Người mê làm tranh Bác Hồ

NDO -

NDĐT – Gần cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật hội hoạ, hoạ sĩ Đỗ Năm đi từ bắc tới nam với một kho tàng tác phẩm khổng lồ với rất nhiều thể loại như tranh cổ động, tranh lịch sử, cách mạng… Nhưng đề tài lớn truyền cảm hứng xuyên suốt trong sự nghiệp sáng tác không ngừng nghỉ của ông là làm tranh về Bác Hồ, bằng rất nhiều chất liệu khác nhau như vỏ trái măng cụt, lá dừa nước, hạt ngũ cốc và cả bằng… dây điện.

Hoạ sĩ Đỗ Năm tiếp bạn đến thưởng thức tranh.
Hoạ sĩ Đỗ Năm tiếp bạn đến thưởng thức tranh.

Sinh ra và lớn lên ở Nam Định, chàng thanh niên Đỗ Năm đã sớm giác lộ lý tưởng, tham gia đấu tranh cách mạng từ khi còn rất trẻ. Lúc bấy giờ, trong quân đội cử cán bộ đi học, Đỗ Năm đã làm đơn xin học hội hoạ tại Trường trung cấp Mỹ thuật Hà Nội rồi sau đó là ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp ra trường, chàng hoạ sĩ trở về đơn vị nhận nhiệm vụ ngay trên quê hương Bác – Nghệ An từ năm 1965 đến 1969. Đó là những năm tháng chiến tranh ác liệt nhưng khắc ghi trong lòng chàng hoạ sĩ nhiều kỷ niệm khó phai và cái duyên đến với nghệ thuật hội hoạ của cuộc đời mình. Tuy nhiên, thời gian đầu khi mới ra trường, anh bộ đội cụ Hồ năm xưa đã thôi cầm súng mà thay bằng cầm bút vẽ trên bước đường hành quân, ra chiến trường cùng đồng đội. Ông kể, lúc bấy giờ chủ yếu là làm nhiệm vụ, ký hoạ để ghi lại những khoảnh khắc của đồng đội, những gì mình chứng kiến và những nơi bước chân đã đi qua.

Đến khi miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, hoạ sĩ Đỗ Năm được phân công về công tác tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Hà Nam Ninh. Năm 1980, ông tình nguyện tăng cường cho miền nam vào tỉnh Hậu Giang cũ và dạy trường Văn hoá nghệ thuật của tỉnh Hậu Giang tại Sóc Trăng. Năm 1984, hoạ sĩ Đỗ Năm về công tác tại Bảo tàng Cần Thơ, chuyên vẽ tranh Lịch sử, rồi cùng vợ ở lại TP Cần Thơ sinh sống đến tận bây giờ. Cuộc đời hoạt động mỹ thuật và cống hiến của hoạ sĩ Đỗ Năm luôn là tấm gương sáng cho những hoạ sĩ trẻ đất Tây Đô

Vậy rồi, sau hàng chục năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng trên mặt trận văn hoá nghệ thuật - tư tưởng, với tuổi vui thú điền viên, hoạ sĩ Đỗ Năm lại càng hăng hay sáng tác. Ông tham gia ở rất nhiều mảng đề tài từ tranh phong cảnh, chân dung các vị lãnh tụ như mười một đời Tổng Bí thư và Bác Hồ; chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng đề tài lớn và xuyên suốt trong sự nghiệp hội hoạ mà ông ấp ủ là làm tranh về Bác Hồ kính yêu.

Người mê làm tranh Bác Hồ ảnh 1

Hoạ sĩ Đỗ Năm đang sáng tác.

Điều độc đáo ở tranh của hoạ sĩ Đỗ Năm mà không thể tìm gặp ở bất kỳ hoạ sĩ nào khác được đó là chất liệu làm tranh. Từ khi vào miền Nam công tác rồi sinh sống tại Cần Thơ đến tận bây giờ, hoạ sĩ Đỗ Năm đã xem Tây Đô là quê hương ruột thịt. Nên ông luôn tìm tòi, khám phá những nét văn hoá của địa phương đưa vào hội hoạ. Độc đáo nhất là việc ông làm tranh Bác Hồ bằng dây điện.

