ đôi tay của Nghệ nhân Ưu tú Ya Ngôn hòa cùng hơi thở núi rừng. Chủ tịch nước phong tặng Ya Ngôn là Nghệ nhân Ưu tú, nhưng bà con buôn làng Próh Ngó suy tôn ông là già làng, người có uy tín và là nghệ sĩ của buôn làng.

Những nghệ sĩ của buôn làng ảnh 1

Nghệ nhân Ưu tú Ma Bio (huyện Đơn Dương) biểu diễn với dàn chiêng của đồng bào Chu Ru

Cơn gió hoang hoải luồn qua những nếp nhà, già Ya Ngôn đã qua 68 mùa rẫy, trầm ngâm thẩm âm dàn chiêng ba nhuốm màu thời gian. Ông mở lời: “Với người Chu Ru ai cũng có thể là nghệ sĩ. Con trai phần lớn biết chơi trống, thổi kèn bầu, đánh cồng chiêng; phụ nữ đưa đôi tay lên là ra điệu vũ”. Người Chu Ru gọi nhạc cụ bằng đồng có núm ở giữa là chêng hay ching, còn loại không có núm là char hay sár. Biên chế dàn nhạc để diễn tấu phổ biến của người Chu Ru có dàn chiêng ba gắn trên khung tre, thứ tự từ phải sang trái, từ to đến nhỏ là Ame (mẹ), Dra (dì trẻ) và Ànạ (con gái); rơkel (kèn bầu) và sơgơr (trống) gơnang. “Muốn đánh được một bài ching, sár phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai tay. Một bài hoàn chỉnh trong lễ hội như Arya, T’rumpô phải có sự kết hợp giữa tiếng cồng, chiêng, kèn bầu và tiếng sơgơr gơnang. Những thanh âm ấy là phương tiện giao tiếp với Yàng, với thần linh. Và ching, sár luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Chu Ru”, nghệ nhân Ya Ngôn chia sẻ.

Nghe Ya Ngôn lý giải về dàn chiêng ba của dân tộc Chu Ru, chợt nhớ chuyện luận bàn về dàn chiêng của người Cơ Ho, Mạ, M’nông với Nghệ nhân Ưu tú K’Bes, dân tộc Cơ Ho, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng). Ông nói: “Dàn chiêng sáu của ba tộc người này có nhiều tên gọi, nhưng phổ biến theo thứ tự ching me, rơnul, ndơn, ndol, t’rơ, thêt. Mỗi vị trí trong bộ sáu thang âm đều có âm và tiết tấu riêng. Ching me giữ nhịp tấu gọi dàn chiêng giao hòa. Muốn đánh được chiêng, phải nhạy cái tai, dẻo cái tay, cái tâm phải thổn thức với rừng Yàng”. Biên chế bộ chiêng sáu là thế, song, vẫn có những cuộc “chơi chiêng cảm hứng”. “Chiêng đôi thường để đấu chiêng, gọi nhau trong câu chuyện. Khó lắm, phải điêu luyện mới đánh được”, nghệ nhân K’Bes giãi bày. Mỗi điệu chiêng của người Tây Nguyên đều gửi gắm một thông điệp với thần linh, với rừng xanh, với cộng đồng… trong chính không gian thiêng của buôn làng, không gian văn hóa nuôi sống cồng chiêng.

Hương hoa cải thoảng đưa, già Ya Ngôn xuôi miền ký ức. Ông kể: Xưa, mỗi lần buôn làng vào hội hay có lễ trọng, người già đều thổi kèn, đánh trống, cồng chiêng, những điệu tamya huyền thoại cũng hòa trên nền nhạc ấy. Còn lũ trẻ trong buôn thì kéo nhau chơi hội và tiếng cồng. Cứ thế tiếng chiêng đã thấm dần trong tâm thức chàng trai Ya Ngôn. Qua bao mùa rẫy khổ luyện, ông đã biết đánh những điệu chiêng cơ bản, người già yên lặng nghe và chỉnh sửa. Năm 14 tuổi, Ya Ngôn gần như thuần thục các bài chiêng của người Chu Ru. Cùng với ching, sár, ông còn biết thổi rơkel, vỗ sơgơr gơnang và nằm lòng các nghi thức biểu diễn trong từng lễ hội. Từ năm 1999 đến nay, Ya Ngôn luôn là thành viên chính của đội cồng chiêng huyện Đơn Dương. Ông có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình sưu tầm, thu thập tư liệu để xây dựng hồ sơ công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Giờ đây, mỗi mùa lễ hội, lễ cúng thần linh, hay lễ bỏ mả ở vùng Próh, khi dàn hợp âm truyền thống của người Chu Ru ngân lên, đều không thể thiếu người nghệ sĩ tài hoa Ya Ngôn. Khoảng 5 năm nay, sau giờ làm rẫy, người dân Próh Ngó đều thấy lũ trẻ trong buôn làng quây quần bên già Ya Ngôn ở nhà văn hóa để “thẩm thấu” tiếng chiêng, tiếng cồng và những nhạc cụ truyền thống của người Chu Ru. “Cái tay đánh chiêng đã hằn những vết chai, nhưng người già trong buôn rồi sẽ về với rừng Yàng, cho nên các thế hệ phải được trao truyền và tiếp nối mạch nguồn văn hóa truyền thống ấy”, già Ya Ngôn chia sẻ.