Hoạ sĩ Đỗ Năm kể, từ hồi bắt đầu đứng chân trong lĩnh vực hội hoạ, ông đã ấp ủ đề tài lớn là vẽ về Hồ Chủ tịch kính yêu. Nhưng khi ra trường, chàng hoạ sĩ trẻ phải làm theo nhiệm vụ được phân công, chuyên vẽ tranh cổ động và ký hoạ về những khoảng khắc chiến đấu anh dũng của đồng chí, đồng đội, về những nơi mà dấu chân những người chiến sĩ cụ Hồ đã đi qua. “Tôi bắt đầu sáng tác về Bác Hồ năm 1988 với bức tranh bằng dây điện về bức chân dung Bác Hồ nghe điện thoại năm 1947. Sau đó đi dự liên hoan toàn quốc được giải bạc và trưng bày ở Bảo tàng Quân đội Việt Nam đến tận bây giờ”, hoạ sĩ Đỗ Năm chia sẻ.

Dây điện, một chất liệu khá lạ và độc đáo. Ông kể, trước đó, ông đến Bưu điện TP Cần Thơ, tình cờ thấy các nhân viên nơi đây đang cắt nhỏ hàng đống dây điện với đủ các màu xanh, đỏ, vàng, trắng… Ông chợt loé lên ý tưởng sẽ dùng dây điện làm chất liệu để sáng tác. Rồi ông mua dây điện loại nhỏ như cây tăm xỉa răng với đủ màu sắc. Ông tỉ mẫn ngồ rút ruột đồng ra bỏ, rồi cùng vợ cắt nhỏ từng khúc dây điện ra thành hạt nhỏ như hạt gạo, đều nhau. “Sau khi tôi phác hoạ hình ảnh xong thì trải một lớp keo lên giấy vẽ. Bà nhà tôi đã phân loại sẵn dây điện cắt nhỏ theo từng màu riêng biệt. Khi đó, tôi chỉ việc trải dây điện lên giấy vẽ, kết dính vào keo rồi trải màu theo sự tính toán chuyển màu tự nhiên nhất. Hầu hết tranh bằng dây điện của tôi đều làm về Bác Hồ với nhiều kích thước khác nhau. Còn bức tranh dây điện lớn nhất tôi từng làm là Bản đồ Thế giới cao năm mét, dài 10 mét, có diện tích đến 50 mét vuông, trưng bày ở Bưu điện Cần Thơ”, hoạ sĩ 81 tuổi kể.

Người mê làm tranh Bác Hồ ảnh 2

Bức tranh Bác Hồ của hoạ sĩ Đỗ Năm làm bằng dây điện.

Để tạo dấu ấn riêng cho tranh của mình, hoạ sĩ Đỗ Năm không ngừng tìm tòi, sáng tạo. Ông tận dụng tất cả các chất liệu gần gũi trong cuộc sống đời thường, những thứ có sẵn trong tự nhiên để làm tranh. Đó là trái điệp gắn liền với tuổi học trò. Đó là lá dừa nước, là vỏ trái măng cục hay những thứ lương thực, thực phẩm quen thuộc hằng ngày trong những bữa ăn cũng được ông vận dụng sáng tạo một cách hài hoà và độc đáo như các loại hạt ngũ cốc.

Để có được những bức tranh sống mãi với thời gian về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, hoạ sĩ Đỗ Năm không ngừng nghiên cứu các tài liệu về Bác, sưu tầm tranh, ảnh, báo chí. Đặc biệt là ông thường xuyên lui tới công viên Bến Ninh Kiều bên dòng Hậu giang thơ mộng, nơi có bức tượng Bác Hồ đứng hiên ngang giữa đất trời Cần Thơ xinh đẹp. Rồi ông lẳng lặng tìm cho mình một chỗ ngồi với tầm quan sát tốt nhất để ngắm nhìn chân dung Bác. Mỗi lần tìm thấy một tài liệu, hình ảnh nào mới về Bác hay mỗi khi tìm đến bên tượng Bác, hoạ sĩ Đỗ Năm có thể say sưa nghiên cứu hoặc ngồi ngắm nhìn Bác hàng giờ liền, như thể quên hết mọi thứ chung quanh.

60 năm trong nghề hội họa, họa sĩ Đỗ Năm đã dành cả cuộc đời sống trọn với đam mê để tạo ra một “gia tài” mỹ thuật đồ sộ. Ông nói, sáng tác về Bác, ông có thể sáng tác cả đời. Thế nên ở cái tuổi xưa nay hiếm, đã ngoài 80 tuổi mà vị hoạ sĩ già vẫn ngày ngày ngồi bên khung vẽ nắn nót từng nét cọ để thổi hồn cho những bức tranh làm đẹp thêm cho cuộc sống. Đó là tình yêu đích thực, là lửa đam mê hội hoạ Đỗ Năm vẫn cháy mãi, không ngừng.