Những tia nắng cuối ngày dần tắt trên đỉnh Iamơnhi. Ngọn lửa thiêng được thắp lên, đêm hội buôn làng Chu Ru, ở thôn Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương bắt đầu. Âm ba của sár, sơgơr quyện hòa cùng điệu rơkel vang xa lên tận đỉnh núi. “Đối với người Chu Ru, trong các sự kiện có tính cộng đồng, cộng cảm, không thể thiếu các điệu tamya trên hợp âm cồng chiêng, rơkel và sơgơr gơnang. Đó là lễ thức quan trọng trong đời sống tâm linh, văn hóa cộng đồng người Chu Ru”, Nghệ nhân Ưu tú Touneh Ma Bio gợi mở.

Bà Ma Bio là một trong chín người trên miền đất ba-dan Lâm Đồng, được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú. Song, cũng giống già Ya Ngôn, từ lâu, bà đã là nghệ sĩ thực thụ trong lòng bà con buôn làng. “Từ lúc nằm sau lưng mẹ, mình đã “thẩm” tiếng chiêng. Mới đó, thấm thoắt đã qua hơn 60 mùa rẫy”, nghệ nhân Ma Bio thổ lộ. Sinh ra và lớn lên bên dòng Đạ Nhim huyền thoại, miền đất chất chứa nhiều vũ điệu huyền diệu của người Chu Ru, tuổi thơ chênh chao trên lưng mẹ, Ma Bio đã được ru giấc nồng bằng nhịp chiêng, điệu rơkel du dương len qua khe suối. Cô gái miền sơn cước thụ hưởng sinh khí buôn làng và lớn lên giữa không gian văn hóa mê đắm hồn người. Có lẽ thế, cho nên ở tuổi lên bảy, lên tám, đôi tay của Ma Bio đã gõ đúng nhịp chiêng, đôi chân đã bước theo đúng nhịp trống hòa cùng điệu tamya của trai gái trong làng.

Ma Bio kể, gia đình bà ai cũng biết chơi chiêng, múa hát, nhờ sự truyền dạy của mẹ và cậu. Năm lên 10, bà đã biết chơi chiêng, đánh trống một cách hồn nhiên, nhưng không hề lỗi nhịp, các nghệ nhân trong làng ngơ ngác cả. Từ đó, hồn sár, nhịp sơgơr cùng những điệu dân vũ tamya truyền thống của người Chu Ru trở thành nhựa sống của cô gái miền sơn cước. Dòng Đạ Nhim vẫn tỉ tê, ngưng tấu rơkel, già làng Ya Hin nói: “Ma Bio là người nổi tiếng cộng đồng Chu Ru mình đó, bởi đã có công hồi sinh tamya bị lãng quên trong thời gian dài”.

Nghe và thấy nghệ nhân trong làng tấu chiêng thì vô cùng đơn giản, nhưng phải khổ luyện qua 20 mùa rẫy. Khi đã thành nghệ nhân tấu chiêng, Ma Bio mới hiểu được rằng, tamya được sinh ra trên chính nền âm nhạc cổ cùng tên với điệu vũ. Bởi vậy, trình diễn “ngôn ngữ hình thể” không thể thiếu nhịp chiêng và ngược lại, điệu chiêng ngân dài mà vắng điệu vũ dân gian cũng sẽ “lạc phách”, thiếu sự khơi gợi. “Tamya là múa. Còn Arya, T’rumpô, Păhgơnăng, Damtơra... là các vũ điệu. Đối với người Chu Ru, trong các dịp lễ hội dù lớn hay nhỏ, như lễ Pơthi (bỏ mả), Mơ Nhum (cúng thần Lúa), Bơ Mung (thần Đập nước)… khi âm thanh của chiêng ba, tiếng sơgơr gơnang và rơkel vang lên thì mọi người cùng hòa nhịp tamya. Đó là sự giao hòa âm dương, biểu hiện của sự tương giao bền chặt”, nghệ nhân Ma Bio nói.

Năm 2007, Ma Bio đứng ra thành lập đội chiêng để truyền dạy cho lớp trẻ trong buôn đánh chiêng, đánh trống và các điệu vũ truyền thống. Giờ buôn đã có hơn 70 bạn trẻ tấu chiêng, hòa nhịp tamya nhuần nhuyễn, như: Nai Luyến, Tou Ry, Ya Pô, Ma In, Xu Lin… Tôi dùng dằng trong điệu Păhgơnăng tiễn khách bịn rịn của thế hệ kết nối mạch nguồn các điệu chiêng, điệu vũ tamya huyền thoại của người Chu Ru.

Nắng lên. Tuyến đường Trường Sơn Đông từ thành phố hoa Đà Lạt vào miền thần thoại Đưng K’Nơh, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), như dải lụa vắt ngang lưng chừng núi. Đưng K’Nơh, theo người Cơ Ho cắt nghĩa là “vùng đất bằng thần thoại” và ở đó, có những con người đang cần mẫn “dệt” nên những huyền thoại. Trong ngôi nhà truyền thống của gia đình bà Bon Niêng K’Glòng (76 tuổi), tiếng thoi đưa như bản tình ca đại ngàn xuyên qua nhà sàn. Ở xứ này, chỉ còn ba chị em nhà Nghệ nhân Ưu tú K’Glòng vẫn đau đáu với nghề dệt thổ cẩm, làm sống lại những nét hoa văn truyền thống của người Cơ Ho và cần mẫn giã cây rừng nhuộm mầu sợi dệt.

Dệt vải là nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời, giữ vai trò quan trọng trong đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ miền sơn cước. Thông qua tấm vải dệt, họ gửi gắm tâm hồn, tình cảm và sự cảm nhận về thế giới tự nhiên, con người qua những hoa văn sinh động. Nghệ nhân K’Glòng cho biết, công cụ dệt của người Cơ Ho gồm cán bông, bật bông, xa quay sợi, hai khung cuốn sợi, khung căng sợi và bộ khung dệt. Người Cơ Ho không có khung dệt cố định, đó là bộ khung dệt rời bằng 12 thanh gỗ hoặc tre nhiều kích cỡ; mỗi thanh đều có tên gọi và chức năng riêng và từ xưa đến tận bây giờ vẫn không thay đổi.

Thổ cẩm trước đây của người Cơ Ho luôn thoảng hương rừng, nhưng giờ dường như phai nhạt, vì qua nhiều công đoạn cầu kỳ, nhiều người không còn thiết tha nữa. Nhưng chị em nhà bà K’Glòng vẫn mê đắm hương sắc ấy. Không đủ sức để đi rừng như thời con gái, bà nhờ con cháu mang cây rừng về trồng quanh nhà để giã lấy nước cốt ủ mầu cho sợi. Và hàng chục năm nay, đôi bàn tay của họ vẫn luôn nhuốm hương sắc núi rừng, với sáu mầu chủ đạo là đỏ, xanh đen, vàng, nâu, cam và xanh dương. Để có mầu sắc như ý, nghệ nhân phải biết pha mầu. Trên thổ cẩm của đồng bào Cơ Ho là bức tranh của cuộc sống gắn với văn hóa rừng. Nào hoa văn kỷ hà, muông thú và các vật dụng quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của họ, như cầu thang nhà sàn, xà gạc, cổ nỏ, răng cưa, lá mây… Và không thể thiếu họa tiết Măttơngê (thần mặt trời), thần ban cho ánh sáng. “Hoa văn truyền thống là vậy, nhưng không phải ai dệt cũng giống nhau. Mầu sắc, sự phối hợp và cách đan xen các họa tiết trên tấm thổ cẩm cũng tùy cảm xúc, cách nhìn và cả sở thích của mỗi người, nhưng không được rời khuôn phép”, nghệ nhân K’Glòng chia sẻ.

Lâm Đồng có 43 dân tộc quần tụ sinh sống. Trong đó, gần 200 nghìn cư dân người Cơ Ho, Mạ, Chu Ru và M’nông, chiếm hơn 15% dân số toàn tỉnh. Đây là những tộc người bản địa trên đại ngàn Nam Tây Nguyên. Hôm nay, diện mạo mới đã ùa về trên những cung đường của buôn làng và không gian, môi trường văn hóa, tập tục đã có sự tiếp biến, đổi thay; nguy cơ phai nhạt bản sắc văn hóa truyền thống đang hiển hiện. Điều đó đang đặt lên đôi vai những Nghệ nhân Ưu tú - những nghệ sĩ của buôn làng những âu lo, trách nhiệm. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số địa phương đều được các nghệ nhân hỗ trợ, như truyền dạy cồng chiêng, phục dựng các lễ hội truyền thống… Họ cũng là những người tham gia sưu tầm, khảo sát, điền dã để phát hiện giá trị văn hóa của các dân tộc bản địa và tư vấn cho cơ quan chuyên môn, địa phương; hoặc định hướng khoa học trong việc phục dựng các loại hình dân ca, dân vũ, khôi phục chữ viết đang dần mai một. “Trách nhiệm của nghệ nhân là tham gia với cộng đồng, chính quyền địa phương để khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị di sản”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng nói.

Chia tay những nghệ sĩ buôn làng Nam Tây Nguyên, vấn vương tự tình của nhiều Nghệ nhân Ưu tú: Đối với người Tây Nguyên, rừng còn, buôn làng còn; rừng dạy bà con cách sống. Từng bài chiêng, bài cồng là tiếng ca tiếng hát, tiếng gọi bầy của muôn loài. Từng họa tiết hoa văn, điệu vũ dân gian là khắc họa đời sống gắn với không gian rừng. Phải được gìn giữ, trao truyền và tiếp nối.